Nghịch lý nhà sản xuất vaccine lớn nhất thế giới phải vật lộn tiêm chủng cho người dân

Hải Vân |

Ấn Độ - “thủ phủ” vaccine của thế giới, nơi sản xuất khoảng 60% lượng vaccine trên toàn cầu - hiện chỉ sản xuất được hơn một nửa lượng vaccine COVID-19 mà họ cần để sử dụng trong nước mỗi tháng. Hàng triệu dân nước này vẫn đang phải chờ vaccine khi làn sóng dịch bệnh thứ 2 đang càn quét quốc gia Nam Á.

Người dân tại một trung tâm tiêm chủng ở Mumbai phản ứng sau khi nhận được thông báo không còn vaccine COVID-19 Ảnh: Reuters

Người dân tại một trung tâm tiêm chủng ở Mumbai phản ứng sau khi nhận được thông báo không còn vaccine COVID-19 Ảnh: Reuters

Theo Báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (Hong Kong, Trung Quốc), Ấn Độ phải cần khoảng 120 triệu liều vaccine mỗi tháng để duy trì tỷ lệ tiêm chủng trung bình, nhằm đạt mục tiêu tiêm chủng khoảng 4 triệu liều/ngày. Tuy nhiên, Ấn Độ hiện chỉ sản xuất được 65 triệu liều vaccine/tháng.

Lý do đằng sau sự thiếu hụt này là gì? Tại sao sau một khởi đầu đầy thuận lợi, giờ đây, khi đến các trung tâm tiêm chủng, người dân chỉ thấy tấm biển thông báo: “Không còn vaccine”?

Gần đây, Ấn Độ đã có thể cân bằng giữa việc tiêm chủng cho người dân trong nước và xuất khẩu vaccine cho các quốc gia khác. Quốc gia Nam Á này không chỉ cung cấp vaccine cho các nước láng giềng và các quốc gia có thu nhập thấp, những nước như Anh, Canada và Saudi Arabia cũng đang chờ nguồn cung vaccine Covishield, loại vaccine của AstraZeneca/Oxford do Anh phát triển được sản xuất tại Viện Huyết thanh Ấn Độ (SII).

Nghịch lý nhà sản xuất vaccine lớn nhất thế giới phải vật lộn tiêm chủng cho người dân - Ảnh 1.

Bên trong phòng thí nghiệm tại Viện Huyết thanh Ấn Độ ở Pune, Ấn Độ. Ảnh: AP

Vào tháng 1, khi ghi nhận khoảng 10.000 ca mắc mới mỗi ngày, Ấn Độ cho rằng dường như họ đã kiểm soát được sự bùng phát của dịch COVID-19. Các cuộc khảo sát về kháng nguyên ở một số thành phố cho biết có đến 1/3 công dân có thể đã nhiễm virus. Điều này chứng tỏ Ấn Độ đang trên đà đạt được miễn dịch cộng đồng.

Động lực tích cực này tiếp tục được thúc đẩy khi Ấn Độ bắt đầu triển khai chương trình tiêm phòng COVID-19. Chính phủ tính rằng vì có sự hỗ trợ của vaccine nội địa, họ sẽ có đủ vaccine cho chương trình tiêm chủng chậm chạp của mình cho đến cuối năm, khi các loại vaccine nước ngoài khác cũng có thể được cơ quan quản lý dược phê duyệt.

Đến tháng 2, khi các quốc gia khác vẫn quay cuồng trong cơn bão COVID-19, các thành viên trong đảng của Thủ tướng Narendra Modi đã ca ngợi cách xử lý đại dịch “bậc thầy” của ông. Họ không biết rằng Ấn Độ sắp bị tấn công bởi làn sóng dịch bệnh thứ hai nguy hiểm hơn vào cuối tháng 3.

Nghịch lý nhà sản xuất vaccine lớn nhất thế giới phải vật lộn tiêm chủng cho người dân - Ảnh 2.

Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân COVID-19 từ bệnh viện Ahmedabad đến khu vực dành cho bệnh nhân mới. Ảnh: AP

Giáo sư K. Srinath Reddy, Chủ tịch Tổ chức Y tế Công cộng Ấn Độ (PHFI) cho biết: “Chính phủ đã kết luận một cách sai lầm vào tháng 1 rằng Ấn Độ đã đạt được miễn dịch cộng đồng và đại dịch đã kết thúc. Khi các biến chủng virus mới xuất hiện, các ca mắc đã tăng trở lại, làn sóng dịch bệnh bùng phát càng mạnh mẽ trong một xã hội mở cửa, nhộn nhịp và nhiều người dân đã từ bỏ mọi biện pháp phòng dịch”.

Ông Reddy nói thêm rằng những kế hoạch tiêm chủng nhàn nhã đã được lên kế hoạch trong tình huống "không còn đại dịch" có nguy cơ bị cuốn theo làn sóng dịch COVID-19.

Chính phủ sau đó cũng đã nhận ra rằng khi COVID-19 lây lan khắp Ấn Độ, hai loại vaccine, bao gồm Covishield của SII và Covaxin do Bharat Biotech phát triển, cũng không đủ để hỗ trợ quy mô khổng lồ của chiến dịch tiêm chủng.

Bharat Biotech chỉ sản xuất được 5 triệu liều vaccine/tháng. Viện Huyết thanh Ấn Độ cũng chỉ tung ra 60 triệu liều Covishield/tháng. Với việc Ấn Độ thúc đẩy đạt mục tiêu tiêm chủng khoảng 4 triệu liều/ngày, vào đầu tháng 4, một số bang đã phàn nàn về việc không có đủ vaccine vào thời điểm các ca bệnh tăng vọt. Câu hỏi đặt ra là tại sao vẫn có rất nhiều vaccine được xuất khẩu ra nước ngoài?

Nghịch lý nhà sản xuất vaccine lớn nhất thế giới phải vật lộn tiêm chủng cho người dân - Ảnh 3.

Người dân Mumbai đi tiêm phòng COVID-19. Ảnh: AP

Một quan chức chính phủ trước đó tiết lộ rằng Ấn Độ đã xuất khẩu rất nhiều vaccine ra nước ngoài, khoảng 64 triệu liều vaccine trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 3. Điều này khiến nhiều người thắc mắc về sự ưu tiên của chính phủ.

Giáo sư Giridhar Babu, chuyên gia tại Tổ chức Y tế Công cộng Ấn Độ, cho biết nước này cần cung cấp khoảng 7- 10 triệu liều vaccine mỗi ngày “nếu muốn giảm tỷ lệ tử vong”. Tuy nhiên, ông nói: “Tôi không nghĩ Ấn Độ có thể đạt được mục tiêu này với chỉ 2 loại vaccine hiện có”.

Hôm 12/4, trong khi một số bang yêu cầu New Delhi cung cấp thêm vaccine, nước này đã vượt qua Brazil trở thành quốc gia có số ca mắc COVID-19 cao thứ hai thế giới. Từ 12.000 ca mắc hàng ngày vào đầu tháng 3, Ấn Độ đã ghi nhận trên 100.000 ca mắc mỗi ngày trong tuần đầu tiên của tháng 4.

Nhận thấy Ấn Độ có thể cần lượng vaccine lớn do SII sản xuất để sử dụng trong nước, đặc biệt là sau khi bắt đầu tiêm chủng cho tất cả người dân trên 45 tuổi, từ ngày 1/4, chính phủ đã yêu cầu công ty tạm dừng xuất khẩu vaccine. Ấn Độ chỉ xuất khẩu 1,2 triệu liều trong tháng này.

Nhà phân tích chính trị Arati Jerath cho biết: “Ấn Độ đã chậm trễ trong việc đảm bảo sản xuất vaccine nhanh chóng, mặc dù đây là cường quốc vaccine thế giới. Quốc gia này cũng không lường trước được làn sóng thứ hai bất chấp những cảnh báo và tấm gương rõ ràng từ châu Âu và Mỹ”.

Trong khi đó, SII và Bharat Biotech đã phải kêu gọi Ấn Độ cấp vốn để mở rộng cơ sở sản xuất vaccine, song chính phủ vẫn chưa đưa ra quyết định. SII đã yêu cầu cấp 400 triệu USD để tăng công suất sản xuất vacccine Covishield lên 100 triệu liều/tháng vào cuối tháng 5.

Bên cạnh đó, một số nhà phân tích cho rằng với mức giá 2 USD/liều vaccine mà chính phủ trả cho SII, thay vì 3,30 USD theo yêu cầu, SII có rất ít lợi nhuận hoặc không có lợi nhuận để đầu tư vào năng lực sản xuất mới.

Nghịch lý nhà sản xuất vaccine lớn nhất thế giới phải vật lộn tiêm chủng cho người dân - Ảnh 4.

Một tấm biển thông báo hết vaccine được treo trước cổng một trung tâm tiêm chủng ở Mumbai, Ấn Độ. Ảnh: AP

Một lý do khác dẫn đến tình trạng thiếu hụt vaccine hiện nay là chính phủ quá tin tưởng vào hai loại vaccine nội địa mà không đẩy nhanh việc phê duyệt các loại vaccine nước ngoài, chẳng hạn như vaccine Pfizer, Moderna và Sputnik V của Nga.

“Tại sao không tin tưởng vào một loại vaccine đã được chấp thuận tại một quốc gia tiên tiến?”, kiến trúc sư Vikram Bakshi tại Mumbai nói. “Thật đáng thất vọng khi chính phủ đã không thực hiện một số phép tính vaccine đơn giản sớm hơn để nhận ra rằng hai loại vaccine hiện có sẽ không đủ cho dân số của chúng ta. Chúng ta đã mất quá nhiều thời gian ”.

Cho đến hôm 13/4, Ấn Độ mới muộn màng quyết định sẽ nhập khẩu vaccine. Trong đó, Sputnik V sẽ là loại vaccine được chuyển đến nước này sớm nhất. Việc chờ đợi những loại vaccine khác sẽ lâu hơn vì các nhà sản xuất còn phải đáp ứng đơn đặt hàng của nhiều chính phủ khác.

Cho đến nay, Ấn Độ đã tiêm vaccine cho trên 115 triệu người trong tổng số 1,4 tỷ dân. Hàng triệu người Ấn Độ chưa được tiêm mũi thứ 2 đang lo lắng không biết họ có được tiêm đủ vaccine hay không. Theo các nhà phân tích, với tốc độ này, đến cuối năm 2023, Ấn Độ mới có thể tiêm chủng cho người dân toàn quốc. Điều này có nghĩa là nhà sản xuất vaccine lớn nhất thế giới có thể trở thành một trong những nhà sản xuất vaccine cuối cùng hoàn thành tiêm chủng cho người dân của mình.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại