Người chuyển giới và nỗi sợ hãi thầm kín mỗi khi vào nhà vệ sinh

Thúy Nga |

“Việc đi nhà vệ sinh tưởng nhỏ nhưng mà to lớn vô cùng, cảm giác như tất cả mọi thứ trên đời này đều chống lại chúng mình”

Dù hiện tại nhận thức của xã hội đã thay đổi tốt hơn, những người thuộc cộng đồng đồng tính, song tính, chuyển giới không còn phải sống trong sợ hãi hay hoang mang vì sự kì thị, phân biệt đối xử gay gắt như trước.

Nhưng họ vẫn phải thừa nhận, trên con đường được là chính mình gặp không ít khó khăn.

Nói về những rắc rối khi công khai mình là người chuyển giới, Nguyễn Bằng Giang (Sinh năm 1997, hiện đang là sinh viên năm 1, Đại học Hà Nội) chia sẻ: “Rắc rối mình gặp phải là chuyện đi vệ sinh.

Nhà vệ sinh là nơi không an toàn. Hồi còn bé mình không dám đi vệ sinh ở nơi vệ sinh dành cho học sinh mà toàn phải vào nơi dành cho giáo viên trong trường, bởi sợ những người khóa trên đòi giữ lại để kiểm tra xem là gái hay trai.

Những lúc bị giữ lại mình chỉ biết sợ hãi bỏ chạy cầu cứu người giúp đỡ. Còn hiện tại, trong môi trường nhà hàng, khách sạn, khả năng chúng mình bị quấy rối tình dục là rất cao.

Chúng mình thể hiện giới là nam nhưng việc vẫn còn nét nữ tính khiến người khác dễ dàng nhận ra được. Họ có thể đụng chạm, hay làm bất cứ điều gì. Còn nếu mình bước vào nhà vệ sinh nữ sẽ bị hò hét là bệnh hoạn.

Một khó khăn nữa chúng mình gặp phải là những rắc rối về giấy tờ. Như việc mình đi thi Đại học, tên của mình là nữ còn thể hiện bên ngoài là nam. Khi bước vào phòng thi giám thị khá ngỡ ngàng.

Theo nguyên tắc họ yêu cầu mình đứng lại và kiểm tra thật kĩ thông tin. Hoặc là khi đi xin việc, bọn mình hay bị soi mói vì tên đối lập với hình dáng.

Người chuyển giới như chúng mình luôn phải chịu nhiều áp lực và thiệt thòi hơn đồng nghiệp là những người không chuyển giới có cùng năng lực bởi các nhà tuyển dụng luôn cố tình tìm ra một lý do nào đó để loại bỏ”.


Nguyễn Bằng Giang.

Nguyễn Bằng Giang.

Không may mắn như Giang khi được bố mẹ thừa nhận bản dạng giới của mình, L.T (một người chuyển giới nam thành nữ) chia sẻ: “Khi biết sự thật, bố mẹ mình cảm thấy bẽ bàng và trút hết lên người mình.

Bố mẹ chửi mắng và xúc phạm mình là đua đòi, biến thái. Thậm chí có quá nhiều lời đồn thổi ác ý khiến ra đường mẹ không dám nhận mình. Mình khao khát trở thành nữ giới dù bị gọi là pê đê cũng tủi nhục lắm!

Hồi còn nhỏ mình hay chờ lúc bố mẹ vắng nhà để lấy váy của chị mặc trộm. Khi đứng trước gương, nhìn mình trong đó, mình vô cùng hạnh phúc.

Mình khát khao được sống là chính mình dù chỉ là trong một giờ. Mình muốn mọi người thừa nhận mình giống như những người khác trong xã hội.”

Kể về hành trình tìm lại chính mình của người chuyển giới, L.T không khỏi ngậm ngùi khi nhắc tới một người chị trong cộng đồng LGBT tại Hồ Chí Minh: “Chị ấy là nữ nhưng “mắc kẹt” trong thân hình một người nam.

Vì quá khao khát được sống là chính mình nên chị đã tiêm hormone quá liều với mong muốn thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi giới tính. Điều này dẫn đến nghẽn mạch máu và chị bị đột quỵ.

Dù biết tiêm silicon lỏng vào người rất nguy hiểm, có thể tử vong ngay lập tức nếu không may xảy ra biến chứng nhưng vì khao khát trở thành nữ giới nên chúng mình chấp nhận điều đó.

Hiện tại, không có bất kì một cơ sở về y tế nào chỉ định và hướng dẫn sử dụng hormone, càng không có trung tâm tư vấn nào để giúp người có ý định chuyển giới như chúng mình hiểu được nguy cơ cũng như những biến đổi mà những người chuyển giới sẽ gặp trong suốt giai đoạn đầy rủi ro này”.


Với những người chuyển giới, để sống đúng với giới tính thật của mình thật khó khăn. (Ảnh minh họa)

Với những người chuyển giới, để sống đúng với giới tính thật của mình thật khó khăn. (Ảnh minh họa)

Với những người chuyển giới, để sống đúng với giới tính thật của mình còn nhiều khó khăn, nhất là những rào cản xã hội.

Họ gồng mình lên để che giấu giới tính sinh học của cơ thể. Những người chuyển giới nam không thể đứng thẳng tự tin vì sợ lộ ngực, cố nói thật chậm và làm trầm giọng để không bị những người mới gặp gọi là "chị".

Những người chuyển giới nữ thì thậm chí còn không dám cất giọng, cố make- up đậm để che đi những nét nam tính trên gương mặt, mặc cho bao người chỉ trích rằng họ "làm lố" nhưng họ luôn khao khát được là chính mình.

Bằng Giang chia sẻ: “Mình khá hài lòng với cuộc sống hiện tại dù mình biết còn nhiều khó khăn. Khó khăn mình gặp phải là điều tiếng hay những lời nói ác ý làm tổn thương đến tinh thần mình.

Hiện tại mình có tham gia các hoạt động cộng đồng, chia sẻ câu chuyện của mình. Việc này khiến mình thấy hài lòng vì giúp đỡ được nhiều người khác.

Xã hội đã cởi mở hơn, mình mong họ thấy rằng cộng đồng LGBT của bọn mình vẫn đang tồn tại và chúng mình là những người hoàn toàn bình thường.

Yêu và sống đúng với bản thân mình là quyền của tất cả mọi người chứ không chỉ dành cho số đông”.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại