Đây là kết quả của một dự án nghiên cứu do Chính phủ Mỹ tài trợ được công bố vào ngày 4/2. Nghiên cứu này đã làm sáng tỏ xu hướng gia tăng số lượng các vụ xả súng hàng loạt ở Mỹ.
Dự án Violence Project, được tài trợ bởi Viện Tư pháp Quốc gia thuộc Bộ Tư pháp Mỹ, đã xem xét 172 vụ xả súng hàng loạt được xác định là khiến 4 người tử vong trở lên trong mỗi vụ trong vòng hơn 50 năm qua.
Nghiên cứu phát hiện ra rằng, trong số tất cả các vụ xả súng hàng loạt diễn ra từ năm 1966 đến năm 2019, hơn một nửa diễn ra từ năm 2000, với 20% trong số đó xảy ra từ năm 2010 đến năm 2019. Trong 5 năm cuối của giai đoạn nghiên cứu, trung bình có 51 người thiệt mạng vì các vụ xả súng hàng loạt mỗi năm, so với chỉ 8 người vào những năm 1970.
Bộ Tư pháp Mỹ đã công bố một số điểm nổi bật của nghiên cứu một ngày sau khi Tổng thống Joe Biden và Bộ trưởng Bộ Tư pháp Merrick Garland gặp Thị trưởng thành phố New York để kêu gọi đầu tư nhiều hơn cho lực lượng cảnh sát địa phương nhằm chống lại sự gia tăng bạo lực súng đạn trong thời gian gần đây.
(Ảnh: AP)
"Nghiên cứu này, một trong những đánh giá sâu rộng nhất về bạo lực hàng loạt cho đến nay, cho thấy một xu hướng đáng lo ngại sâu sắc, nhiều người Mỹ đang chết dưới tay những kẻ xả súng hàng loạt hơn bất kỳ thời điểm nào trong lịch sử gần đây", bà Amy Solomon, Phó Trợ lý tư pháp cho Văn phòng các Chương trình Tư pháp cho biết.
Các nhà nghiên cứu đã phân tích dữ liệu về những vụ xả súng hàng loạt bằng cách sử dụng cơ sở dữ liệu công khai được lấy từ các nguồn tài liệu mở như mạng xã hội và báo chí.
Phân tích một số dữ liệu của Viện Tư pháp Quốc gia cho thấy, ý định tự sát là "yếu tố dự báo mạnh" cho thủ phạm thực hiện xả súng hàng loạt và 31% những người thực hiện vụ xả súng hàng loạt từng trải qua chấn thương thời thơ ấu, trong khi 80% "bị khủng hoảng".
Một tỷ lệ lớn đối tượng xả súng (48%) đã thực hiện các bước để tiết lộ kế hoạch của họ trước cho gia đình, bạn bè, cơ quan thực thi pháp luật hoặc người lạ.