Hội nghị 10 người
Thiếu tướng Nguyễn Văn Ninh ngồi đó, mái tóc bạc trắng suy nghĩ. 48 tuổi quân, tham gia nhiều chiến dịch lớn trong kháng chiến chống Pháp, chỉ huy tiểu đoàn tên lửa đầu tiên của Quân đội ta bảo vệ bầu trời Hà Nội và cầu Hàm Rồng (Thanh Hóa), gần 30 năm công tác ở Cục Tác chiến, Bộ Tổng Tham mưu, biết bao kỷ niệm dồn về.
Nhưng ông vẫn nhớ nhất cuộc đấu trí với Lầu Năm Góc của Tổng hành dinh tháng Chạp năm 1972 để làm nên trận "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không". Và cũng bởi trong những tháng ngày ấy, ông được gọi với biệt danh vui là "Người bấm còi ở Tổng hành dinh".
Thiếu tướng Nguyễn Văn Ninh. Ảnh: Bảo Lê
Hồi đó, ông là Thiếu tá, trợ lý tên lửa của Cục Tác chiến và trực ban tác chiến phòng không Sở chỉ huy tác chiến, Bộ Tổng Tham mưu.
Ngoài những nhiệm vụ quan trọng như cùng các bộ phận ra-đa, tình báo phát hiện âm mưu và hành động của Mỹ tập kích đường không quy mô lớn để báo cáo trực tiếp với Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp, Thượng tướng, Tổng Tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng và các thủ trưởng bộ, đề xuất những vấn đề về tác chiến phòng không…, ông còn có nhiệm vụ báo động cho Hà Nội.
Ở hầm Sở chỉ huy của Tổng hành dinh có một cái nút ấn. Khi máy bay Mỹ đến, ông là người ấn nút đó, lập tức còi báo động trên nóc Hội trường Ba Đình rú vang, 15 còi điện khác của Thủ đô đồng thời rú theo báo động phòng không, bà con xuống hầm ẩn nấp, các lực lượng chiến đấu ra vị trí…
- Trong chống chiến tranh phá hoại miền Bắc của đế quốc Mỹ, trận chiến 12 ngày đêm tháng Chạp năm 1972 là gay go, ác liệt nhất. Địch tưởng ta bị bất ngờ, nhưng ngược lại.
Chúng ta chuẩn bị rất lâu, rất công phu cho trận quyết chiến chiến lược này, nhưng chuẩn bị trực tiếp là từ ngày 28-6-1972, khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp giao nhiệm vụ đánh B-52, bảo vệ Hà Nội cho Tư lệnh Quân chủng Phòng không-Không quân Lê Văn Tri. Tiếp đó là hội nghị mười người mà tôi vinh dự được có mặt-Thiếu tướng Nguyễn Văn Ninh nói.
Đó là mùa hè năm 1972, hoa phượng đỏ rực nhiều đường phố Hà Nội. Đến giờ, Thiếu tướng Nguyễn Văn Ninh vẫn nhớ như in ngày 6-7 tại ngôi nhà hai tầng nép mình dưới hàng cây cổ thụ, cành lá xum xuê trong một góc Thành cổ Hà Nội.
Bảy giờ sáng, hàng cây không có gió đứng im phăng phắc, bầu trời trong xanh báo hiệu một ngày nắng gay gắt. Hôm đó, Bộ Tổng Tham mưu mở hội nghị đánh thắng B-52.
Hai Phó tổng Tham mưu trưởng Vương Thừa Vũ và Phùng Thế Tài chủ trì, 8 cán bộ khác đều đảm nhiệm cương vị quan trọng: Trần Đại Nghĩa, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học-Kỹ thuật Nhà nước; Lê Văn Tri, Tư lệnh Quân chủng Phòng không-Không quân; Đào Đình Luyện, Tư lệnh Không quân; Dương Hán, Phó tham mưu trưởng Phòng không-Không quân; Hoàng Đình Phu, Viện trưởng Viện Kỹ thuật quân sự; Phan Mạc Lâm, cán bộ Cục Quân báo; Nguyễn Văn Định, thư ký đồng chí Phùng Thế Tài và Nguyễn Văn Ninh.
Những câu hỏi đặt ra trong hội nghị như xoáy sâu vào óc ông: Mỹ có đưa máy bay B-52 ra ném bom Hà Nội không? Nếu đưa thì thời điểm nào? Ta có đánh được B-52 không? Cách đánh ra sao? Công tác chuẩn bị cho đánh thắng?
Nguyễn Văn Ninh nhìn những khuôn mặt đã từng dày dạn trong chiến trận, những phân tích mạch lạc, luận giải một cách khoa học để tin tưởng vào chiến thắng cho dù tình huống chiến tranh hiện nay đang rất khẩn trương và luôn thay đổi.
Tư lệnh Lê Văn Tri khẳng định muốn đánh trúng B-52 trước hết phải giải quyết cả về mặt chiến thuật và kỹ thuật; Viện trưởng Hoàng Đình Phu phân tích biện pháp khắc phục nhiễu của "pháo đài bay"; nhà khoa học Trần Đại Nghĩa cho rằng để chống nhiễu, ngoài vấn đề kỹ thuật phải có trắc thủ giỏi, nghĩa là con người là yếu tố quyết định; cán bộ tình báo Phan Mạc Lâm thông báo tình hình hoạt động B-52 trên chiến trường Đông Dương…
Cuối cùng, Phó tổng Tham mưu trưởng Phùng Thế Tài giao nhiệm vụ cụ thể cho Quân chủng Phòng không-Không quân nghiên cứu cách đánh B-52, sử dụng bộ đội tên lửa, không quân, cả pháo cao xạ 100mm để bắn trúng, bắn rơi chúng trên bầu trời Hà Nội, Hải Phòng…
Dấu ấn của hội nghị mười người in mãi trong tâm trí ông bởi nó diễn ra trước khi Mỹ mở cuộc tập kích đường không chiến lược 5 tháng rưỡi. Sau này, diễn biến của Chiến dịch "Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không" gần giống những gì mà hội nghị dự báo.
Chúng ta đánh B-52 hoàn toàn trong thế chủ động.
Phó tổng Tham mưu trưởng Phùng Thế Tài (bên trái), Tư lệnh Quân chủng Phòng không-Không quân Lê Văn Tri (bên phải) và ông Nguyễn Văn Ninh bên xác máy bay B-52 bị bắn rơi ở cánh đồng Chuôm, Phù Lỗ, Đông Anh, Hà Nội đêm 18-12-1972. Ảnh tư liệu.
Tìm lời giải cho câu hỏi khó
Chúng ta không bị bất ngờ khi Mỹ dùng B-52 đánh phá Hà Nội, Hải Phòng.
Nhưng có một câu hỏi luôn trong tôi là vì sao ngày 1-12-1972, Bộ Tổng Tham mưu lại điều hàng trăm quả tên lửa cho các đơn vị chiến đấu ở Quân khu 4 và tiếp đó, ngày 8-12, lệnh cho Trung đoàn Tên lửa 261 vào mặt trận phía Nam, chỉ đến khi Thường vụ Đảng ủy Quân chủng Phòng không-Không quân khẩn thiết đề nghị giữ nguyên việc bố trí ở Hà Nội như phương án tác chiến đã được bộ thông qua, lệnh trên mới bãi bỏ?
Nghe tôi hỏi vậy, Thiếu tướng Nguyễn Văn Ninh đến giá sách, lát sau cầm lại một tờ báo rồi nói:
- Đây là bài Trận "Điện Biên Phủ" trên không của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đăng Báo Nhân Dân số ra ngày 18-12-1995, tôi đọc một đoạn để trả lời câu hỏi của anh: "Mặc dù vậy, do quán triệt quyết tâm chưa tốt, suy nghĩ lúc này vẫn nặng về khả năng địch dùng B-52 đánh phá "vùng cán xoong", nên đầu tháng 12 đã có lệnh điều một trung đoàn tên lửa vào Khu 4…".
Suy nghĩ một hồi lâu, ông nói tiếp:
- Trong phạm vi một bài báo, Đại tướng chỉ nói vậy, chứ thực sự cuối năm 1972, ở chiến trường miền Nam, chúng ta gặp vô vàn khó khăn. Tôi trực ban tác chiến ở Tổng hành dinh nên tôi biết. Địch đánh rát "vùng cán xoong", nhất là vùng Quảng Bình, khiến việc vận chuyển tiếp tế cho chiến trường miền Nam rất khó khăn.
Bộ tư lệnh Trường Sơn điện ra báo thiếu đạn, thiếu gạo, bộ đội chỉ được cấp ngày vài lạng gạo cầm hơi. Cho nên việc điều một trung đoàn tên lửa vào Khu 4 có thể dựa trên cơ sở đó. Mỹ rất biết những khó khăn của ta nên họ dùng B-52 đánh Hà Nội với tham vọng là trận cuối hạ đo ván đối phương.
Một điều chúng ta nên biết là trong những ngày đó, do đối phương phải dốc sức cho ván bài này nên "vùng cán xoong" vắng tiếng bom đạn.
Nhân cơ hội đó, vận tải của ta từ Thanh Hóa trở vào đi như trẩy hội suốt ngày đêm mang súng đạn, lương thực vào chi viện cho chiến trường, khiến cho ông Đồng Sĩ Nguyên vui sướng điện ra cho Tổng hành dinh: Có ngày khối lượng hàng được vận chuyển tới đích bằng hai tháng trước đây.
Nói đoạn, ông đưa cho tôi cuốn sách "30 năm Chiến thắng Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không" của NXB Quân đội nhân dân ấn hành năm 2003. Ở trang 21, ông gạch chân bài nói của Tổng Bí thư Lê Duẩn:
"Chính trong những lúc địch tưởng có thể xoay chuyển tình thế và đi gần đến thắng lợi thì chúng lại phải chịu những thất bại nặng nề không lường hết được; trái lại trong những lúc gặp vô vàn khó khăn và đứng trước tình thế hiểm nghèo, nhờ sự chỉ đạo chiến lược đúng đắn của Đảng ta, nhờ sự chiến đấu anh dũng và sự nỗ lực phi thường của quân và dân ta, cách mạng Việt Nam đã vượt qua thử thách, tiến lên những bước nhảy vọt…".
Thiếu tướng Nguyễn Văn Ninh nói tiếp:
- Cuộc chiến trên không giữa ta và Mỹ là cuộc chiến không cân sức, là sự chênh lệch quá lớn về tiềm lực quân sự, vũ khí trang bị kỹ thuật.
Một bên có lực lượng không quân hùng hậu, dày dạn kinh nghiệm, quen thuộc chiến tranh công nghệ cao, lại lắm âm mưu, thủ đoạn; một bên lực lượng phòng không chưa hiện đại, tên lửa SAM-2 chưa phải là vũ khí phòng không tiên tiến nhất để đọ sức với B-52, nếu như chưa được ba lần chuyên gia Liên Xô và ta cải tiến và không được con người Việt Nam sử dụng.
Tôi biết, ông đang nghĩ về cuộc chiến tranh Ả Rập- Israel năm 1973, nhiều dàn tên lửa SAM-3 do Liên Xô viện trợ cho quân đội Ai Cập bị Israel thu giữ và phá hủy ở kênh đào Suez.
So sánh như vậy để thấy được đường đến thắng lợi ở trận quyết chiến chiến lược trên bầu trời Hà Nội của quân và dân ta là con đường gian khổ, đổi bằng xương máu và được quyết định bởi tài trí của Tổng hành dinh và nghệ thuật tác chiến của bộ đội phòng không Việt Nam, với sự giúp đỡ chí tình của Liên Xô, Trung Quốc và bạn bè khắp nơi trên thế giới.
- Thật hạnh phúc khi gần 30 năm ở Cục Tác chiến, tôi được phục vụ, học tập và làm việc với những bậc thầy về nghệ thuật quân sự - Thiếu tướng Nguyễn Văn Ninh nói.
Thiếu tướng Nguyễn Văn Ninh sinh năm 1930 tại xã Đức Lâm, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Ông nhập ngũ năm 1950, từng học tập tại Học viện Phòng không Quốc gia Liên Xô (1961-1964). Ông từng là Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 64 (Đoàn Sông Đà, đơn vị từng bắn rơi 28 máy bay Mỹ) từ năm 1965 đến năm 1967.