Người chồng ly dị vợ vụ trao nhầm con: "Tôi mua đường sữa cho con đầy đủ, không áo gấm đi đêm"

Hoàng Đan |

"Kể cả cháu M. có không phải là con đẻ hay cháu H. là con đẻ nhưng tôi vẫn coi như nhau, là máu mủ, ruột già của mình chứ không khinh đứa nọ, ghét đứa kia", anh Dũng nói.

Chưa thống nhất được việc ngồi lại ba bên

Những ngày qua, phía Bệnh viện Đa khoa huyện Ba Vì và gia đình anh Phùng Giang Sơn, chị Vũ Thị Hương vẫn đang tích cực phối hợp trong việc trao trả lại con trai bị trao nhầm cách đây 6 năm.

Trao đổi với PV vào chiều 18/7, ông Nguyễn Ngọc Vinh, Trưởng phòng Kế hoạch - Tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa huyện Ba Vì (Hà Nội) cho biết, đến thời điểm hiện tại, ba bên gồm bệnh viện, gia đình anh Sơn, chị Hương vẫn chưa thống nhất được thời điểm ngồi với nhau để thỏa thuận, bàn bạc việc trao nhận con.

"Phía gia đình chị Hương cũng hứa sẽ ngồi cùng với hai bên vào trước ngày 20/7 để thống nhất các việc liên quan.

Tuy nhiên, thời gian cụ thể chưa được đưa ra và gia đình cũng không muốn sự có mặt của báo chí truyền thông vì lo ngại ảnh hưởng đến tâm lý các cháu", ông Vinh nói.

Ông Vinh bày tỏ, bệnh viện mong được sự thông cảm của các gia đình và sau khi thống nhất được thời gian gặp 3 bên cũng như việc trao nhận lại các cháu bị trao nhầm sẽ thông tin cụ thể cho báo chí.

Trong một diễn biến khác, trao đổi với PV, anh Đoàn Trung Dũng (chồng cũ của chị Hương) cho biết, dù đang làm việc lái xe, rất bận rộn ở Đà Lạt nhưng hàng ngày anh vẫn theo dõi thông tin về việc trao nhầm con của mình qua báo chí.

Người chồng ly dị vợ vụ trao nhầm con: Tôi mua đường sữa cho con đầy đủ, không áo gấm đi đêm - Ảnh 1.

Các cháu M và H ngồi bên cạnh mẹ cùng một người bác trước hiên nhà.

Lý giải về việc nhiều người, trong đó, có vợ cũ gọi điện nhưng ít khi nghe máy được, anh Dũng cho rằng, do công việc quá bận nên mới như vậy.

Trước thông tin vợ cũ nêu về việc không chu cấp cho các con kể từ khi ly hôn, anh Dũng thừa nhận, do công việc bận, không thể ra thăm con thường xuyên và hàng tháng không gửi tiền vào tài khoản nhưng lần nào ra, lên Ba Vì gặp con cũng mua các thứ đồ cần thiết.

"Tôi không tiết lộ ra phải gửi bằng này bằng kia tiền nhưng mỗi lần từ trong này (Đà Lạt - PV) ra,  tôi vẫn lên gặp, thăm con và mua đầy đủ đường, sữa cho con, không thiếu gì. Tôi làm việc này công khai chứ không phải áo gấm đi đêm", anh Dũng chia sẻ.

Dù con đẻ hay con nuôi vẫn coi như máu mủ, ruột già

Người cha này nhấn mạnh, rất yêu thương con bởi đây là "máu mủ, da thịt của mình" chứ không có chuyện bỏ bê các cháu.

"Kể cả cháu M. có không phải là con đẻ hay cháu H. là con đẻ nhưng tôi vẫn coi như nhau, là máu mủ, ruột già của mình chứ không khinh đứa nọ, ghét đứa kia", anh Dũng nói.

Người cha này nói, do khi hai vợ chồng ly hôn, các cháu còn nhỏ nên dù có ý định nhận nuôi một cháu, anh đã gác lại, để cho vợ nuôi cả hai con.

Hiện nay, anh cũng đang chờ sau khi cơ quan chức năng giải quyết xong việc trao nhầm con giữa hai gia đình sẽ xin nghỉ để ra thăm con. Đồng thời, có ý định, nếu được, muốn đón một cháu để đưa vào Đà Lạt nuôi.

Chia sẻ với PV, chị Vũ Thị Hương cho rằng, không muốn nhắc thêm về sự đối xử của người chồng cũ với mình và các con nhưng chị mong, anh cùng gia đình chồng quan tâm hơn đến các con.

Về việc chu cấp cho con, chị Hương cho hay, dịp trước Tết âm lịch, anh Dũng có gửi 2 triệu  nói để mua vé máy bay cho con vào nhưng do bị tụt huyết áp, yếu nên chị Hương không đi.

"Lúc đó, anh mắng tôi vì anh muốn nuôi một đứa không được. Tôi có nói, anh đã nói không cho gì thì em chấp nhận tất cả để nuôi con còn để mỗi đứa một nơi cũng không được, khi anh đi làm đến 11, 12h đêm mới về thì sao chăm được con.

Thực sự, tôi không muốn kể những việc này mà giờ chỉ mong sao sớm giải quyết được việc trao nhận, ổn định tâm lý, tinh thần cho các con", chị Hương bày tỏ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại