"Văn hóa đọc của người trẻ đang chết chìm trong những tác phẩm ngôn tình 3 xu" - một bài viết mới về chủ đề cũ nhưng chưa bao giờ hết "hot" này ngày hôm qua đã làm đúng vai trò của mình: dấy lên tranh cãi.
Nếu chỉ phản ánh văn hóa đọc, xu hướng đọc bây giờ thì cũng sẽ chả sao, nhưng trong bài có nhắc tới khái niệm "Ngôn tình" – cái tên rất mỹ miều, thực chất là để chỉ dòng sách "tiểu thuyết tình cảm 3 xu" của các nhà văn trẻ ở Trung Quốc viết thì khó có thể mà đồng tình, nhất là với những ai đã từng đọc và thích nó.
Tôi biết tới ngôn tình từ khi còn học cấp 3.
Những ngày đó, bên cạnh Rừng Na-uy, Tiếng chim hót trong bụi mận gai, rồi Thằng gù nhà thờ Đức Bà, hay Con hủi... lũ con gái chúng tôi cũng truyền tay nhau Bong bóng mùa hè, Bên nhau trọn đời, Sẽ có thiên thần thay anh yêu em, Anh có thích nước Mỹ không? và những cuốn truyện hot hồi đó nữa.
Khi là sách giấy, lúc lại bắn bluetooth e-book bằng cái điện thoại thời xa xưa - giờ ra chơi, lớp học thêm, thời gian rỗi, trước giờ đi ngủ của hầu hết lũ con gái ở lớp đều dành để đọc và bàn luận về sách truyện, trong đó có những cuốn ngôn tình đã kể.
Mà kỳ lạ, quyển nào cũng dày cộp, kín đặc toàn chữ nhưng đã lỡ đọc rồi thì rất khó để dứt ra.
Trong đám con gái chúng tôi - thật ngại khi phải thừa nhận điều này, là đứa nào cũng đã từng nhảy dựng lên xuýt xoa rồi lại hát bài ca "ước gì" vì một anh nam chính nào đó (khi ấy "soái ca" chưa phải là thuật ngữ phổ biến).
Cảm giác buồn, vui, khóc, cười với nhân vật trong câu chuyện hóa ra là có thật.
Rồi thì chúng tôi cũng lớn, thời gian để đọc truyện không có nhiều, những thú vui, thói quen của ngày xưa đành dần dần từ bỏ.
Nhưng chưa bao giờ chúng tôi quên cái thời đã từng ao ước mình sẽ có một chàng trai để yêu như Hà Dĩ Thâm, như Âu Thần, như Trần Hiếu Chính...
Dù cho hiện tại - những cô gái ngày xưa - tất cả đều hiểu rằng cuộc đời này phũ phàng và phức tạp, nhưng đó vẫn là những mộng ước trẻ con đầu đời về tình yêu rất đẹp.
Thế nên nếu ai đó nói ngôn tình là "tiểu thuyết 3 xu", thì nói sai rồi!
Ngôn tình không vô nghĩa và viển vông
Chưa bao giờ tôi nghĩ mình phải viết những dòng này để góp tiếng nói bênh vực cho tiểu thuyết ngôn tình và fan ngôn tình nói chung.
Bởi với tôi, việc ai đó ham đọc, lại còn là một loại sách phổ biến, không nằm trong danh mục sách cấm là một điều đáng quý.
Chẳng phải chúng ta vẫn thường tiếc nuối những ngày cầm cuốn truyện lên, lật giở từng trang rồi ngụp lặn trong từng con chữ chứ không phải chúi đầu vào smart-phone, bỏ ra hàng giờ vô ích kéo lên kéo xuống Facebook như bây giờ hay sao?
Chí ít thì fan ngôn tình vẫn đang trung thành với cách tìm niềm vui trong những trang giấy - niềm hạnh phúc được bảo tồn từ xưa tới nay.
Nhiều người than trời rằng ngôn tình là đám truyện sến rện, vô nghĩa, không có giá trị nhân văn, tình huống nhàm chán, ngôn từ sáo rỗng, đã thế lại còn dễ manh mún cái tư tưởng mơ mộng hão huyền.
Họ nghĩ rằng chính ngôn tình đã cổ súy cho lối yêu đương sướt mướt, drama; đã tiếp sức cho những giấc mộng về soái ca, nữ chính với tiêu chuẩn trên trời càng thêm mãnh liệt.
Nhưng sự thực thì những người này lại chưa từng đủ kiên nhẫn đọc hết 1 cuốn truyện để hiểu rằng, ngôn tình cũng chất chứa những vấn đề rất đời, và nó được tỉa tót, tô màu lên một chút mà thôi.
Tình yêu, sự nghiệp, tuổi trẻ, sự trưởng thành - tất cả đều được khắc họa và lồng ghép trong ngôn tình. Những bài học, triết lý, những điều đáng suy ngẫm chắt lọc từ ngôn tình, cũng không hề thiếu.
