Trả lời phỏng vấn của hãng tin RIA Novosti, ông Alexander Lukin, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Đông Á và SCO thuộc Viện Nghiên cứu Quốc tế, Học viện MGIMO, cho rằng gọi Trung Quốc là “người anh lớn” của Nga là không phù hợp.
Vị chuyên gia này cho rằng giữa hai nước có mối quan hệ bình đẳng và không có bất cứ bằng chứng nào cho thấy Trung Quốc đang áp đặt các quyết định đối với Nga.
Trước đó, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov có tuyên bố rằng thật sai lầm khi gọi Trung Quốc là “người anh lớn” của Nga. Theo ông, Matxcơva đang xây dựng quan hệ với các quốc gia khác trên cơ sở đôi bên cùng có lợi và không hề có sự áp đặt từ bất cứ bên nào.
“Mọi việc trông không có vẻ như thế. Theo tôi thấy, nền kinh tế Trung Quốc đúng là có lớn hơn gấp 8 lần. Nhưng sự bình đẳng giữa các quốc gia được xác định không phải bởi ai lớn hơn ai, mà là liệu có sự áp đặt hay không, nghĩa là liệu bạn có phải chịu đựng điều đó (mối quan hệ với một quốc gia khác) hay không”, - ông Lukin nhận định bên lề Diễn đàn quốc tế các nền văn minh của Trung tâm phân tích Taihe.
“Chẳng hạn như, Canada có đang phải chịu đựng việc nền kinh tế Mỹ lớn hơn gấp nhiều lần hay không. Có lẽ là không, bởi ít nhất thì họ không nói về điều đó, và chắc là Mỹ cũng không áp đặt bất kỳ quyết định nào đối với họ” - chuyên gia này cho biết thêm.
Theo ông Lukin, “không có bằng chứng nào cho thấy Trung Quốc muốn lợi dụng sức mạnh kinh tế của mình để áp đặt bất kỳ quyết định nào đối với Nga”. “Vì vậy, tôi nghĩ ngài Lavrov đã đúng, chúng tôi đang có một mối quan hệ bình đẳng” - chuyên gia này kết luận.
“Nga cũng có những ưu thế trong một số lĩnh vực, chẳng hạn như quân sự, vũ khí hạt nhân, một số công nghệ. Thậm chí, trong cả lĩnh vực ngoại giao, chúng tôi cũng có kinh nghiệm hơn” - ông Lukin chia sẻ.