Những nội dung và kết quả quan trọng của Hội nghị lần thứ 4, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) đã thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận. Phóng viên VOV phỏng vấn GS.TS Trần Ngọc Đường, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.
PV: Trung ương đã chỉ rõ một cách có hệ thống những biểu hiện của sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong Đảng, nguy hiểm nhất là sự phai nhạt lý tưởng cách mạng, dao động, thiếu niềm tin, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh, bè phái, cục bộ, mất đoàn kết, xa dân, vô cảm trước khó khăn, bức xúc của dân.
Ông có suy nghĩ gì trước tinh thần thẳng thắn, nói rõ sự thật của Đảng?
GS.TS Trần Ngọc Đường: Những điều Tổng Bí thư đã nói là hết sức cụ thể, đúng và phù hợp với thực tiễn hiện nay.
Vấn đề là từ những biểu hiện đó, đấu tranh, phòng, chống nó như thế nào để có hiệu lực, hiệu quả. Bởi vì những việc này đã nói lâu nay, Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI) cũng đã đề cập đến, nhưng giải pháp để đấu tranh, hạn chế, ngăn ngừa và đi đến xóa bỏ được những biểu hiện đó mới là vấn đề quan trọng.
PV: Trong 4 nhóm giải pháp xây dựng, chỉnh đốn Đảng được Hội nghị Trung ương nêu ra, theo ông những nhóm giải pháp này cần được triển khai đồng bộ ra sao để phát huy được hiệu quả cao nhất?
GS.TS Trần Ngọc Đường: Theo tôi, 4 nhóm giải pháp phải tiến hành một cách đồng bộ. Tuy nhiên, cũng phải nhấn mạnh giải pháp nào trọng tâm, tập trung sức để thực hiện. Tôi cho rằng, trong 4 nhóm giải pháp đó thì giải pháp giáo dục chính trị, tư tưởng; phê bình và tự phê bình được chúng ta làm thường xuyên.
Song giải pháp quan trọng hiện nay là kiểm soát được quyền lực nhà nước, nhất là kiểm soát được sự lạm quyền, vi phạm pháp luật, vô tổ chức, vô kỷ luật của những cán bộ, đảng viên có chức có quyền.
Nếu không kiểm soát được quyền lực mà ở cơ quan nhà nước như các Bộ, ngành Trung ương, mỗi Bộ trưởng trở thành một tư lệnh ngành muốn làm gì thì làm trong Bộ mình thì không thể được. Làm thế nào để kiểm soát hữu hiệu buộc họ từ đề bạt, cất nhắc hoàn toàn phải đúng và hợp lòng dân.
Do đó, giải pháp tăng cường công tác kiểm soát quyền lực nhà nước, kịp thời chỉ ra những sai sót của những người có chức, có quyền trong việc thi hành công vụ để kịp thời sửa chữa là quan trọng nhất. Tôi cho rằng cần tập trung làm nhiều hơn.
PV: Hội nghị Trung ương lần này khẳng định sự gương mẫu của Trung ương là cực kỳ quan trọng và có ý nghĩa quyết định. Điều này có liên quan ra sao đến việc rà soát, hoàn thiện cơ chế, kiểm soát việc thực thi quyền lực của người có chức có quyền, thưa ông?
GS.TS Trần Ngọc Đường: Đúng như vậy. Những đồng chí Trung ương gương mẫu, chấp hành pháp luật một cách nghiêm túc thì đó là tấm gương quan trọng để các đồng chí khác tuân thủ.
Vì vậy, giải pháp tăng cường kiểm soát thực thi quyền lực trước hết đối với các đồng chí Trung ương. Nếu họ thực sự gương mẫu, tuân thủ pháp luật thì tôi tin chắc chắn những đồng chí khác sẽ tuân theo.
PV: Đánh giá cao cái mới lần này của hội nghị Trung ương khi đã thẳng thắn chỉ ra một cách có hệ thống về biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, nhưng nhiều người dân còn băn khoăn khi chưa thấy Đảng chỉ rõ một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên thoái hóa, biến chất là ai, ở đâu. Theo ông, chỉ ra những điều này có khó không và cần thiết hay không?
GS.TS Trần Ngọc Đường: Thực ra nói hay không nói, Đảng cũng thấy và người dân cũng thấy được bộ phận không nhỏ đó là ai. Trong bài phát biểu tổng kết Hội nghị Trung ương của Tổng Bí thư đã chỉ ra điều đó, tức là những người có chức, có quyền.
Những người có chức, có quyền thoái hóa, biến chất thì khó lòng nói những đảng viên bình thường khác không thoái hóa, biến chất. Vì vậy, việc chỉ ra hay không chỉ ra không quan trọng, mọi người đều ngầm biết hết ai là người cần tập trung đấu tranh.
Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, thoái hóa, biến chất trước hết phải là những người có quyền lực trong bộ máy Nhà nước, bộ máy của Đảng thực sự nghiêm túc, gương mẫu, làm đúng Hiến pháp và pháp luật thì cuộc đấu tranh này chắc chắn sẽ thành công.
PV: Xin cảm ơn ông./.