Tuy sự lạc quan hóa trong tình huống, ngôn từ được đẩy lên ở một mức văn chương hơn so với đời thường dễ khiến người không quen cảm thấy ngôn tình chỉ rặt những điều hư cấu nên vô giá trị. Nhưng tin tôi đi, mọi tác phẩm văn học đều bắt rễ và nung nấu từ chính cuộc sống này.
Đọc một cuốn truyện ngôn tình cũng giống xem một bộ phim giải trí
Nhớ hồi trước đây, khi Doraemon hay Bảy viên ngọc rồng vẫn nằm trong danh sách cấm của ông bà cha mẹ, đều bị quy chụp đánh giá là giống văn hóa dớ dẩn chỉ phù hợp cho con nít con nôi, thấy đứa nào cầm truyện là nổi cơn thịnh nộ.
Phụ huynh nào chẳng nghĩ chỉ có đọc sách giáo khoa, sách tham khảo, sách khoa học này nọ mới là tốt, còn truyện tranh là "con sâu đục khoét".
Nhưng ta vẫn cứ đọc, vẫn cứ lớn lên với chúng dù đọc xong đôi khi quên hết.
Đến bây giờ, khi đã giành chiến thắng trong việc đòi lại công bằng cho truyện tranh, chúng ta lại trở thành một thế hệ chỉ trích niềm vui, sở thích của một bộ phận khác chỉ vì nó không giống sở thích của chính mình.
Cắt nghĩa từ tiếng Trung Quốc, "ngôn tình" có nghĩa là truyện tình yêu.
Chẳng phải Haruki Murakami cũng làm bạn tan chảy quyện vào từng cảnh ướt át yêu đương trong Rừng Na-Uy, vào sự tiếc nuối một tình yêu dang dở trong Phía Tây biên giới, Phía Đông mặt trời, hay tận hưởng từng khoảnh khắc nhẹ tênh của tình yêu giữa chàng khoa học gia vật lý thiên văn cùng cô gái khảo cổ trong Ngày đầu tiên của Marc Levy, đều là ngôn tình sến rện ngọt đến từng âm tiết đấy sao?
Nhìn lại những Hoá ra anh vẫn ở đây, Bong bóng mùa hè, Bên nhau trọn đời, Yêu anh từ cái nhìn đầu tiên, Anh có thích nước Mỹ không?... chúng cũng là những câu chuyện tình lãng mạn, có khóc cười, có buồn vui, có chia ly đủ đầy các cung bậc như thế.
Vậy tại sao, cũng là truyện tình yêu, nhưng lại có sự phân biệt giữa ngôn tình và các thể loại khác?
Bạn không thích tiếp nhận nội dung của một cuốn sách không đồng nghĩa với việc nó là một cuốn sách tệ.
Bạn không thừa nhận giá trị của cả một dòng sách không có nghĩa là nó nhảm nhí. Đừng đánh giá mọi thứ với con mắt đầy chủ quan của bản thân mình.
Ngôn tình cũng như một bộ phim tình cảm Hàn, sinh ra để giải trí, dễ tiếp nhận, dễ quên, nhưng nó đáp ứng được nhu cầu giải trí nhanh - bổ - rẻ và nhẹ não.
Và nhu cầu đó chưa bao giờ và cũng sẽ không bao giờ nên bị ném đá, phải vậy không?
Ngôn tình vẫn sống vì nó có ý nghĩa với những người thích nó, vậy thôi!
Bấy lâu nay, thừa nhận rằng ngôn tình không phải thể loại truyện nhận được cái nhìn chào đón đầy nồng nhiệt từ tất cả mọi người, kể cả có ham đọc hay không.
Lý do thì cũng nhiều, nhưng rõ ràng nhất là vì nó phủ sóng quá nhanh và lan truyền quá rộng.
Cái gì mà chẳng thế, càng nhanh nổi lại càng dễ bị soi, hay bị nói. Nhưng cũng chính việc ngôn tình trở thành trào lưu đã khẳng định rằng nó đủ hay để người ta phải mua, đọc, truyền tay nhau.
Tuy chẳng còn ở cái thời đỉnh cao, tuy bây giờ những thể loại "trá hình" ngôn tình với nội dung nhạy cảm cũng đã bắt đầu có dấu hiệu tràn lan lẫn lộn, nhưng fan ngôn tình vẫn đông, cộng đồng ngôn tình vẫn mạnh, điều đó chứng tỏ trong suốt 5, 6 năm qua, ngôn tình vẫn luôn được tiếp nhận, duy trì và bảo vệ.
Mặc cho những lời chê bai, chỉ trích vẫn được bình luận thường xuyên, fan - trong đó có lẽ cũng có rất nhiều những cô gái bền bỉ với ngôn tình trong nhiều năm vẫn mua, vẫn đọc, vẫn hồi hộp đợi chờ, vẫn háo hức bàn luận.
Còn hay thì còn được giữ. Chẳng có cái cộng đồng nào giữ mãi một cái sai, nuôi mãi một mối hại trong từng đấy thời gian cả.
Ngôn tình vẫn sống được vì nó có ý nghĩa với những người yêu thích nó, vậy thôi.