Ngôi nhà 'khó ở' nhất Sài Gòn, ra khỏi cửa thấy 1200 người đã khuất

Diệu Thuần |

Ngoài cổng nghĩa trang, cháu dâu bà Hương mở quán bán nước uống, đồ ăn vặt. Giữa nghĩa trang, bà và con trai dựng nhà ở hơn 50 năm qua.

Hai căn nhà cấp bốn của mẹ con bà Bùi Xuân Hương, 80 tuổi nằm giữa nghĩa trang Kiến An - Ngọc Lữ (phường Bình Trưng Đông, Quận 2, TP.HCM). Xung quanh là hơn 1200 ngôi mộ nằm sát nhau, cây xanh um tùm.

Nghĩa trang này ngăn cách với bên ngoài bằng bức tường bao quanh, cao 5m. Ban ngày, bà Hương mở cổng cho thân nhân người đã khuất vào thăm mộ. Ban đêm, bà đóng cổng lại để giữ yên bình cho gia đình mình và hàng ngàn phần mộ.

Ngôi nhà khó ở nhất Sài Gòn, ra khỏi cửa thấy 1200 người đã khuất - Ảnh 1.

Ngoài cổng, cháu dâu bà Hương dựng bàn ghế bán nước uống, đồ ăn vặt cho người qua đường, thân nhân người mất đến thăm mộ. Ảnh: T.A.

Giọng chậm rãi, bà Hương kể về lý do gia đình bà được cất nhà ngay giữa nghĩa trang. ‘Đất nghĩa trang này do hai hội Kiến An và Ngọc Lữ hùn tiền với nhau mua từ năm 1969, giá 1,9 triệu đồng. Sau đó, họ đưa người thân mất đến chôn.

Họ sợ người mất lạnh lẽo nên muốn có ai đó vào xây nhà ở cho có người ra vào. Vợ chồng tôi được chọn vì hay đến nhổ cỏ, lau rửa các phần mộ. Tôi ở đây từ năm 1969 đến giờ’.

Sống giữa không gian âm u của người chết nhưng 50 năm qua, cả gia đình bà Hương thấy như đang sống giữa khu dân cư sầm uất. Bà quan niệm, sống bên người chết cũng như sống bên người sống. Đã là hàng xóm của nhau, mình sống sạch sẽ, không quậy phá thì không ai làm gì được mình.

‘Nhà tôi cũng có điện nước sạch để dùng. Các ngày lễ Tết, bạn bè, người thân của tôi và các con đến nhà chơi. Khi nhà có tiệc, tôi cũng thuê rạp về dựng làm nơi đãi khách’, cụ bà sinh năm 1940 nói.

Ngôi nhà khó ở nhất Sài Gòn, ra khỏi cửa thấy 1200 người đã khuất - Ảnh 2.

Căn nhà cấp bốn của bà Hương được bao phủ bởi cây xanh, tứ phía là mộ người mất. Ảnh: T.A.


Chỉ riêng phần nước rửa mộ là hơi khó cho bà một chút. Do đất ở nghĩa trang thấp hơn, bà phải xin đặt giếng khoan ở một nhà trong khu dân cư, dùng 4-5 bình lớn chứa nước. 3-4 ngày bà bơm nước một lần.

‘Lau rửa mộ hơi tốn nước, tôi dùng nước giếng khoan cho tiết kiệm. Khoan giếng ở ngay đây không được’, bà Hương giải thích.

Cụ bà cho biết, trước đây, nghĩa địa này không có tường bao quanh như bây giờ. Các con nghiện vào hút chích thường xuyên, những người vô gia cư, hành nghề trộm cắp, cướp giật hay vào nghĩa trang trải chiếu, đắp chăn nằm ngủ.

Cả nhà bà chỉ biết bảo nhau, vô tình gặp họ thì nên vô nhà đóng cửa lại hoặc vờ như không biết gì. Khi họ rời đi thì ra thu dọn kim tiêm, rác thải, lau chùi mộ rồi thắp hương xin lỗi người mất.

