Ngỡ rằng Lê Tuấn đã đoạn tuyệt với ánh đèn sân khấu nhưng đến hiện tại, dù đã qua tuổi 50, anh vẫn hát tại các phòng trà nhỏ với những nhóm khán giả nhỏ còn yêu mến mình.
Từ chàng sinh viên Đại học Kinh tế trở thành ca sĩ ngôi sao
Lê Tuấn sinh ra trong gia đình trí thức tại Sài Gòn. Mẹ anh là một người phụ nữ rất đam mê âm nhạc nên bà từng mở một quán cà phê âm nhạc rất có gu ở quận Phú Nhuận. Vì vậy mà từ nhỏ Lê Tuấn đã chìm đắm trong những chất giọng mượt mà của các danh ca Bolero và nhạc tiền chiến.
Nghe nhạc nhiều nên anh nhập tâm và thường ngân nga những ca khúc mà mình yêu thích ở bất đâu, bất cứ lúc nào. Tiếng hát của anh đã chinh phục nhiều thiếu nữ "tuổi ô mai" gần nhà. Tuy nhiên, cũng không ít người lớn tuổi khó tính xem anh là một cậu bé "không bình thường".
Sau năm 1975, Lê Tuấn bước vào tuổi trung học. Niềm đam mê âm nhạc trong tâm hồn anh đã lớn hơn rất nhiều. Người thân và bạn bè thấy anh có giọng hát đẹp cùng ngoại hình sáng nên khuyên anh theo nghề ca sĩ. Thời điểm đó, Lê Tuấn cảm thấy chưa đủ tự tin nên không dám thử sức.
Hơn nữa giọng hát Lê Tuấn không phù hợp với dòng nhạc đỏ với tiết tấu nhanh, giai điệu hào hùng, mạnh mẽ đang chiếm ngự đời sống âm nhạc thời đó nên anh nghĩ mình sẽ không có cơ hội theo nghề.
Lê Tuấn nhiều lần nhận giải Mai Vàng và không ít giải thưởng âm nhạc uy tín.
Lê Tuấn tập trung vào việc học hành và thi đậu vào trường Đại học Kinh tế TPHCM. Vào thời điểm đó tiêu chuẩn tuyển chọn sinh viên đại học rất gay gắt. Ấy vậy mà Lê Tuấn lọt vào top những thí sinh đỗ cao nhất trường. Đương nhiên, gia đình anh rất tự hào về điều này.
Ngỡ rằng Lê Tuấn sẽ theo đuổi nghiệp kinh tế thì một lần tình cờ, anh trò chuyện với một nữ ca sĩ nổi danh đầu thập niên 1980. Chị ấy cho anh biết tiền lương đi hát của chị một đêm thấp nhất 20 đồng và cao nhất là 80 đồng. Trong khi ấy tiêu chuẩn trợ cấp sinh viên của anh hàng tháng là 18 đồng.
Con số thu nhập của nghề ca sĩ khiến Lê Tuấn suy nghĩ rất nhiều. Anh bắt đầu tập hát những bài hát cách mạng có nội dung và giai điệu trữ tình. Đến khi Đoàn Ca nhạc nhẹ Sài Gòn thông báo tuyển ca sĩ. Anh dự thi cùng với hàng ngàn thí sinh khác. Lê Tuấn và Nguyễn Hưng là hai ca sĩ trẻ được chọn.
Được bầu show chia 25% tổng doanh thu bán vé
Ngay từ khi bắt đầu sự nghiệp ca sĩ chuyên nghiệp, Lê Tuấn cùng Nguyễn Hưng là ngôi sao của Đoàn Ca nhạc nhẹ Sài Gòn. Thế nhưng vì không chấp nhận cách quản lý của lãnh đạo đoàn, anh xin nghỉ và ra ngoài hát tự do.
Năm 1986, chính sách mở cửa bắt đầu thực thi kéo theo hàng loạt thay đổi trong đời sống văn hoá xã hội. Đời sống âm nhạc cũng trở nên phong phú hơn. Lê Tuấn theo đuổi dòng nhạc trẻ khai thác khía cạnh tình yêu lứa đôi và nhanh chóng trở thành ngôi sao nam sáng nhất thời bấy giờ.
Lê Tuấn nhớ lại thời hoàng kim của mình: "Lúc đó hình ảnh và tên tuổi tôi phủ khắp các sân khấu ca nhạc. Hát tại Sài Gòn, tiền lương của tôi cao hơn ca sĩ hạng A. Nếu hát show tỉnh, ông bầu chia cho tôi 25% tổng doanh thu bán vé. Tôi mua được nhà và xe hơi khi tuổi đời còn rất trẻ".
Cùng với danh hiệu Hoàng tử âm nhạc, Lê Tuấn nhận được rất nhiều giải thưởng âm nhạc có uy tín. Anh cũng được mời lưu diễn tại nhiều nước có cộng đồng người Việt Nam sinh sống.
Lê Tuấn giữ danh hiệu ngôi sao suốt nhiều năm liền. Nhưng đến một ngày tự dưng hào quang tỏa sáng xung quanh anh chợt tắt. Giọng hát của anh vẫn thế nhưng khán giả không còn cổ vũ nồng nhiệt như trước.
Các ông bầu đã chọn những cái tên khác thay thế và Lê Tuấn phải hát vào những thời điểm không còn thuận lợi của đêm nhạc.
Ngày hôm qua còn được săn đón chiều chuộng, hôm nay đã bị thờ ơ, lạnh nhạt
Đến giờ nghĩ lại, Lê Tuấn cũng không hiểu rõ nguyên nhân nào khiến tên tuổi của anh mai một. Cũng có lúc anh bị giằng xé dữ dội bởi cảm giác không thể chấp nhận thực tế phũ phàng này.
Ai đã từng là một ngôi sao bị mất ngôi sẽ hiểu rõ nỗi đau của Lê Tuấn. Ngày hôm qua được chiều chuộng săn đón, tán thưởng nhiệt tình nhưng hôm nay bị quay lưng, thờ ở... Đó là tình cảnh đau đớn nhất!
Nhưng rồi Lê Tuấn cũng trấn tĩnh được và suy ngẫm về quy luật cuộc đời. Anh nhận ra nghệ sĩ ngôi sao giống như người chơi trò chơi quay vòng cầu vậy. Khi mình vô trước, lên đến đỉnh cao thì cũng phải đến lúc chiếc lồng hạ xuống. Mình phải bước ra để nhường chỗ cho người khác.
Lê Tuấn bộc bạch: "Khi đang là ngôi sao số một, tôi đã ý thức rằng, khi tôi nhận được sự ưu ái tức là nhiều người khác sẽ bị ghẻ lạnh vì cơ hội không chia đều cho tất cả. Ngay lúc đó, tôi giả định nếu một ngày mình mất vị trí mình sẽ ứng xử thế nào.
Tôi bắt đầu chuẩn bị cho mình tâm lý chấp nhận cái ngày mình không còn đứng trên đỉnh vinh quang. Dẫu vậy, khi điều đó ập tới, tôi vẫn hụt hẫng và ngỡ ngàng. Nhưng đến khi trấn tĩnh lại, tôi ngộ ra cuộc đời có thịnh phải có suy nên thấy lòng mình nhẹ nhàng".
Điều mà Lê Tuấn còn giữ lại được là lòng tự trọng của một ngôi sao. Ngày xưa rất nhiều bầu show năn nỉ anh hát cho chương trình của họ. Thậm chí nhiều người đặt tiền trước vì sợ anh từ chối. Khi thất thế, anh không tìm đến cầu xin bất cứ ai để được hát.
Những ai còn nhớ đến Lê Tuấn đến mời anh bằng tình cảm chân thành, anh sẽ nhận lời. Những lúc không nhận được lời mời thì anh nghêu ngao hát cho mình hoặc bạn bè thân thiết nghe.
Hiện tại, trong đời sống âm nhạc Việt, cái tên Lê Tuấn trở nên rất xa lạ. Khán giả không dễ tìm thấy hình ảnh và cái tên Lê Tuấn lừng lẫy một thời. Thế nhưng đâu đó trong những phòng trà nhỏ của Sài Gòn, tiếng hát Lê Tuấn vẫn còn ngân nga.
Giờ đây Lê Tuấn vẫn hát vì đó là niềm đam mê lớn nhất đời mình. Việc anh hát giống như con tằm sinh ra là để nhả tơ vậy. Nếu một ngày con tằm không còn vương tơ nghĩa là con tằm ấy đã chết. Nếu một ngày Lê Tuấn không còn được hát thì cuộc đời anh trở thành vô vị, vô nghĩa!
Chính vì vậy mà dù không còn là ngôi sao nhưng khi bước lên sân khấu, Lê Tuấn luôn hát bằng tâm thế trang trọng nhất. Anh hát bằng tấm lòng của một người nghệ sĩ chân chính và thành thật.
Ca sĩ Lê Tuấn: Đón xuân này nhớ xuân xưa.