Ngừng xuất ô tô sang Việt Nam: Ai thiệt?

Quang Huy |

Giá một số mẫu ô tô nhập khẩu tăng 200-300 triệu đồng nhưng không có để mua.

Hai ông lớn sản xuất và kinh doanh ô tô hàng đầu của Nhật là Toyota và Honda vừa công bố ngừng toàn bộ hoạt động xuất khẩu xe sang Việt Nam. Nguyên nhân, do chưa đáp ứng được những yêu cầu nghiêm ngặt về nhập khẩu và kiểm định được quy định tại Nghị định 116/2017 có hiệu lực từ đầu năm nay.

“Chúng tôi đã dự báo sẽ có bước nhảy vọt lớn trong năm 2018 nhưng do những rào cản phi thuế quan nên chúng tôi không thể xuất xe đến thị trường Việt Nam nữa” - báo chí dẫn lời Chủ tịch Toyota Motor Thái Lan Michinobu Sugata giải thích.

Không chỉ Toyota, Honda mà nhiều hãng xe nhập khẩu từ Thái Lan, Indonesia như Ford, Mitsubishi hay Suzuki cũng gặp khó khăn, không nhập được xe vào Việt Nam với lý do tương tự.

Thông tin trên khiến những người nuôi mộng tậu xe nhập của các hãng xe Nhật đang lo lắng. Anh Thành Trung (quận 12, TP.HCM) buồn rầu cho biết anh muốn mua mẫu xe Fortuner của hãng Toyota nhưng khi hỏi nhiều đại lý đều nhận được cái lắc đầu hết hàng, phải chờ đến giữa năm mới có, hoặc nếu muốn có ngay thì phải trả thêm hơn 100 triệu đồng/xe.

Có đại lý nói còn hàng nhưng không có mẫu mới nhất, chỉ có mẫu cũ.

“Đọc báo biết thông tin hãng Toyota ngừng xuất khẩu sang Việt Nam, tôi thấy hết hy vọng. Chắc kiểu này phải quay sang mua mấy mẫu ô tô lắp ráp trong nước hoặc mua ô tô cũ” - anh Trung chia sẻ.

Đại diện đại lý Hiền Toyota (quận 1, TP.HCM) cho hay các đại lý đã khó nhập xe từ những tháng cuối năm 2017 và đầu năm 2018. Vì vậy, các đại lý không dám nhận đơn đặt mua ô tô từ khách hàng.

Ngừng xuất ô tô sang Việt Nam: Ai thiệt? - Ảnh 1.

Một số nhà nhập khẩu đã quyết định hủy các đơn đặt hàng khiến những người nuôi mộng tậu xe nhập khẩu thất vọng. Trong ảnh: Khách hàng tìm mua ô tô tại TP.HCM. Ảnh: HOÀNG GIANG

Cũng theo chủ đại lý này, các mẫu xe nhập khẩu từ Thái Lan và Indonesia đang còn bán trên thị trường chủ yếu là hàng tồn chưa bán hết hoặc hàng đã qua sử dụng.

Còn nguồn cung các mẫu xe nhập của Toyota như Yaris, Hilux hay của Honda như Accord khan hiếm. “Giá các mẫu xe này được các đại lý tăng thêm 100-200 triệu đồng/xe. Còn những mẫu xe có giá cao như Fortuner, Lexus tăng 200-300 triệu đồng/xe” - chủ đại lý này nói.

Tuy vậy, trước thông tin nhiều hãng ô tô lớn tuyên bố ngưng nhập khẩu xe, một chủ đại lý ô tô khác cho hay hiện tại lượng xe sản xuất và lắp ráp tại Việt Nam của Toyota khá dồi dào và họ chỉ nhập khẩu một số mẫu xe hạng sang.

“Do vậy, trước mắt thị trường chưa biến động lớn do việc ngưng nhập. Tuy nhiên, về lâu dài, người tiêu dùng chịu thiệt và có thể phải chuyển sang thương hiệu khác” - chủ đại lý trên phân tích.

Tranh cãi về siết ô tô nhập

“Rào cản” đối với các hãng xe nhập khẩu vào Việt Nam theo quy định mới tại Nghị định 116/2017 là phải có giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại xe cơ giới do nước ngoài cung cấp (VTA) và mỗi lô hàng đều phải lấy ra một xe để kiểm định. Để đạt được các điều kiện trên, các hãng xe không chỉ tốn thêm chi phí mà mất thời gian chờ đợi 3-6 tháng.

Đại diện Honda Việt Nam dẫn chứng điều kiện giấy VTA khó khả thi bởi lẽ có nhiều nước trên thế giới không cung cấp loại giấy tờ này cho xe xuất khẩu, giống như việc Cục Đăng kiểm Việt Nam chỉ kiểm định cho xe lưu hành trong nước, không có thẩm quyền cấp cho xe xuất khẩu.

