Nghịch lý chiến tranh: B-52 lâm nguy vì phi công Mỹ quá thuộc bài

Quyết Thắng |

Trong trận “Điện Biên Phủ trên không”, Mỹ đã vạch ra một chiến thuật được cho là hoàn hảo. Nhưng nghịch lý thay, vì phi công Mỹ quá thuộc bài mà những chiếc B-52 lại lâm nguy.

Chiến thuật hoàn hảo của người Mỹ

Chiến dịch “Linebacker II”, do Mỹ tiến hành từ ngày 18/12 đến 30/12/1972, đã diễn ra hết sức ác liệt.

Mỹ coi đây là đòn chiến lược cuối cùng hòng bẻ gãy ý chí chiến đấu của dân tộc Việt Nam và cứu vãn thất bại của Mỹ ở miền Nam Việt Nam. Nhưng chiến thắng của quân dân Việt Nam trên bầu trời miền Bắc đã gây chấn động trên toàn thế giới.

Trong ván bài cuối cùng này, nước Mỹ đã đưa con át chủ bài là máy bay ném bom chiến lược B-52 thay cho loại máy bay chiến thuật đã sử dụng trước đây.

Để chuẩn bị cho chiến dịch, Mỹ đã ra sức thu thập tin tức tình báo, phân tích về đặc điểm địa hình, từ đó huy động những bộ óc chiến tranh hàng đầu của quân đội Mỹ nhằm đưa ra một chiến thuật tập kích được coi là hoàn hảo.

Tin tưởng vào chiến thuật hoàn mỹ này, Mỹ đã coi cuộc tập kích vào miền Bắc chỉ như “một cuộc dạo chơi”.


B-52 là con bài cuối cùng của Mỹ hòng cứu vớt thất bại ở Việt Nam

B-52 là con bài cuối cùng của Mỹ hòng cứu vớt thất bại ở Việt Nam

Để đảm bảo thực hiện một cách chính xác, “chiến thuật hoàn hảo” đã được vạch ra. Trước khi vào chiến đấu, toàn bộ phi công cũng như lính Mỹ đã được huấn luyện một cách bài bản.

Thời gian, địa điểm, hướng bay, độ cao, những hành động diễn ra tại từng tọa độ… phải được ghi nhớ và thực hiện một cách chính xác.

Tất nhiên chiến thuật này đã được phân tích, tính toán một cách kỹ lưỡng để các máy bay vừa tránh được tổn thất từ hệ thống phòng không của Việt Nam mà vẫn đảm bảo ném bom vào mục tiêu vào đã xác định từ trước.

Chiến thuật này còn bao gồm các phương án tác chiến điện tử nhằm đảm bảo cho máy bay Mỹ trở nên vô hình với radar của Việt Nam. Các thiết bị phá sóng, gây nhiễu, nghi binh được Mỹ tiến hành liên tục.

Trong số các phương án này, máy phóng nhiễu giấy bạc được sử dụng một cách thường xuyên. Nhiễu giấy bạc được các tốp máy bay bay trước phóng ra, tạo thành một hành lang nhiễu an toàn để B-52 mặc sức tung hoành.

Tất nhiên, đường bay được thay đổi phương án theo từng đêm. Nhưng có lẽ nghịch lý lại bắt đầu từ chiến thuật tưởng chừng như hoàn hảo này.


Máy bay chuyên gây nhiễu EA-6B của Mỹ

Máy bay chuyên gây nhiễu EA-6B của Mỹ

Nghịch lý từ việc quá thuộc bài của phi công Mỹ

Việc các tốp máy bay khác nhau cứ lặp đi lặp lại trên một đường bay phần nào đã tạo điều kiện cho phòng không Việt Nam có điều kiện bắt bài và đón lõng.

Trong nhiều trường hợp, dải nhiễu bị gió thổi tạt đi, các phi công cũng không được phép thay đổi đường bay để lợi dụng sự thay đổi này, họ luôn luôn phải bay theo đường đã được định sẵn.

Có một số lý do để giải thích cho hành động “kỳ quặc” trên.

Đó là do mục tiêu đánh phá chủ yếu là Hà Nội và Hải Phòng, những khu vực có diện tích tương đối nhỏ, trong khi tần suất xuất hiện của máy bay khá dày đặc, do đó việc thay đổi đường bay có thể gây ra va chạm.

Nhưng lý do cốt yếu chính là sự tin tưởng vào “chiến thuật hoàn hảo” của người Mỹ, trong đó đã có sự hỗ trợ tối đa của các thiết bị tác chiến điện tử tối tân.

Để minh chứng cho điều này, hãy xem chính người Mỹ nói về nguyên nhân thất bại của B-52 trên bầu trời Hà Nội:

Năm 1977, Drenkowski - cựu phi công B-52 của Mỹ viết trên tạp chí US Airforce rằng, 3 nguyên nhân hàng đầu dẫn đến thất bại là quá trình oanh tạc nhỏ giọt từng đợt, thiếu yếu tố bất ngờ và thiếu sự linh hoạt trong chiến thuật.

Nói về yếu tố bất ngờ, Drenkowsky nói mọi chiếc B-52 đều phải bay vào và bay ra theo đường bay của chiếc đầu tiên ở cùng 1 độ cao và tốc độ.

Viên phi công viết: “Mỗi đêm, khi chiếc B-52 đầu tiên bay qua thì các trắc thủ đối phương có thể biết chính xác chiếc B-52 tiếp theo sẽ bay tới vị trí nào”.

Nói về yếu tố thiếu linh hoạt, khi dải nhiễu đã bị gió thổi tạt đi, các phi công vẫn không được phép điều chỉnh đường bay vào mục tiêu để lợi dụng dải nhiễu này.

Năm 1979, cuốn The Vietnam War của John T. Greenwood đã thêm một lần nhấn mạnh đến vấn đề này: Các đêm 18, 19, 20/12, gió thổi mạnh đã thổi bạt sợi nhiễu ra khỏi các hành lang trước khi máy bay B-52 kịp tới. Chính đó là yếu tố khiến số B-52 bị hạ gục gia tăng.

Qua một số phân tích trên, chúng ta thấy rằng chính sự chính xác một cách máy móc của phi công Mỹ đã gây ra nghịch lý khá oái ăm là phòng không Việt Nam đoán được hướng bay và có được thời gian để bố trí, chuẩn bị những phương án sẵn sàng hạ gục B-52.

Nhưng đó chỉ là một yếu tố rất nhỏ chứ không hoàn toàn quyết định, bởi với người Mỹ, máy phóng bạc gây nhiễu cũng chỉ là một trong các phương án tác chiến điện tử.

Các máy phát sóng gây nhiễu của B-52 và các máy bay tác chiến điện tử đi ngoài đội hình lẫn trong đội hình còn gây trở ngại hơn nhiều.

Các tên lửa chống radar Shrike sẵn sàng gây ra các tổn thất lớn nếu như Việt Nam không có những phương án đối phó một cách dũng cảm, linh hoạt....


Máy phóng rải nhiễu chỉ là một trong nhiều phương án tác chiến điện tử của Mỹ

Máy phóng rải nhiễu chỉ là một trong nhiều phương án tác chiến điện tử của Mỹ

Không quân Mỹ dùng máy bay tác chiến điện tử EB.66, được gọi là “nhà máy điện tử di động” trên không với 16 loại máy điện tử. Chỉ với khoảng 3 đến 5 chiếc EB.66 đã có thể gây nhiễu trắng hầu hết các màn hình radar của Việt Nam.

Ngoài các máy bay chuyên dùng để gây nhiễu, mỗi chiếc B-52 được trang bị 2 máy phóng gây nhiễu bạc và 15 máy phát gây nhiễu.

Một tốp B52 gồm 3 chiếc, tổng cộng có 45 máy tạo thành nhiễu dày đặc. mỗi máy chứa 450 bó nhiễu, mỗi bó có hàng vạn sợi kim loại. Khi được tung ra, nó sẽ phủ kín cả đội hình B52 trong một thời gian nhất định.

Còn với bộ đội việt Nam, lợi dụng sự lặp lại hành trình của B-52 hàng đêm cũng chỉ là một yếu tố nhỏ và mình nó không đủ để làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ trên không lẫy lừng.

Hàng loạt những biện pháp đối phó, từ thu thập thông tin tình báo, đến kỹ thuật vạch nhiễu tìm thù, nghi binh lừa máy bay địch, cải tiến chống nhiễu cho tên lửa, sử dụng phương pháp bắn phù hợp với tình trạng nhiễu… được hé lộ gần đây đã khiến cả thế giới phải bất ngờ.


Cẩm nang bìa đỏ Cách đánh B-52 của Bộ đội tên lửa là một trong những minh chứng cho sự mưu trí, sáng tạo của Việt Nam

Cẩm nang bìa đỏ "Cách đánh B-52" của Bộ đội tên lửa là một trong những minh chứng cho sự mưu trí, sáng tạo của Việt Nam

Chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không” tiếp nối chiến thắng Điện Biên Phủ 1954 để khẳng định lại một lần nữa rằng, vũ khí hiện đại không phải là yếu tố quyết định chiến thắng. Chỉ dựa vào ưu thế khoa học kỹ thuật là không đủ.

Sự đoàn kết, mưu trí, dũng cảm và ý chí kiên cường của cả dân tộc khao khát độc lập, hòa bình mới chính là sức mạnh làm nên chiến thắng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại