Nghịch lý chiến tranh VN: Mỹ tuyển lính nhỏ bé, loại người to cao

Quyết Thắng |

Chiến tranh Việt Nam có lúc đã buộc lính Mỹ phải tuyển người nhỏ bé mà không thèm đếm xỉa đến những người cao to, lực lưỡng.

Trang bị tối tân bị khuất phục bởi sự sáng tạo của người Việt

Bước vào cuộc chiến tranh ở miền Nam với tư cách một siêu cường hàng đầu thế giới, nước Mỹ tin rằng ưu thế vượt trội về khoa học kỹ thuật sẽ dễ dàng đè bẹp Việt Nam nhỏ bé, hàng chục năm gồng mình trong chiến tranh.

Hàng loạt trang thiết bị quân sự từ máy bay, tàu chiến, xe tăng, pháo binh … ồ ạt được vận chuyển đến miền Nam Việt Nam, biến đây thành nơi tập trung toàn bộ những vũ khí hiện đại nhất của Mỹ.

Theo ước tính, chiến tranh Việt Nam là cuộc chiến có chi phí khổng lồ trong lịch sử thế giới, chỉ xếp sau Thế chiến II.

Song, nước Mỹ đã nhầm, trước sự sáng tạo và kiên cường của nhân dân Việt Nam, ưu thế về khoa học kỹ thuật quân sự của người Mỹ không đủ để giành chiến thắng và dần mờ nhạt.

Chiến tranh Việt Nam đã trở thành một cuộc chiến hoàn toàn khác biệt so với những cuộc chiến tranh mà nước Mỹ từng nghiên cứu.

Các địa đạo khổng lồ của quân và dân miền Nam dày công xây dựng là một trong những sáng tạo khiến cả thế giới phải ngã mũ khâm phục.

Những địa đạo này đã tạo ra một không gian tác chiến mới có lẽ lần đầu tiên Mỹ được nếm trải, ta gọi nó là “cuộc chiến dưới lòng đất”.

Củ Chi, Vịnh Mốc, Nhơn Trạch, Khe Trái, Vĩnh Linh, Tam giác sắt… là những địa chỉ thép của cả nước thời kháng chiến chống Mỹ. Địa đạo thời chống Mỹ có thể coi là sự tiếp bước truyền thống của những chiến hào Điện Biên Phủ.

Ban đầu Mỹ dựa vào máy xúc, xe tăng, dùng hơi ngạt, bơm nước, bộc phá, lựu đạn... và tin rằng dễ dàng tiêu diệt được quân dân Việt Nam trong những địa đạo.

Nhưng chúng đâu ngờ rằng địa đạo được thiết kế vững chãi, chịu được tải trọng của xe tăng và bộc phá, chia thành nhiều ngách, ngăn khác nhau nên không bị ảnh hưởng bởi hơi ngạt, ngập nước..


Lính Mỹ sử dụng hơi ngạt hòng tiêu diệt du kích trong các địa đạo

Lính Mỹ sử dụng hơi ngạt hòng tiêu diệt du kích trong các địa đạo

Thậm chí, việc lính Mỹ bơm nước vào địa đạo còn trở thành một giai thoại vui.

Đó là, trong khi Mỹ tưởng du kích sẽ chết ngạt thì du kích lại hoan hỉ vì được lính Mỹ cho một bữa tắm mát mẻ, bởi đường hầm được thiết kế thông với sông nên nước bơm vào địa đạo như nước bỏ biển.

Nhanh chóng nhận ra rằng ưu thế về vũ khí trang bị không thể thắng nổi sự kiên cường và sáng tạo của quân dân Việt Nam, Mỹ đã buộc phải đổi chiến thuật.

Đội quân bé nhỏ và mơ tưởng lớn lao của Mỹ

Mất nhiều binh lính và phương tiện mà không tài nào tiêu diệt được các địa đạo, Mỹ đã gạt đi ưu thế về vũ khí, tuyển chọn một đội quân chuyên dùng để săn lùng trong các địa đạo. Đội quân này được mệnh danh là “Chuột cống đường hầm” (Tunnel Rat).


Phù hiệu và trang bị của lực lượng Chuột cống đường hầm

Phù hiệu và trang bị của lực lượng Chuột cống đường hầm

Tất nhiên, các địa đạo đều được thiết kế nhỏ bé vừa với tầm vóc người Việt nên những lính Mỹ to cao không thể nào xoay xở được.

Điều đó buộc lính Mỹ phải tuyển lựa toàn những kẻ nhỏ bé và nhanh nhẹn vào đội quân này mà loại đi những người to cao lực lưỡng. Đây có lẽ là một nghịch lý hiếm gặp trước đây đối với quân đội Mỹ.

Lực lượng Chuột cống có nhiệm vụ dò tìm đường hầm, đặt thuốc nổ phá hủy hầm. Trang bị của lính chuột cống là súng lục M1911 và đèn pin.

Song, điều oái oăm là không gian hẹp khiến súng ngắn M1911 trở thành nỗi khiếp sợ của lính chuột cống, bởi tiếng nổ lớn có thể làm ù tai họ.

Và thật không đơn giản như cách người Mỹ nghĩ về những địa đạo của Việt Nam. Các địa đạo như một mê cung dưới lòng đất và được bố trí đầy rẫy những cạm bẫy.


Lực lượng Chuột cống đường hầm xuống địa đạo tìm du kích Việt Nam

Lực lượng Chuột cống đường hầm xuống địa đạo tìm du kích Việt Nam

Chung quanh cửa hầm lên xuống được bố trí nhiều hầm chông, hố đinh, gài mìn chống bộ binh, có cả mìn lớn chống tăng và mìn định hướng chống trực thăng đổ bộ. Thậm chí còn bố trí những lỗ bên thành hầm để chọc lao, dao, v.v.. vào kẻ xâm nhập.

Chông, mìn được thay đổi vị trí từng ngày. Ngay cả quân dân ta, mỗi người cũng chỉ nắm được sơ đồ trong một khu vực nhất định mà nhiều đoạn địa đạo cho đến ngày hôm nay vẫn là bí mật.

Chỉ tính riêng các loại chông thì du kích Việt Nam đã tạo ra không dưới chục loại chông và bẫy. Có thể kể tên như hầm chông bẫy cọp, chông thò, chông hòm, chông trục xoay, chông bổ, chông cánh, chông cần cối, chông nách, chông bồ cào…


Những hầm chông trong các địa đạo là ám ảnh kinh hoàng của lính Chuột cống đường hầm

Những hầm chông trong các địa đạo là ám ảnh kinh hoàng của lính Chuột cống đường hầm

Trong mê cung địa đạo, lính chuột cống nhanh chóng sa vào những chiếc bẫy chết người. Các chiến dịch càn quét với quy mô lớn nhằm nhổ tận gốc các địa đạo của quân dân miền Nam như tuyên bố của Mỹ nhanh chóng thất bại.

Lính chuột cống bỏ mạng trong các địa đạo trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng của lính Mỹ.

Quân và dân ta với lương thực thực phẩm dự trữ, các cửa hầm bí mật để tiếp tế cầm cự với địch cả tháng trời. Hàng đêm lại “từ dưới đất chui lên” gài mìn, rải chông, gieo rắc nỗi sợ cho lính Mỹ.


Địa đạo Củ Chi như một mê cung và vô số những cạm bẫy sẵn sàng chôn vùi đội quân Chuột cống đường hầm

Địa đạo Củ Chi như một mê cung và vô số những cạm bẫy sẵn sàng chôn vùi đội quân Chuột cống đường hầm

Để chứng minh cho điều này, có thể lấy trận càn Cedar Falls nhằm vào “Tam giác sắt” năm 1967 của quân Mỹ làm dẫn chứng:

Lực lượng tham gia gồm 30.000 tên và hơn 400 xe tăng, 80 tàu chiến, trên 100 khẩu pháo cùng đủ loại máy bay, máy ủi, đội quân “Chuột cống” và gần 2.000 con chó săn.

Đây được xem là trận càn với lực lượng lớn nhất của Mỹ trong lịch sử chiến tranh Việt Nam.

Sau 2 tháng chiến đấu ngoan cường, địa đạo “Tam giác sắt” vẫn trụ vững, quân dân địa đạo Tam giác diệt 3.500 tên địch, 130 xe tăng và thiết giáp, 28 máy bay.

(Địa đạo “Tam giác sắt” vẫn chưa được xác định chính xác quy mô. Có giả thiết cho rằng Tam giác sắt là vùng Tây Nam Bến Cát, cũng có thể bao gồm phần đất Tây Nam Bến Cát – Dầu Tiếng – Long Nguyên.

Rộng hơn nữa, có ý kến cho rằng nó kéo dài từ Long Nguyên (Bến Cát-Bình Dương) – Trảng Bàng (Tây Ninh) và huyện Củ Chi (TP.HCM)”.

Đội quân chuột cống đường hầm với tiêu chí nhỏ bé nhanh nhẹn không gánh nỗi mơ tưởng lớn lao của Mỹ là nhổ tận gốc các địa đạo của quân dân Việt Nam.

Sự thất bại của “chuột cống đường hầm” đã chứng tỏ một điều: Không chỉ ưu thế khoa học kỹ thuật quân sự mà ngay cả yếu tố con người của lính Mỹ cũng đã phải khuất phục trước sự kiên cường và sáng tạo của của con người Việt Nam.

Các địa đạo vẫn ở đó, vững chãi như chính niềm tin của cả dân tộc Việt Nam cho đến ngày toàn thắng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại