4 lý do khiến khách VIP ngân hàng dễ mất tiền hơn khách thường
Gần đây, sự việc phó giám đốc Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) chi nhánh TP HCM Lê Nguyễn Hưng rút 245 tỉ đồng tiền tiết kiệm của khách hàng rồi bỏ trốn ra nước ngoài được dư luận đặc biệt quan tâm. Sự việc vẫn chưa ngã ngũ, trong khi phía khách hàng yêu cầu ngân hàng bồi hoàn số tiền đã mất thì Eximbank lại khẳng định sẽ chờ phán quyết của tòa án mới quyết định trả lại tiền cho khách.
Dư luận dõi theo sự việc càng nóng khi đây không phải lần đầu khách hàng khóc mếu vì tiền tiết kiệm gửi ngân hàng "không cánh mà bay". Nhiều người bắt đầu lo lắng về việc bảo đảm tài sản, tiền của ký gửi tại ngân hàng hiện nay, đặc biệt khi họ gửi một khoản tiền lớn, lên tới hàng trăm tỉ đồng.
Chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu.
Liên quan đến sự việc tại Eximbank, chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu đánh giá đây là sự cố đáng tiếc nhưng chỉ có tính riêng lẻ, không thể hiện sự yếu kém của toàn hệ thống. Dẫu vậy, nếu không kịp xử lý, trám lỗ hổng của những hành vi gian lận, phạm pháp, những sự cố tương tự có thể diễn biến phức tạp hơn, nhất là khi các phương thức thanh toán điện tử, ủy quyền ngày càng phổ biến.
"Những quan ngại của người dân, đặc biệt là khách hàng VIP (những khách hàng gửi số tiền tiết kiệm lớn) hiện nay là chính đáng, bởi không ai khác, khách hàng chính là con mồi béo bở cho các hoạt động phạm pháp, cho hành vi trục lợi, gian lận của nhân viên ngân hàng và họ cũng phải chịu ảnh hưởng nặng nề nhất về quyền lợi khi sự việc tương tự như ở Eximbank xảy ra.
Tâm lý người phạm pháp, nếu cố tình lừa gạt, họ sẽ chọn cá lớn", vị chuyên gia thẳng thắn nhấn mạnh.
Vị chuyên gia chỉ ra rằng, nguyên nhân của những vụ việc tương tự như Eximbank bắt nguồn từ nhiều yếu tố nhưng có thể kể đến việc bản thân khách VIP không chỉ là đối tượng bị nhắm tới, mà họ vô tình mở cánh cửa cho nhân viên ngân hàng thực hiện hành vi phạm pháp.
Thực tế việc khách hàng VIP vì muốn tiết kiệm thời gian và kín đáo gửi tiết kiệm nên việc ưu tiên lựa chọn giao dịch tại nhà hay tại cơ quan là không hiếm.
Vì là đối tượng mang lại nhiều nguồn thu lớn cho ngân hàng nên khách VIP có những đặc quyền, ưu đãi đặc biệt như không cần trực tiếp mang tiền đến quầy để giao dịch mà ủy quyền cho lãnh đạo chi nhánh hoặc phòng giao dịch thực hiện toàn bộ các giao dịch gửi, rút tiền, hay mời nhân viên ngân hàng đến phục vụ tại gia chính, ký hàng loạt thủ tục giấy tờ trước thời hạn…
Khi gặp thêm yếu tố "đánh mẻ cá lớn" của nhân viên có chủ đích lừa đảo, thì việc khách hàng nếm trái đắng mất tiền của là có thể xảy ra, giống như vụ việc "bốc hơi" 245 tỉ đồng tại Eximbank.
"Tin tưởng ở ngân hàng thì tốt, nhưng phải kiểm soát chặt chẽ"
Nhìn nhận đa chiều sự việc tại Eximbank, chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu khẳng định, bản thân khách hàng cần có trách nhiệm với tài sản của chính mình. Ông cho rằng, việc tin tưởng vào ngân hàng là chính đáng nhưng quan trọng là cần kiểm soát tài sản của chính mình.
Khi mở tài khoản, chuyển tiền hay khi thực hiện giao dịch với ngân hàng, trước hết, khách hàng hãy đến chi nhánh, phòng giao dịch nhân hàng trong giờ làm việc để đảm bảo giao dịch được xác nhận bởi kiểm soát viên, hay nhập vào hệ thống dữ liệu kế toán của ngân hàng tức thì.
Không nên để bất kỳ nhân viên ngân hàng, thậm chí là lãnh đạo đến tư gia phục vụ các hoạt động giao dịch, ký chứng từ. Người đến giao dịch có thẩm quyền hay không. Đó là điều mà khách hàng cần xác nhận khi làm việc cùng.
Ngoài ra, theo vị chuyên gia này, khách hàng nên kiểm tra, theo dõi các hoạt động giao dịch tài khoản ít nhất một lần trong tháng.