Ngư dân Trung Quốc khai thác cạn kiệt nguồn cá Biển Đông

Huỳnh Hy |

Tạp chí National Geographic ngày 29.8 đánh giá hoạt động tranh chấp và đánh bắt cá quá mức tại Biển Đông đang gây ảnh hưởng nặng nề đến hệ sinh thái biển tại đây, khiến cho một trong những nguồn cá quan trọng nhất thế giới có nguy cơ biến mất hoàn toàn.

Một tác nhân dẫn đến tình trạng này là ngư dân Trung Quốc.

Biển Đông có giá trị quan trọng về mặt kinh tế, quân sự và môi trường. Ngoài các nguồn khoáng sản, hàng năm tại đây lưu thông lượng hàng hóa thương mại trị giá khoảng 5.300 tỉ USD.

Biển Đông còn là một trong những khu vực đánh bắt cá quan trọng nhất thế giới, tạo ra việc làm cho khoảng 3,7 triệu người và đem về cho ngành đánh bắt cá trong khu vực hàng tỉ USD mỗi năm.

Trung Quốc tuyên bố chủ quyền trên phần lớn khu vực Biển Đông dựa trên các “quyền lịch sử” và tự ý vẽ ra “đường 9 điểm” quy định ranh giới chủ quyền, trong khi các nước có tranh chấp còn lại đều đưa ra tuyên bố chủ quyền dựa trên Công ước LHQ về luật biển (UNCLOS).

Ngoài tranh chấp lãnh thổ, Biển Đông còn đang đối mặt với một hiểm họa môi trường nghiêm trọng do nạn đánh bắt quá mức gây ra.

Sau hàng thập niên bị đánh bắt vô tội vạ, lượng cá tại đây đang ngày càng cạn kiệt, đe dọa nguồn thức ăn lẫn tăng trưởng kinh tế của các quốc gia đang phát triển trong khu vực.

Tranh chấp về quyền đánh bắt cá tại Biển Đông đã góp phần gia tăng căng thẳng trong khu vực. Ngược lại, tranh chấp diễn ra càng căng thẳng thì lại càng đẩy sự cạnh tranh giữa các ngư dân lên cao, khiến nguồn tài nguyên biển càng thêm khánh kiệt.

Cảnh sát biển Trung Quốc hỗ trợ ngư dân Trung Quốc

Theo phóng sự của tạp chí National Geographic, hiện nay lượng cá ở vài nơi trên Biển Đông chỉ còn bằng 1/10 so với cách đây 60 năm trước. Nhiều loài cá có giá trị cao như cá ngừ hay cá mú ngày càng trở nên khan hiếm,

John McManus, chuyên gia sinh học biển tại Đại học Miami (Mỹ), nhận xét: “Có lẽ chúng ta đang chứng kiến một trong những thảm họa đánh bắt cá tồi tệ nhất trong lịch sử. Hàng trăm loài cá khác nhau sẽ biến mất tại Biển Đông một cách hết sức nhanh chóng”.

Với tình hình cạn kiệt của các nguồn cá gần bờ, ngư dân các nước tại Biển Đông ngày càng phải đi ngày xa bờ hơn để tìm đến các nguồn cá tại các vùng nước đang xảy ra tranh chấp.

Trung Quốc đã xem đây như là một cơ hội để khẳng định tuyên bố chủ quyền và ra sức hỗ trợ cho các ngư dân trong nước. Bắc Kinh đã tăng cường lực lượng cảnh sát biển tại Biển Đông, trang bị vũ khí cho các tàu đánh cá và tài trợ cho các ngư dân kinh phí để mua tàu lớn hơn.

Một khoảng tài trợ đặc biệt còn được chính Trung Quốc dành riêng cho các ngư dân đến đánh bắt cá tại khu vực gần quần đảo Trường Sa.

Gregory Poling, giám đốc nhóm nghiên cứu Minh bạch Hàng hải châu Á thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS), phân tích: “Lý do duy nhất vì sao các ngư dân nhỏ lẻ ra đến tận Trường Sa để đánh cá vì họ được trả tiền để làm việc này”.

Ngoài đầu tư cho ngư dân trong nước, Trung Quốc còn liên tục xây các đảo nhân tạo cũng như các cấu trúc trên đảo để hỗ trợ cho hoạt động quân sự trên Biển Đông.

Zachary Abuza, chuyên gia về chính trị Đông Nam Á và an ninh hàng hải tại Đại học Chiến tranh quốc gia (Mỹ), cho rằng: “Trung Quốc đang gia tăng kiểm soát tại Biển Đông bằng cách xây dựng tại các đảo và ngăn cản các quốc gia khác khai thác các nguồn tài nguyên tại đây”.

Ngư dân Trung Quốc khai thác cạn kiệt nguồn cá Biển Đông - Ảnh 1.

Đập cá ngừ đông lạnh trên tàu cá Trung Quốc tại cảng General Santos (Philippines) - Ảnh: National Geographic

Tại rạn san hô Xubi gần đảo Thị Tứ (quần đảo Trường Sa), nguồn cá quanh đây đã bị các tàu cá Trung Quốc đánh bắt sạch, theo Eugenio Bito-onon Jr., ngư dân Philippines. Ngư dân này cho biết tại đây, từ 3 năm nay không lúc nào không có sự hiện diện của tàu cá Trung Quốc.

Gilbert Elefane, thuyền trưởng một tàu đánh cá ngừ Philippines tại Palawan, ghi nhận mỗi đợt đánh cá (kéo dài 2 tuần) của Trung Quốc tại Biển Đông có đến hàng trăm tàu cá tham gia. Trong chỉ cách đây vài năm chỉ có khoảng hơn 30 tàu Trung Quốc tham gia vào các chuyến đánh bắt.

Để tăng cường đánh bắt cá tại Biển Đông, Bắc Kinh hỗ trợ huấn luyện quân sự, đồng thời cung cấp hệ thống định vị và liên lạc tối tân cho các ngư dân.

Các tàu cá Trung Quốc có thể dùng hệ thống này để liên lạc với cảnh sát biển trong trường hợp bị lực lượng an ninh nước ngoài cản trở hoặc để thông báo sự hiện diện của các tàu cá nước khác.

Vùng biển không có pháp luật

Theo nhận định của tạp chí National Geographic, đề ra luật lệ chung để kiểm soát hoạt động đánh bắt cá tại Biển Đông là điều hầu như không thể thực hiện được cho đến khi tranh chấp trong khu vực chấm dứt.

Song song theo đó, việc chính quyền các nước có tranh chấp đơn phương đứng ra bảo vệ các khu vực đánh cá càng làm cho tình hình thêm căng thẳng.

Vào tháng 3.2016, lực lượng an ninh biển Indonesia đã bắt giữ 8 ngư dân Trung Quốc vì tội đánh bắt trái phép tại vị trí cách quần đảo Natuna của Indonesia 5km (Natuna tuy không bị tranh chấp nhưng vùng nước phía bắc quần đảo này nơi có nhiều mỏ khí lại bị dính vào “đường lưỡi bò” của Trung Quốc).

Trong lúc cơ quan an ninh Indonesia đang kéo tàu đánh cá trái phép về cảng thì tàu cảnh sát biển Trung Quốc xuất hiện và tông vào tàu cá để giải thoát cho ngư dân Trung Quốc. Lực lượng an ninh Indonesia đã buộc phải rút lui để cho tàu cá Trung Quốc ra đi.

Chuyên gia Poling của CSIS nhận xét: “Không thể biết được phải áp dụng luật của quốc gia nào tại các khu vực này, bởi tại đây có tới 7 bộ luật biển đang chồng chéo lên nhau. Các nước đang có tranh chấp sẽ có nhiều lợi ích đến từ hành vi cố ý vi phạm luật pháp của nhau”.

Theo phân tích của báo National Geographic, một quốc gia nếu như chấp nhận luật của nước khác thì cũng có nghĩa đồng thời công nhận chủ quyền của đối thủ đang có tranh chấp lãnh thổ. Tất nhiên không nước nào muốn làm điều này.

Ngư dân Trung Quốc khai thác cạn kiệt nguồn cá Biển Đông - Ảnh 2.

Ngư dân Philippines vận chuyển cá ngừ bắt được tại Biển Đông ở bến cảng thành phố General Santos - Ảnh: Philippines

Năm 2012, một tàu chiến Philippines truy bắt một nhóm ngư dân Trung Quốc vì nghi ngờ các đối tượng này đánh bắt cá trái phép và khai thác trộm san hô quý tại khu vực bãi cạn Scarborough. Một tàu cảnh sát biển Trung Quốc cũng đã xuất hiện và ngăn cản không cho bắt giữ ngư dân.

Sau đó, hai nước đã có 10 tuần tranh chấp căng thẳng tại Scarborough. Hai bên thỏa thuận sẽ đồng loạt rút lui. Tuy nhiên, phía Trung Quốc vẫn tiếp tục ở lại và chiếm luôn bãi cạn này sau khi phía Philippines rút lui.

