Theo một nghiên cứu được thực hiện bởi Trung tâm Nghiên cứu Mỹ tại Đại học Sydney ở Australia, quân đội Mỹ hiện không phải là lực lượng mạnh nhất hoạt động ở châu Á, và tên lửa của Trung Quốc có thể nhanh chóng hủy diệt các căn cứ Mỹ tại đây chỉ trong vòng vài giờ.
Nghiên cứu cảnh báo rằng chiến lược phòng thủ của Mỹ ở vùng Ấn Độ - Thái Bình Dương đang "đối diện với cuộc khủng hoảng chưa từng có" và có thể sẽ rất vất vả để phòng thủ các đồng minh trước mối đe dọa từ Trung Quốc.
Điều này có nghĩa rằng Australia, Nhật Bản và các đối tác khác của Mỹ cần phải xây dựng, củng cố và tái thiết toàn lực lượng ở khu vực. Ngoài ra, những quốc gia này cũng cần phải tăng cường hợp tác với Mỹ để đảm bảo an ninh quốc phòng.
Nghiên cứu cũng chỉ ra một số lĩnh vực mà quân đội Trung Quốc đang vượt trội hơn so với Mỹ và các đồng minh châu Á. Nổi bật nhất trong số đó là tên lửa.
"Trung Quốc đã triển khai một loạt các tên lửa chính xác và có những hệ thống chống can thiệp để chống lại sức mạnh của quân đội Mỹ," báo cáo kết luận và chỉ ra rằng Trung Quốc có tới "hàng nghìn tên lửa".
Gần như tất cả các căn cứ quân sự của Mỹ ở vùng Tây Thái Bình Dương - cũng như tại các quốc gia đối tác và đồng minh - "có thể trở nên vô dụng bởi những cuộc tấn công chính xác chỉ trong vài giờ đầu tiên của cuộc chiến."
Ngoại trưởng Trung Quốc nói chưa xem qua bản nghiên cứu, nhưng phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Cảnh Sảng nhấn mạnh rằng chính sách quân sự của nước này "có bản chất là phòng thủ" chứ không phải tấn công.
Theo CNN, Lầu Năm Góc sẽ không mấy ngạc nhiên với bản nghiên cứu này.
Hồi tháng 11/2018, Ủy ban Chiến lược Quốc phòng Mỹ đã gửi bản báo cáo tới Quốc hội Mỹ, trong đó có nhận định: "Quân đội Mỹ có thể sẽ phải hứng chịu thiệt hại lớn tới mức không chấp nhận được và có thể sẽ phải gặp rất nhiều khó khăn để chiến thắng, hoặc thậm chí là thua cuộc nếu chiến tranh với Trung Quốc hoặc Nga."
Sáu tháng sau, bản báo cáo thường niên của Bộ Quốc phòng Mỹ về quân đội Trung Quốc nói Bắc Kinh đang có ý định phát triển quân đội đạt tiêu chuẩn thế giới và sẽ "trở thành một thế lực áp đảo tại khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương."
Báo cáo cũng cho hay Trung Quốc có tới 2.000 tên lửa đạn đạo tầm gần, tầm trung và tầm xa có thể tấn công các mục tiêu trên đất liền và trên biển.
Nghiên cứu của Australia đánh giá thêm: "Về cơ bản, khi đất liền ngày càng nguy hiểm hơn bởi Trung Quốc triển khai tên lửa hành trình, công nghệ siêu thanh và hệ thống phòng không, lợi thế của Mỹ trong chiến tranh dưới nước sẽ ngày càng quan trọng trong việc duy trì cán cân sức mạnh ở khu vực".
Trong khi đó, Đô đốc Phil Davidson, người đứng đầu Bộ Tư lệnh Ấn Độ-Thái Bình Dương Mỹ, nói với Quốc hội Mỹ rằng ông chỉ được cấp một nửa lượng tàu ngầm cần thiết để hoạt động hàng ngày ở vùng Thái Bình Dương.
Tăng cường hợp tác
Hoạt động hợp tác giữa Mỹ và đồng minh đã bắt đầu diễn ra. Mỹ và Austrailia gần đây đã hoàn thành cuộc tập trận Talisman Saber hai năm một lần ở miền bắc Australia. Năm nay, quân đội Nhật Bản cũng góp mặt với hai cuộc diễn tập đổ bộ.
Nghiên cứu của Australia chỉ rằng Mỹ và đồng minh cần hợp tác nhiều hơn, và tại những nơi xa hơn Australia.
"Các cuộc tập trận cần phải chứng tỏ được năng lực chặn đứng các đòn tấn công từ đất liền và trên không của các căn cứ tập trung ở Nhật Bản, Okinawa và đảo Guam. Mục tiêu chính của các bài diễn tập cần được củng cố để tăng cường năng lực đánh chặn, chặn đứng và nếu cần thiết, vô hiệu hóa hoàn toàn hành vi hung hăng của Trung Quốc ở khu vực," nghiên cứu viết.
Ngoài ra, quân đội Australia cũng bị cho là đang có một khuyết điểm khá tương đồng với quân đội Mỹ là lực lượng "mỏng" do quá dàn trải. Trong giai đoạn từ năm 2001 tới năm 2018, Australia đã triển khai số lượng chiến dịch ở Trung Đông nhiều gấp 3 lần ở vùng Ấn Độ - Thái Bình Dương.