Binh sĩ đứng gác sau khi dọn chướng ngại vật dẫn vào sân bay ở Arequipa, Peru, vào ngày 14-12 - Ảnh: AP
Ngày 14-12, Peru ban bố tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc trong 30 ngày, trao cho cảnh sát các quyền hạn đặc biệt, và hạn chế các quyền tự do như quyền tụ tập, sau một tuần quốc gia Nam Mỹ này chứng kiến các cuộc biểu tình dữ dội khiến ít nhất tám người thiệt mạng.
"Chúng tôi đã nhất trí ban bố tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc do các hành vi phá hoại và bạo lực" - Bộ trưởng Quốc phòng Alberto Otarola thông tin trước báo giới.
Ông nói: "Điều này đòi hỏi chính phủ phải có phản ứng mạnh mẽ". Ông cho biết thêm, việc ban bố tình trạng khẩn cấp như vậy có nghĩa sẽ đình chỉ một số quyền tự do nhất định, bao gồm quyền tụ tập và tự do đi lại, đồng thời cho phép lực lượng chức năng vào nhà mà không cần lệnh.
"Cảnh sát quốc gia với sự hỗ trợ của lực lượng vũ trang sẽ đảm bảo kiểm soát tài sản cá nhân và trên hết là cơ sở hạ tầng chiến lược trên toàn quốc cũng như sự an toàn và phúc lợi của tất cả người dân Peru" - Bộ trưởng Quốc phòng Alberto Otarola nói.
Người biểu tình phá hoại lối vào Kênh truyền hình CTC ở Cuzco, Peru ngày 13-12 - Ảnh: REUTERS
Các cuộc biểu tình nổ ra sau vụ cựu tổng thống Pedro Castillo của Peru bị phế truất và bị bắt vào ngày 7-12. Trước đó ông Castillo đã tuyên bố giải tán Quốc hội Peru, thành lập chính phủ khẩn cấp và kêu gọi tổ chức cuộc bầu cử lập pháp mới - hành động bị các nghị sĩ coi là "đảo chính".
Tuy nhiên, những người ủng hộ ông Castillo đã xuống đường trên khắp Peru để yêu cầu trả tự do cho nhà lãnh đạo cánh tả này, cũng như yêu cầu tổ chức các cuộc bầu cử mới và loại người kế nhiệm ông Castillo hiện tại là bà Dina Boluarte.
Cảnh sát và người biểu tình ở Cuzco, Peru ngày 14-12 - Ảnh: REUTERS
Theo Hãng tin Reuters, nhà chức trách cho biết đến nay ít nhất tám người, chủ yếu là thanh thiếu niên, đã thiệt mạng trong các cuộc đụng độ với cảnh sát. Người biểu tình đã chặn các đường cao tốc, phóng hỏa các tòa nhà và xâm chiếm sân bay.
Tuần này các công tố viên Peru cho biết họ muốn giam giữ phòng ngừa trong 18 tháng đối với ông Castillo - một yêu cầu sẽ được Tòa án tối cao Peru xem xét. Trong khi đó, cựu tổng thống này nói rằng ông "đang bị giam giữ một cách bất công và tùy tiện".