Ngoài ra, nếu trước đây một loại xe về nước chỉ phải kiểm định chiếc đầu tiên thì theo quy định mới, nay mỗi lô xe về cảng đều phải chọn ra một xe để kiểm định dù xe ở mọi lô đều cùng một loại. Việc này khiến chi phí của hãng tăng lên, đồng thời thời gian nhận xe cũng lâu hơn trước khi giao cho khách.

Tuy nhiên, một số đơn vị sản xuất, lắp ráp trong nước lại tỏ ra đồng thuận với quy định của Nghị định 116/2017.

Theo đại diện Công ty Cổ phần Ô tô Trường Hải (Thaco), quy định về giấy VTA đối với xe nhập đã dựa trên tiêu chí bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng cũng như sự công bằng giữa các doanh nghiệp đầu tư sản xuất, lắp ráp trong nước với các nhà nhập khẩu. Từ đó tạo điều kiện để phát triển một nền công nghiệp ô tô thực sự.

Chỉ có người tiêu dùng chịu thiệt

Nhiều ý kiến cho rằng “rào cản” tại Nghị định 116/2017 sẽ khiến xe nhập khẩu gặp khó, không tận dụng được lợi thế thuế nhập khẩu từ các nước ASEAN về 0% từ đầu năm 2018 và các nhà sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước hưởng lợi.

Tuy nhiên, chuyên gia ô tô Nguyễn Minh Đồng cảnh báo: Các công ty ô tô Việt Nam chớ vội mừng vì các hãng xe nhập từ ASEAN vẫn có thể đáp ứng đủ điều kiện nhập khẩu.

“Một số hãng xe thông báo ngừng xuất khẩu sang Việt Nam nhưng họ không bị thiệt hại nhiều vì các hãng này đều có nhà máy sản xuất, lắp ráp tại Việt Nam với những mẫu xe bán chạy nhất thị trường như Vios, Innova, CR-V, Civic…

Vì vậy, thông báo trên có thể chỉ là chiêu giữ giá các mẫu xe lắp ráp trong nước. Qua Tết, sau khi có giấy chứng nhận VTA trong tay, các hãng này lại thông báo xuất khẩu lại vào Việt Nam và khi đó giá xe nhập càng cao chứ không giảm như mong đợi” - ông Đồng phân tích.

Cùng chung nhận định, ông Trần Tấn, Tổng Giám đốc công ty chuyên nhập khẩu ô tô, cũng cho hay lô xe của đơn vị này nhập từ châu Âu sắp về Việt Nam và có đầy đủ giấy VTA của nước sản xuất chứng nhận.

“Dĩ nhiên để có giấy VTA xuất xe sang Việt Nam, cơ quan kiểm định nước xuất khẩu phải kiểm tra chứng nhận lại và rất mất thời gian, chi phí. Điều này có nghĩa là các hãng vẫn có thể nhập xe về Việt Nam nhưng giá không giảm, người tiêu dùng chịu thiệt” - ông Tấn nhận định.

Hủy các đơn đặt hàng ô tô nhập khẩu

Trao đổi với báo chí, ông Phạm Anh Tuấn, Trưởng Tiểu ban Chính sách Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), cho hay lượng xe nhập khẩu về Việt Nam đã giảm sút cực nhanh thời điểm đầu năm 2018.

Nguyên nhân bởi hàng loạt hãng xe bị vướng Nghị định 116 nên đã chính thức tạm ngừng xuất khẩu xe sang Việt Nam từ đầu năm nay. Một số thành viên đã phải quyết định hủy các đơn đặt hàng ô tô nhập khẩu.

VAMA đề nghị Chính phủ chấp thuận cho nhà nhập khẩu thêm lựa chọn, làm thủ tục kiểm tra thử nghiệm bởi Cục Đăng kiểm Việt Nam thay vì chỉ chấp nhận giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại ô tô nhập khẩu do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước ngoài cấp.

Nhập xe từ Thái Lan, Indonesia nhiều nhất

Theo Tổng cục Hải quan, trong năm 2017, Việt Nam nhập khẩu hơn 97.200 ô tô nguyên chiếc các loại với giá trị hơn 2,2 tỉ USD. Lượng xe nhập khẩu trong năm 2017 giảm 13,6% về giá trị và 6% về lượng so với năm 2016.

Năm 2017, Thái Lan là quốc gia có lượng xe nhập khẩu về Việt Nam nhiều nhất với khoảng 38.250 xe. Xếp thứ hai là Indonesia với hơn 16.800 xe.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại