Ngoại trưởng Israel Eli Cohen (trái) và bà Najla al-Mangoush. (Ảnh: BNG Israel)
Các nguồn tin thân cận với Thủ tướng Abdul Hamid Dbeibah cho biết, bà al-Mangoush bị bãi nhiệm sau khi chính phủ thông báo mở cuộc điều tra về cuộc gặp của quan chức này với Ngoại trưởng Israel Eli Cohen vào tuần trước tại Rome.
Dư luận rộ lên từ sau thông báo của ông Cohen về cuộc gặp, gây ra một làn sóng phản đối trên khắp Libya. Có tin đồn bà al-Mangoush đã rời khỏi đất nước.
Cơ quan an ninh nội địa Libya phủ nhận thông tin rằng họ đã cho phép và hỗ trợ bà al-Mangoush xuất cảnh, cho biết bà đang nằm trong danh sách bị cấm xuất cảnh.
Bê bối xảy ra từ ngày 27/8, sau khi Bộ Ngoại giao Israel thông báo rằng quan chức ngoại giao hàng đầu của hai nước có cuộc gặp vào tuần trước, theo sắp xếp của Ngoại trưởng Ý Antonio Tajani.
“Tôi đã nói chuyện với Ngoại trưởng về tiềm năng lớn từ quan hệ giữa hai nước”, Ngoại trưởng Israel nói trong thông cáo. Ông cho biết đây là sáng kiến ngoại giao đầu tiên như vậy giữa hai quốc gia.
Thông tin này không được chào đón ở Israel. Các nhà bình luận cho rằng hành động của ông Cohen không phù hợp với ngoại giao.
Kênh 12 của Israel bình luận rằng thông báo của ông Cohen gây tổn hại nghiêm trọng cho uy tín của Israel.
Chính trị gia đối lập Yair Lapid đưa ra quan điểm tương tự. Ông viết trên mạng xã hội X rằng hành động của ông Cohen khiến nhiều nước hoài nghi về Israel như một đối tác trong quan hệ đối ngoại.
Israel bình thường hóa quan hệ với một số quốc gia Ả-rập trong những năm gần đây, theo các thỏa thuận do Mỹ dàn xếp.
Tuy nhiên, chính phủ cứng rắn của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu bị nhiều nước Ả-rập chỉ trích vì tình trạng gia tăng bạo lực ở Bờ Tây và ủng hộ mở rộng các khu định cư Do Thái ở lãnh thổ chiếm đóng.
Mỹ được nói là đang rất tức giận với việc tiết lộ thông tin về cuộc gặp và đã phàn nàn với Israel, trang Walla của Israel đưa tin.
Các quan chức Mỹ nói với Walla rằng việc tiết lộ khiến những nỗ lực bình thường hóa quan hệ giữa Israel với những quốc gia Ả-rập khác gặp khó khăn, dù đây là một ưu tiên của chính quyền Tổng thống Joe Biden.
Bộ Ngoại giao Libya cho biết, bà al-Mangoush “đã từ chối gặp bất kỳ bên nào” đại diện cho Israel, và rằng cuộc gặp chỉ là tình cờ, không có bất kỳ bàn bạc hay thỏa thuận nào. Bộ này cũng cáo buộc Israel đang cố biến sự việc thành “cuộc gặp hoặc hội đàm”.
Quốc gia Bắc Phi không công nhận Israel và không có quan hệ ngoại giao chính thức với Tel Aviv. Theo luật của Libya có hiệu lực từ năm 1957, những hoạt động trao đổi tiếp xúc với Israel có thể bị phạt tới 9 năm tù giam.
AP dẫn lời quan chức giấu tên của Chính phủ Libya cho biết, việc bình thường hóa quan hệ giữa Libya và Israel được bàn đến lần đầu tiên trong cuộc gặp giữa Thủ tướng Dbeibah và Giám đốc CIA William Burns, khi ông Burns thăm thủ đô của Libya vào tháng 1 năm nay.
Theo vị quan chức này, ông Burns đề xuất chính phủ của Thủ tướng Dbeibah tham gia nhóm 4 quốc gia Ả-rập bình thường hóa quan hệ với Israel theo thỏa thuận Abraham Accords mà Mỹ đưa ra năm 2020.
Thủ tướng Libya tạm thời nhất trí, nhưng lo ngại phản ứng của dư luận, vì người Libya vẫn ủng hộ Palestine rất mạnh mẽ.
Giữa những ồn ào đó, Thủ tướng Dbeibah đã bãi nhiệm bà al-Mangoush. Bộ trưởng Thanh niên Fathallah al-Zani đóng vai trò ngoại trưởng tạm quyền.
Các video trên mạng xã hội cho thấy đám đông người biểu tình tập trung trước trụ sở Bộ Ngoại giao ở Tripoli trong tối 27/8 để đòi sa thải bà al-Mangoush. Một số người biểu tình còn đòi Thủ tướng Dbeibah từ chức, châm lửa đốt bên ngoài tư dinh của ông ở Tripoli.