Đối mặt với nguồn cá ngày càng cạn kiệt, các ngư dân tại Biển Đông đã phải sử dụng nhiều phương pháp đánh bắt trái phép và nguy hiểm.

Ngư dân Philippines thường xuyên dùng bom tự chế để giết hàng loạt cá cùng lúc. Hoặc phương pháp đánh bắt bằng cách phun chất độc cyanide (xyanua) vào cá khiến chúng bị tê liệt (nhưng còn sống) cũng được sử dụng để cung cấp cá sống cho các nhà hàng hải sản sống mắc tiền tại các thành phố lớn ở châu Á như Hồng Kông.

Các phương pháp này không những giết quá nhiều cá mà còn làm tổn hại các rạn san hô, từ đó càng làm cho hệ quả của hành vi đánh bắt quá mức tại Biển Đông tệ hơn.

Nguồn cá cạn kiệt vì các rạn san hô bị phá hủy

Họat động xây lấn biển và khai thác sò của Trung Quốc tại Biển Đông là nguyên nhân chủ yếu khiến khoảng 163km2 diện tích san hô bị hủy diệt. Lượng san hô này thường được sử dụng như vật liệu làm móng trong các công trình xây dựng trên đảo.

Các công trình này không những bóp nghẹt các rạn san hô và hệ sinh thái dưới biển mà còn tạo ra những dòng trầm tích gây ô nhiễm môi trường sống của các rạn san hô lân cận. Hoạt động khai thác sò cũng ảnh hưởng không nhỏ đến các rạn san hô do bị ngư dân đục phá để gỡ lấy sò.

Chuyên gia hàng hải John McManus đánh giá: “Tôi dự đoán khoảng một nửa các rạn san hô tại Biển Đông sẽ bị tàn phá nghiêm trọng. Đây là một hủy diệt hoàn toàn”.

Các rạn san hô bị phá hủy sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ sinh thái xung quanh. Không ít loài cá sẽ bị mất môi trường sống trong khi một số loài khác như cá ngừ sẽ mất đi nguồn lương thực.

Tệ hơn, các rạn san hô tại Biển Đông đều được liên kết dính với nhau về mặt sinh thái. Cá con sinh ra trong rạn san hô sẽ theo dòng nước đến sinh sôi tại rạn san hô khác.

Mất đi một rạn san hô đồng nghĩa với mất đi một nguồn cá con. Điều này sẽ càng tăng thêm nguy cơ bị tuyệt chủng của một số loài cá.

Chuyên gia McManus cho rằng các rạn san hô có thể hồi phục trong vòng một hoặc hai thập kỷ tới nếu không còn hoạt động xây lấn biển và khai thác sò.

Ông cho rằng các quốc gia trong khu vực có thể góp phần gìn giữ môi trường sinh thái tại Biển Đông bằng cách thống nhất một khu vực được bảo tồn, tại đó không được xây lấn biển hay khai thác sò.

Giới chuyên gia cho rằng một dự án hợp tác quản lý giữa các quốc gia sẽ giúp cho hoạt động đánh bắt cá tại Biển Đông được bền vững hơn.

Điều này đòi hỏi các nước phải giảm đáng kể số tàu cá đồng thời cấm sử dụng một số cách đánh bắt cá nhất định như cách đánh cá bằng tàu lớn có lắp đặt đèn sáng để đánh cá ngừ.

Ngư dân Trung Quốc khai thác cạn kiệt nguồn cá Biển Đông - Ảnh 3.

Phân loại sò tại cảng cá thành phố Navotas (Philippines) - Ảnh: National Geographic.

Nếu được quản lý đúng cách, nguồn cá ngừ và cá thu tại Biển Đông sẽ tăng gấp 17 lần vào năm 2045 theo nghiên cứu được Đại học British Columbia thực hiện vào năm 2015. Theo nghiên cứu, các loài cá sống tại rạn san hô cũng sẽ hồi phục 15%, đồng thời cá mập và cá mú cũng sẽ xuất hiện nhiều hơn trong trường hợp có được kế hoạch quản lý chung đúng đắn.

Tuy nhiên, chuyên gia Poling của CSIS cho rằng một kế hoạch quản lý hiệu quả nguồn tài nguyên tại Biển Đông còn lâu mới đạt được, nhất là khi Trung Quốc vẫn còn khăng khăng giữ lấy “đường 9 đoạn”.

Ông nói: “Các nước cần phải bỏ tranh chấp qua một bên. Điều này là có thể làm được, nhưng khó có thể xảy ra”.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại