Nổi bật trong làn sóng này là các nguyên thủ quốc gia của Brazil, Mexico và Nicaragua.
Mexico
Hôm Chủ nhật (22/3), Tổng thống Andres Manuél Lopez Obrador cho đăng tải một video kêu gọi người dân tiếp tục ra đường ăn uống và hạn chế các ảnh hưởng tiêu cực tới nền kinh tế. "Chúng ta không làm được gì nếu bị tê liệt hay hành động một cách thái quá", ông Obrador nói. "Hãy tiếp tục sống như bình thường".
Hai ngày sau đó, người đứng đầu Mexico tuyên bố, cuộc chiến chống virus bắt đầu từ nhà. "Đàn ông và phụ nữ, hãy chăm sóc những người cao tuổi của bạn", ông nói, đồng thời khẳng định Mexico đã chuẩn bị để đối phó với khủng hoảng.
Trước đó hồi đầu tháng 3, khi virus còn chưa bùng phát tại châu Âu, Tổng thống Obrador còn từng phủ nhận tầm nguy hiểm của việc ôm nhau. "Các anh phải ôm nhau, chả có điều gì xảy ra đâu", ông nói với các phóng viên tại một cuộc họp báo.
Mexico hiện có hơn 367 người nhiễm COVID-19, tăng 44% kể từ ngày 20/3. Các bác sỹ tuyến đầu tại đây cảnh báo, sẽ là một thảm họa nếu Mexico chỉ biết chờ đợi tới khi dịch bệnh bùng phát. "Tôi không nghĩ Mexico đã chuẩn bị tốt cho điều này", một bác sỹ giấu tên nói. "Chúng tôi không xét nghiệm đủ vì thiếu dụng cụ, chúng tôi không có đủ giường bệnh, hay máy thở, thậm chí là khẩu trang".
Do thiếu sự chỉ đạo quy mô lớn từ chính phủ trung ương, cuộc chiến chống COVID-19 của Mexico phụ thuộc nhiều vào chính quyền các bang, địa phương và cả doanh nghiệp tư nhân.
Brazil
Khi thư ký báo chí của Tổng thống Jair Bolsonaro được xác định dương tính với COVID-19 vào ngày 12/3, nhiều người hy vọng nhà lãnh đạo Brazil sẽ đối mặt một cách nghiêm túc với nguy cơ đại dịch. Tuy nhiên, mối nghi ngờ của ông Bolsonaro dường như chỉ có tăng lên khi ông liên tục gọi virus là "bệnh cúm". "Mọi người sẽ sớm thấy họ đang bị giới cầm quyền và phần lớn truyền thông đánh lừa về virus corona", Tổng thống Brazil bình luận về quyết định ban bố tình trạng khẩn cấp tại hai bang Sao Paolo và Rio de Janeiro.
Tổng thống Jair Bolsonaro hôm 15/3 (ảnh: CNN)
Hiện Brazil đang có số người nhiễm COVID-19 cao nhất Mỹ Lantin là hơn 1.980 ca với ít nhất 34 người thiệt mạng. Tương tự Mexico, chính quyền các bang cũng tự mình áp dụng các biện pháp ngăn cản lây lan như chuyển đổi các sân vận động và trung tâm hội nghị thành bệnh viện dã chiến, đóng cửa trung tâm thương mại và trường học…
Nicaragua
Là một trong những quốc gia nghèo nhất của tây bán cầu, Nicaragua hiện mới chỉ có 2 ca dương tính với COVID-19. Tuy nhiên, nỗi lo ngại đang ngày càng gia tăng trước những các phản ứng chậm chạp của chính phủ Tổng thống Daniel Ortega – người chưa từng xuất hiện trước công chúng trong nhiều tuần gần đây.
Phó Tổng thống Nicaragua, bà Rosario Murillo (cũng chính là vợ của ông Ortega) kêu gọi người dân tìm đến tôn giáo trong thời điểm khó khăn. "Chúng ta có thể tiến về phía trước và hơn tất cả là tin tưởng vào Đấng tối cao vì niềm tin có thể bảo hộ và cứu rỗi chúng ta", bà Murillo nói.
Cho tới nay, chính phủ hầu như không có biện pháp phòng ngừa nào mà mới chỉ phát động một chiến dịch kêu gọi người dân rửa tay và giám sát du khách đến từ vùng dịch. "Nicaragua có một hệ thống y tế dễ bị tổn thương và sự lây lan lớn có thể tạo ra thảm họa khiến hệ thống bị sụp đổ", một bác sỹ giấu tên cảnh báo.