Triều Tiên có đồng minh, nhưng mức độ ủng hộ của các đồng minh này đối với Triều Tiên đến đâu thì còn cần phải chờ xem. Trang 9news của Australia đã phân tích một số mối quan hệ được coi là có lợi cho Bình Nhưỡng.
Trung Quốc
Tiến sĩ Peter Layton, giảng viên Viện châu Á tại đại học Griffith (Australia) cho rằng Trung Quốc vẫn là một đồng minh chính của Triều Tiên, tuy nhiên, ông nhấn mạnh rằng Bắc Kinh không điều khiển Bình Nhưỡng.
"Người ta đã nói tới việc Trung Quốc cần cắt nguồn cung dầu cho Triều Tiên, tới nay đó vẫn là một khả năng còn bỏ ngỏ, nhưng tôi không chắc là việc đó sẽ có ảnh hưởng bao nhiêu tới chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng. Các lệnh trừng phạt có thể đã có hiệu quả nhưng tôi sợ là những biện pháp đó quá ít và quá muộn", TS. Layton nói.
Layton chỉ ra rằng, vào những năm 1990, bán đảo Triều Tiên cũng đã phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng tương tự, nhưng điểm khác biệt là hiện nay chúng ta đã có một nước Trung Quốc mới và tự tin hơn rất nhiều.
Theo Layton, "Khi đó Mỹ lãnh đạo thế giới và Trung Quốc vẫn còn để tâm tới những lời nói của Mỹ".
Còn theo một học giả khác, TS. Leonid Petrov, một trong những nhà nghiên cứu hàng đầu thế giới về Triều Tiên tại ĐH Quốc gia Australia, thì Trung Quốc thực ra không có nhiều ảnh hưởng đối với Triều Tiên như mọi người nghĩ.
"Trung Quốc chỉ có ảnh hưởng một cách giới hạn đối với Bình Nhưỡng", Petrov nói, "Vai trò chính của Trung Quốc là một người giúp đỡ. Trung Quốc không muốn Triều Tiên sụp đổ".
Hiện Trung Quốc chiếm tới 90% giao dịch thương mại của Triều Tiên với thế giới.
"Trung Quốc không muốn kiểm soát, điều khiển Bình Nhưỡng, nhưng tất nhiên họ muốn Triều Tiên hợp tác hơn", ông Petrov nói.
Theo Petrov, Trung Quốc hiện đang làm mọi việc có thể để làm dịu tình hình và khiến Bình Nhưỡng hợp tác.
Một quan chức của ĐCS TRung Quốc, ông Liu Yunshan, và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un tại một sự kiện ở Bình Nhưỡng. Ảnh: Reuters
Nga
Liên bang Xô Viết trước kia ủng hộ Triều Tiên và hai năm trước đây, Nga và Triều Tiên tuyên bố "năm hữu nghị" với mục đích tăng cường mối quan hệ kinh tế, chính trị giữa hai nước.
Năm 2011, Nga đã xóa khoản nợ 10 tỷ USD [từ thời Xô Viết] cho Triều Tiên.
Nga coi Triều Tiên là một đối tác quan trọng vì hai nước có đường biên giới chung trên bộ - con đường quan trọng cho lưu thông hàng hóa, trong đó có cả dầu mỏ, nhiên liệu.
Một bản báo cáo của công ty thu thập thông tin tình báo Stratfor tiết lộ: "Trung Quốc không muốn chính phủ Triều Tiên bị bất ổn, Nga cũng vậy. Nga có lợi ích trong việc duy trì Triều Tiên như một quốc gia đệm giữa mình và hai đồng minh của phương Tây là Nhật Bản và Hàn Quốc".
Học giả Petrov cho rằng, dù cả Nga và Trung Quốc đều lên án các vụ thử hạt nhân của Triều Tiên, nhưng những vụ thử đó đều có lợi cho cả Moscow và Bắc Kinh.
"Nếu mối quan hệ của Nga với Triều Tiên xấu đi, điều đó không tốt cho Nga", TS. Petrov nói, "Giống như Trung Quốc, Nga không thực sự thích các vụ thử tên lửa, nhưng các vụ đó thực sự đã giúp làm lu mờ các đề trên biển Hoa Đông".
"Đối với Nga, các vụ thử tên lửa của Triều Tiên đồng nghĩa với việc họ có thể giám sát các hệ thống chống tên lửa của các nước Nhật, Hàn", Petrov nói.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã phát biểu về sự vô tác dụng của các lệnh trừng phạt cũng như những hậu quả thảm khốc có thể xảy ra nếu một cuộc chiến tranh quân sự chống lại Triều Tiên được khơi mào.
"Đó là con đường chẳng đi đến đâu", ông Putin từng nói.
Tuyến đường sắt Khasan-Rajin nối Nga và Triều Tiên. Ảnh: DPA
Pakistan/Malaysia/Bulgaria
Theo TS. Layton, Triều Tiên có mối quan hệ với nhiều nước khác ngoài hai nước lớn Trung Quốc và Nga, đặc biệt là khi nói về quan hệ thương mại.
Các công ty kinh doanh của Triều Tiên có mặt ở nhiều nước. Ví dụ như Malaysia, năm 2016, đã tìm cách tăng cường giao thương với Triều Tiên. Một số nước khác cũng giúp Triều Tiên theo các cách khác nhau.
TS. Layton cho rằng Pakistan cũng có điểm giống với Triều Tiên, theo ý rằng đó là một nhà nước "đặc biệt" với chính phủ "đặc biệt".
Pakistan không phải là một đồng minh rõ ràng của Bình Nhưỡng, nhưng lại là một đối thủ của Ấn Độ và đó là điều rất "hợp" với Bắc Kinh.
"Tuy không phải đồng minh chính thức nhưng Pakistan từng có quan hệ kinh tế với Triều Tiên trong quá khứ", Layton nói.
TS. Petrov thì cho rằng việc Triều Tiên thử bom nhiệt hạch vừa qua cho thấy nước này có lẽ đã nhận được sự giúp đỡ về khoa học công nghệ từ Nga, Ukraine và thậm chí cả Iran.
Các nước khác như Bulgaria, Madagasca, Benin hay Cộng hòa Dân chủ Congo đều xem Triều Tiên là bạn.
Bulgaria hiện vẫn là nước châu Âu duy nhất "làm bạn" với Bình Nhưỡng và hai nước đã ký một hiệp định hợp tác song phương vào năm 1970.
Tuy nhiên, mối quan hệ này được cho là đã nhạt hơn trong thời gian gần đây khi Sofia cam kết thực hiện "tất cả các biện pháp cần thiết" để thi hành những lệnh trừng phạt của LHQ đối với Bình Nhưỡng.
Bulgaria sau đó đã hạn chế nhập khẩu than và khoáng sản từ Triều Tiên, đồng thời cắt giảm nhân sự của đại sứ quán Triều Tiên tại nước này.