Theo Ngoại trưởng Peter Szijjarto, "sự cuồng loạn trừng phạt" ở Liên minh châu Âu (EU) đang làm suy yếu khả năng cạnh tranh của khối này đối với Mỹ. Washington hứng hậu quả xung đột ở Ukraine ở mức độ thấp hơn nhiều so với châu Âu.
Ngoại trưởng Peter Szijjarto cho rằng " EU có thể tự đẩy mình vào chân tường với sự cuồng loạn trừng phạt", vốn đã làm suy yếu nghiêm trọng nền kinh tế các nước thành viên và gây ra mối đe dọa đối với an ninh năng lượng của họ.
Ông Peter Szijjarto nhắc lại rằng các biện pháp trừng phạt của EU đối với Nga đã không đạt được mục tiêu và không dẫn đến chấm dứt xung đột ở Ukraine, mà chỉ gây ra những vấn đề nghiêm trọng trong nền kinh tế châu Âu và toàn cầu.
"Cuộc tranh luận về gói trừng phạt thứ 11 hiện đang diễn ra, nhưng tôi nghĩ mọi người đều thấy rõ ràng rằng các lệnh trừng phạt đã thất bại" , ông Peter Szijjarto nói.
EU đang thảo luận về gói trừng phạt thứ 11 lên Nga. Ngoại trưởng Pháp Catherine Colonna cho biết gói trừng phạt thứ 11 có thể được thống nhất trước cuộc họp cấp bộ trưởng EU tiếp theo vào tháng 6.
Mới đây, người đứng đầu chính sách đối ngoại của EU Josep Borrell thừa nhận không chỉ Hungary mà một số quốc gia khác phản đối gói thứ 11 của liên minh đối với Moskva.
EU đã tung ra 10 gói trừng phạt đối với Nga. Trong gói trừng phạt mới nhất hôm 24/2, EU hạn chế xuất khẩu chặt chẽ hơn đối với hàng hóa sử dụng lưỡng dụng (quân sự và dân sự), cũng như các biện pháp chống lại các thực thể hỗ trợ xung đột, tuyên truyền hoặc vận chuyển máy bay không người lái được Nga sử dụng...
Nga đã lên án các biện pháp trừng phạt của EU và bác tác động của các lệnh này lên Moskva.