‘Mấy người đó họ hung hăng, không kiểm soát được tính khí, tốt nhất mình đừng làm họ giận’, cụ bà có thâm niên 50 năm làm nghề trông mộ nói.

Ngôi nhà khó ở nhất Sài Gòn, ra khỏi cửa thấy 1200 người đã khuất - Ảnh 3.

Bà Hương cho biết, bà sẽ sống ở nghĩa trang này đến khi nó giải tỏa, vì nơi đây đã gắn bó với cả tuổi thanh xuân của bà. Ảnh: T.A.


Bà cho biết, vợ chồng bà có bốn người con. Có ba người làm giáo viên, sau khi lập gia đình họ ra ngoài mua nhà ở. Anh Đặng Hùng Anh là con cả, bỏ học giữa chừng, công việc không ổn định. Khi lấy vợ, sinh con, anh xây nhà sát nhà mẹ ở.

Hiện cả gia đình bà Hương có 8 người, gồm bà, vợ chồng con trai, vợ chồng cháu trai và ba cháu nội sống trong hai căn nhà cấp bốn giữa nghĩa trang.

Ngoài mưu sinh bằng các nghề buôn bán, phục vụ quán ăn, thợ hồ… cả 8 người họ thay phiên nhau trông giữ nghĩa trang.

Ngôi nhà khó ở nhất Sài Gòn, ra khỏi cửa thấy 1200 người đã khuất - Ảnh 4.

Ngôi nhà là nơi sinh hoạt chung của bà Hương và gia đình con trai. Đây cũng là nơi tiếp khách của gia đình bà. Ảnh: T.A.


Chị Nguyễn Thị Thanh Vân, con dâu bà Hương cho biết, hiện nghĩa trang đã có tường bao nên công việc ‘bảo vệ’ người chết của cả nhà khá nhẹ nhàng.

Các ngày thường, người nào ở nhà, có thân nhân người mất đến thì ‘tiếp’. Dịp Tết Nguyên đán, Tết Thanh minh cả gia đình chị tập trung dọn mộ, hương khói cho người mất.

‘Ngày mới về nhà mẹ làm dâu, tôi khá sợ, ban đêm không dám ra ngoài. Còn bây giờ, giữa 12 giờ đêm, ra ngoài một mình, tôi thấy bình thường’, chị Vân nói.

Bà Hương cho biết, tới đây, nghĩa trang Kiến An - Ngọc Lữ sẽ phải giải tỏa, hai căn nhà của mẹ con bà cũng phải đập bỏ. ‘Vừa rồi, bên địa chính phường họ đến đo đất. Họ nói, khi nghĩa trang này giải tỏa, mẹ con tôi sẽ được đền bù.

Đến khi nào chính quyền có kế hoạch di dời thì tính. Còn bây giờ, mẹ con tôi vẫn phải làm hết trách nhiệm với những người đã khuất đang nằm trong đây’, cụ bà nói.

Ngôi nhà khó ở nhất Sài Gòn, ra khỏi cửa thấy 1200 người đã khuất - Ảnh 6.

Chị Thanh Vân - con dâu bà Hương cho biết, chị đã có hơn 30 năm sống cùng nhà chồng ở nghĩa trang. Ảnh: T.A.


Ông Phạm Văn Lành, Chủ tịch UBND phường Bình Trưng Đông cho biết, nghĩa trang Kiến An - Ngọc Lữ là một trong bốn nghĩa trang lớn của phường. Tới đây, nghĩa trang này sẽ được giải tỏa để xây dựng các công trình công ích.

Ông Lành cũng cho biết, trước đây, nghĩa trang này thường có các tệ nạn xã hội như: người nghiện vào hút chích, những người làm việc nhạy cảm vào ẩn nấp.

Khoảng 3-4 năm nay, các tệ nạn đã không còn nữa, một phần do gia đình bà Hương xây tường bao quanh, một phần phường có các chốt chặn để giám sát, theo dõi, xử phạt các đối tượng nên các tệ nạn giảm hẳn.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại