Trả lời kênh ABS-CBN ngày 3/7, ngoại trưởng Locsin nói: "Một thỏa thuận bằng miệng không thể được thi hành, chính xác như [thượng nghị sĩ Philippines] Frank Drilon đã nói, rằng cần phải có một văn bản để minh chứng cho thỏa thuận."
Hôm thứ Hai (1/7), phát ngôn viên phủ tổng thống Salvador Panelo nói rằng thỏa thuận giữa tổng thống Rodrigo Duterte với chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình là có giá trị pháp lý.
"Tôi nghĩ là không có gì được ký kết. Họ (Duterte và Tập Cận Bình) chỉ nói miệng. Với những nguyên thủ quốc gia, chỉ cần lời nói danh dự [là đủ], không cần đến [văn bản]," ông Panelo trả lời báo chí.
"Theo luật pháp," ông nói, "ngay cả là bằng miệng thì một thỏa thuận vẫn có tính ràng buộc chừng nào nó có sự đồng thuận từ hai phía. Đó là lý do nó được gọi là thỏa thuận."
Vào hôm 27/6, ông Panelo đã tuyên bố nước này không từ bỏ quyền lợi đối với vùng EEZ ở biển Đông - động thái cải chính phát ngôn trước đó một ngày của tổng thống Duterte, khẳng định ngư dân Trung Quốc có thể khai thác hải sản trong vùng EEZ của Philippines vì "tình hữu nghị giữa hai nước".
Duterte thừa nhận đây là thỏa thuận giữa ông với ông Tập vào năm 2016 và ông không thể đi ngược lại cam kết này. Tổng thống Duterte cũng cho rằng Manila không thể ngăn chặn Trung Quốc đánh bắt cá có muốn hay không, bởi điều này sẽ dẫn tới đối đầu.
Một số quan chức cấp cao Philippines đã chỉ trích phát biểu của tổng thống là vi hiến.
Phát ngôn của ông Duterte ông 26/6 là lần đầu tiên lãnh đạo Philippines đề cập công khai về "thỏa thuận" với Bắc Kinh liên quan đến vấn đề đánh bắt cá.
Ông Locsin chỉ ra rằng toàn bộ tranh luận về tính hợp lệ của thỏa thuận miệng giữa các ông Duterte và Tập Cận Bình là "vô nghĩa".
"Câu hỏi đặt ra là, đây có phải là một chính sách không? Nó không phải là chính sách," ngoại trưởng Philippines nói.
Tuy nhiên, bộ trưởng nội các Karlo Nograles nói trên ABS-CBN rằng những phản ứng trái ngược nhau xoay quanh vụ việc có thể bởi còn thiếu những thông tin chi tiết được cung cấp. Theo ông, "điều mấu chốt là chúng tôi muốn tiếp tục đối thoại với Trung Quốc".
Để bảo vệ ông Duterte, ông Locsin nói thêm rằng có thể tổng thống chỉ đề cập đến một thỏa thuận cho phép Trung Quốc đánh bắt lượng cá "thặng dư" ở vùng biển Philippines.
"Có thể ông ấy (Duterte) nói ra điều đó bởi ông có ấn tượng là có một mức độ dư thừa trong khả năng đánh bắt. Nếu có thặng dư thì bạn có thể chia sẻ nó với các ngư dân nước ngoài," ông nói, giải thích thêm rằng Cục ngư nghiệp và thủy sản (BFAR) Philippines sẽ chịu trách nhiệm xác định có hay không phần dư thừa trong sản lượng đánh bắt của nước này.