Hệ thống tên lửa chiến thuật Lục quân Mỹ (ATACMS) phóng tên lửa trong cuộc tập trận chung Mỹ - Hàn nhằm phản ứng trước vụ thử ICBM của Triều Tiên ngày 28/7/2018. Ảnh: Bộ Quốc phòng Hàn Quốc.
Tổ chức phi lợi nhuận APS cho rằng hệ thống chống tên lửa đạn đạo của Mỹ vẫn sẽ không hiệu quả, thậm chí sau 15 năm nữa. Nghiên cứu này dựa trên một cuộc tấn công tên lửa giả định từ Triều Tiên.
Các chuyên gia liên quan đến nghiên cứu sẽ quan sát xem liệu các hệ thống tên lửa hiện tại có phản ứng hiệu quả trước mối đe dọa ICBM trong thực tế hay không.
Theo báo cáo gần đây nhất của Breaking Defense, nghiên cứu trên đã kiểm tra các hệ thống chống tên lửa hiện tại và các công nghệ quốc phòng tương lai về mức độ hiệu quả trong việc chống lại các tên lửa đạn đạo liên lục địa.
Tuy nghiên, nghiên cứu này đã phát hiện ra rằng, chúng vẫn không đủ hiệu quả để bảo vệ Mỹ, thậm chí cả trong 15 năm tới.
"Việc tạo ra một hệ thống phòng vệ hiệu quả và đáng tin cậy nhằm chống lại mối đe dọa, thậm chí là trước một số lượng nhỏ các ICBM trang bị hạt nhân không mấy tinh vi vẫn là một thách thức với Mỹ", báo cáo của APS cho hay.
Hội Vật lý Mỹ cũng cho biết Mỹ hiện đối mặt với nhiều thách thức trong các hệ thống phòng thủ hiện tại. Một trong những vấn đề đó nằm ở phòng thủ tầm trung.
Ngoài ra, Mỹ cũng gặp khó khăn trong pha đẩy của hệ thống đánh chặn. Mặc dù Mỹ đã có thể sửa chữa một số vấn đề trong hệ thống phòng thủ nhưng nhiều vấn đề nghiêm trọng vẫn chưa được giải quyết.
Hiện nay, chính phủ Mỹ đã chi hơn 350 tỷ USD cho các hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo. Tuy nhiên, Washington vẫn cần nhiều giải pháp hơn thay vì chỉ đầu tư một khoản tiền khổng lồ.