Năm 2014, huyện Tân Phố, thành phố Quý Châu, Trung Quốc lên kế hoạch xây dựng một hồ chứa nước. Trong quá trình khảo sát trước xây dựng, các chuyên gia khảo cổ đã tìm thấy một ngôi mộ dưới móng nhà người dân.
Ngôi mộ có hướng nhìn ra mặt sông, đằng sau là dãy núi, dễ thấy chủ mộ đã có tính toán rất kỹ càng về phong thủy. Hầm mộ được đắp bằng đất, không có cổng vào hay tường vách gì nên các nhà khảo cổ khẳng định đây là loại mộ dân sự phổ biến, có vẻ không có di tích văn hóa hay giá trị khảo cổ gì.
Đinh vàng đóng quan tài. Ảnh: Sohu
Tuy nhiên, sau khi đào được một chiếc quan tài mục nát trong lăng mộ, đội khảo cổ nhận ra họ đã nhầm. Không giống quan tài gỗ thông thường, những chiếc đinh đóng trên cỗ quan tài này được làm từ vàng ròng.
Làm sao người thường có thể dùng vàng làm đinh đóng quan tài được? Kinh nghiệm mách bảo các chuyên gia rằng chủ nhân ngôi mộ hẳn phải có thân phận cao quý, họ hồi hộp mở nắp quan tài ra.
Cảnh tượng trước mắt thật sự choáng ngợp: Quan tài bên trong được chia làm 2 ngăn cho thi thể nam và nữ, phủ lên người họ là hàng loạt món đồ tùy táng bằng vàng ròng như thìa, đĩa, bình hoa... đặc biệt có đôi cốc hoa văn rồng vàng cực kỳ tinh xảo. Thêm vào đó còn có vàng miếng và ngọc bích bồi táng thêm. Cảm giác của đội khảo cổ lúc này như thể vừa rơi vào 'hố vàng'!
Chiếc cốc hoa văn rồng làm từ vàng ròng. Ảnh: Sohu
Ngôi mộ này vốn dĩ không có văn bia, người ta chỉ tìm thấy manh mối về thân thế chủ nhân thông qua một dòng chữ khắc trên chân nến bạc. Từ đây, các chuyên gia suy luận người phụ nữ bên trong hầm mộ là một phu nhân tên Điền, chồng cô là một địa chủ khét tiếng có tên Dương Giá, sống dưới thời nhà Tống.
Sinh thời, Dương Giá đã có công giúp triều đình chống lại quân Mông Cổ, sau này được phân chia quản lý toàn bộ khu vực huyện Tân Phố, thành phố Quý Châu ngày nay, chẳng trách lăng mộ của ông xa hoa tới vậy.
Vậy mà suýt chút nữa là các chuyên gia khảo cổ đã bỏ qua một kho báu lịch sử quan trọng!
Bài viết tham khảo từ Sohu