Nghiên cứu: 2/3 sông băng trên thế giới có thể sẽ biến mất vào năm 2100

Hồng Nhung |

Theo một nghiên cứu mới nhất, các sông băng trên thế giới đang thu hẹp dần và khả năng sẽ biến mất nhanh hơn dự báo , trong đó 2/3 sông băng có khả năng sẽ tan chảy vào cuối thế kỷ này trước xu hướng biến đổi khí hậu hiện nay.

Nguy cơ sông băng biến mất

Theo AP, trước dự báo như vậy, nếu thế giới có thể hạn chế sự nóng lên trong tương lai và hoàn thành mục tiêu khí hậu toàn cầu, thì chỉ khoảng 1/2 sông băng trên toàn cầu sẽ biến mất. Nhóm các tác giả nghiên cứu đều nhận định hầu hết các sông băng nhỏ trên thế giới đang dần không còn tồn tại.

Nghiên cứu: 2/3 sông băng trên thế giới có thể sẽ biến mất vào năm 2100 - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: AP

Tạp chí Science ngày 5/1 đã đăng tải một nghiên cứu mới nhất về tình trạng của 215.000 sông băng trên toàn cầu – không tính sông băng trên các dải băng ở Greenland và Nam Cực. Các nhà khoa học đã sử dụng mô phỏng máy tính để tính toán, phân tích mức độ nóng lên khác nhau, tính toán bao nhiêu sông băng biến mất và bao nhiêu nghìn tỷ tấn băng sẽ tan chảy cũng như mức độ ảnh hưởng của sông băng đối với mực nước biển dâng.

Thế giới hiện đang trên đà tăng nhiệt độ lên 2,7 độ C kể từ thời kỳ tiền công nghiệp. Đến năm 2100, thế giới có khả năng sẽ mất 32% khối lượng sông băng, tương đương 48,5 nghìn tỷ tấn băng. Tác giả nghiên cứu David Rounce cho biết mực nước biển đã tăng thêm 115mm cùng với một số vùng biển đang trở nên rộng hơn do băng tan chảy và nước ấm lên.

"Mực nước biển dâng cao do dòng chảy từ sông băng sẽ khiến hơn 10 triệu người trên khắp thế giới và hơn 100.000 người ở Mỹ sẽ sống dưới mực nước thủy triều khi dâng cao", nhà nghiên cứu Ben Strauss, Giám đốc điều hành của Climate Central cho biết.

"Dù thế nào đi chăng nữa, chúng ta sẽ mất rất nhiều sông băng. Tuy nhiên chúng ta có thể hạn chế số lượng sông băng bị mất đi", ông Rounce, nhà nghiên cứu về sông băng và là Giáo sư tại Đại học Carnegie Mellon cho biết.

"Đối với nhiều sông băng nhỏ thì đã quá muộn để tìm giải pháp. Tuy nhiên, ở phạm vi toàn cầu, yêu cầu hạn chế mức tăng nhiệt độ được đánh giá là rất quan trọng để giữ lại càng nhiều sông băng càng tốt", đồng tác giả Regine Hock, nhà nghiên cứu về sông băng cho biết.

Ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống người dân

Theo các nhà khoa học, sự mất đi của các sông băng không chỉ khiến mực nước biển dâng cao mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn cung cấp nước cho dân số thế giới. Bên cạnh đó là nhiều rủi ro hơn từ lũ lụt do sông băng tan chảy và mất đi các điểm phủ băng lịch sử từ Alaska đến dãy Alps, thậm chí gần khu cắm trại trên đỉnh Everest.

"Đối với những nơi như dãy Alps hay Iceland... sông băng giúp cảnh quan ở đây trở nên đặc biệt. Khi họ đánh mất lớp băng theo một nghĩa nào đó, cũng giống như đang đánh mất đi linh hồn của mình", Mark Serreze, Giám đốc Trung tâm Dữ liệu Băng và Tuyết Mỹ nhận định.

Nhà nghiên cứu Hock chỉ vào sông băng Vernagtferner ở dãy núi Alps của Áo, một trong những sông băng được nghiên cứu kỹ nhất trên thế giới nhưng nhiều khả năng "sẽ biến mất".

Sông băng Columbia ở Alaska có khoảng 216 tỷ tấn băng vào năm 2015 nhưng khi nhiệt độ càng tăng cao, mọi thứ càng nhanh thay đổi. Ông Rounce cho rằng nếu có sự nóng lên 4 độ C kể từ thời tiền công nghiệp thì khả năng sông băng sẽ mất đi 2/3. Nhà nghiên cứu Twila Moon của Trung tâm băng tuyết Mỹ cũng nói rằng sông băng rất quan trọng đối với cuộc sống của con người ở nhiều nơi trên thế giới.

"Sông băng cung cấp nước uống, nước nông nghiệp, thủy điện và các dịch vụ khác hỗ trợ hàng tỷ người", ông Moon nhấn mạnh.

Nghiên cứu hiện "đại diện cho những tiến bộ đáng kể" trong việc dự đoán các sông băng trên thế giới có thể thay đổi như thế nào trong 80 năm tới do biến đổi khí hậu.

Ruth Mottram và Martin Stendel, hai nhà khoa học khí hậu tại Viện Khí tượng Đan Mạch, cũng nhận định nghiên cứu bao gồm những phát hiện khác biệt về sông băng mà các nghiên cứu trước đây chưa có.

Nghiên cứu đã tập trung vào các yếu tố gây ra sông băng tan chảy- hoặc do không khí ấm hơn hoặc do nước ở cả bên dưới, ở rìa của các sông băng và các mảnh vụn có thể khiến sông băng tan chảy chậm lại. Các nghiên cứu trước đây tập trung vào những sông băng lớn thay vì tính toán cho từng dòng sông băng riêng lẻ.

Mặt khác, nếu thế giới bằng cách nào đó có thể hạn chế sự nóng lên theo đúng mục tiêu toàn cầu là 1,5 độ C (2,7 độ F) so với thời kỳ tiền công nghiệp thì Trái Đất có thể sẽ chỉ mất khoảng 26% tổng khối lượng băng hà vào cuối thế kỷ này.

"Tôi đã làm việc trên các sông băng ở dãy Alps và Na Uy và chứng kiến các sông băng thực sự biến mất nhanh chóng", chuyên gia Monttram chia sẻ./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại