Trong tâm trí của mọi người, trí tưởng tượng về hình dạng của chiếc xe hơi tương lai đã thay đổi. Từ bỏ các bánh răng phức tạp và động cơ chạy bằng nhiên liệu liên tục gầm rú, thay vào đó người dùng có thể vươn tay bấm các nút cảm ứng trên màn hình, để chiếc xe chạy điện có thể vận hành không người lái.
Và những thay đổi to lớn trong thị trường nhân sự của ngành công nghiệp ô tô đang phản ánh phần nào những điều tưởng tượng đó, khi các tài năng được săn đón trong ngành đã thay đổi từ một kỹ sư thiết kế xe sang một kiến trúc sư thuật toán và phần mềm.
Một vài năm trước, nhiều sinh viên và các bậc cha mẹ của họ tưởng tượng rằng sau khi tốt nghiệp ngành cơ khí ô tô, họ sẽ có cơ hội vào làm trong một công ty ô tô và đó sẽ là một "vị trí vàng".
Nhưng thời thế đã thay đổi. Giờ đây, các lập trình viên về thuật toán mới là những vị khách quý được săn lùng của ngành công nghiệp xe năng lượng mới. Và khi các hãng xe điện liên tục mọc lên thì ngoài cuộc chiến vốn, một cuộc chiến nhân tài cũng đã chính thức bắt đầu.
Hãy nhìn vào Trung Quốc, thị trường xe điện được xem là sôi động nhất thế giới trong những năm gần đây. Bên cạnh ba thương hiệu xe điện đầu tiên là Weilai, Xiaopeng và Ideal, một loạt những cái tên mới đã nhảy vào thị trường như Baidu, Didi, Xiaomi, Huawei, Midea... Và khi các trường cao đẳng và đại học tại đây vẫn chưa có các chuyên ngành về năng lượng mới và ô tô thông minh, thì các nhân tài có kinh nghiệm phù hợp đương nhiên sẽ trở thành miếng mồi ngon để các bên tranh đoạt.
Và cách thu hút dễ dàng nhất là dựa vào tài chính. Nhiều công ty sản xuất ô tô năng lượng mới đã đưa ra mức lương cao để thu hút nhân tài. Một số công ty săn đầu người cho biết đối với các vị trí như CEO và các nhân tài cấp cao, các công ty tuyển dụng đã tuyên bố rõ ràng rằng "không có giới hạn trần về mức lương hàng năm". Và một vị trí như vậy có thể kiếm được hơn 1 triệu USD tiền lương hàng năm.
Xiaomi, vào ngày 16/6 vừa qua, cũng đã công bố một số thông tin tuyển dụng về lĩnh vực lái xe tự hành trên trang web chính thức của mình. Chúng bao gồm 20 vị trí liên quan tới nền tảng dữ liệu, cơ sở hạ tầng phương tiện, bản đồ độ chính xác cao và thuật toán radar siêu âm. Có thể nói, nhu cầu tuyển dụng nhân tài đã trở nên vô cùng mang tính cấp thiết.
Theo các dữ liệu về việc làm, chỉ tính trong quý đầu tiên của năm 2021, số lượng việc làm mới trong lĩnh vực xe điện tại Trung Quốc đã tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 103,53%. Còn trong ngành công nghiệp ô tô, nhu cầu về nghiên cứu và phát triển lái xe tự hành, thiết kế buồng lái thông minh, kỹ sư phần mềm, bán hàng, trải nghiệm người dùng và các vị trí khác đã tăng hơn 1,8 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Đồng thời, mức lương trong ngành này cũng tăng mạnh. Theo thống kê, mức lương trung bình hàng tháng mà các nhà sản xuất ô tô năng lượng mới đưa ra là khoảng 2.300 USD, tăng 21,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Đặc biệt đối với một số vị trí liên quan đến thuật toán lái xe tự hành, mức lương hàng năm thậm chí có thể lên tới hơn 150.000 USD.
Xia Yiping, CEO của Jidu, công ty xe nặng lượng mới của Baidu, đã thẳng thắn cho biết trong 100 ngày gần đây, công ty luôn trong tình trạng "vừa sửa máy bay vừa lái máy bay". Đầu tháng 3, nhóm nòng cốt chịu trách nhiệm khám phá hướng đi của sản phẩm chỉ có 4, 5 người, nhưng nay đã có hơn 100 nhân viên được tuyển dụng chính thức.
Cũng trong thời gian gần đây, thị trường nhân sự Trung Quốc chứng kiến hàng loạt màn nhảy việc của các CEO trong lĩnh vực xe hơi, từ các hãng xe truyền thống sang hãng xe năng lượng mới. Vào tháng 6, cựu phó chủ tịch kiêm giám đốc tiếp thị và bán hàng của Dongfeng Renault đã gia nhập Baoneng Motor với tư cách là phó chủ tịch tập đoàn. Trước đó vào tháng 5, CEO bộ phận xe điện của Ford Trung Quốc và là người phụ trách dự án xe điện Mustang Mach-E, xin nghỉ việc với các suy đoán ông có thể sẽ gia nhập Xiaomi. Trước đó vào tháng 4, cựu phó chủ tịch kiêm giám đốc tài chính của Geely Holding Group, gia nhập China Express với tư cách là giám đốc tài chính.
Ngoài những thay đổi ở cấp độ cao, nhiều nhân tài cũng đang có xu hướng đổ về các công ty sản xuất xe thông minh. Một kỹ sư hiện đang thực hiện dự án lái xe không người lái trong một công ty công nghệ cho biết, sau khi ra trường, anh về đầu quân cho một công ty ô tô truyền thống. Nhưng nội dung công việc luôn không đạt yêu cầu và mức lương thấp. Nhưng khi nhu cầu thị trường thay đổi, anh đã được tuyển dụng sang nơi mới với mức lương cao hơn.
"Nếu tôi thay đổi công việc một lần nữa, tôi sẽ chọn một công ty trong linh vực xe năng lượng mới, hoặc một công ty Internet, không vì lý do gì khác, kiếm nhiều tiền hơn là được", anh chia sẻ.
Nhưng ở một mặt đối lập, nhiều sinh viên cơ khí phàn nàn về việc khó tìm việc làm và lương thấp. Những cảm nhận này là đúng, bởi vì các công ty xe hơi truyền thống thậm chí đang thực sự thu hẹp việc kinh doanh hoặc thậm chí không tuyển dụng.
"Tôi tốt nghiệp ngành kỹ thuật xe trường top và đầu quân cho một công ty ô tô truyền thống. Mức lương thấp hơn nhiều so với những bạn học cấp 3 bình thường đang làm ở một công ty ô tô thông minh. Tâm lý của tôi có chút mất cân bằng", một nhân sự trong ngành cho biết.
Trước đó vào tháng 9/2019, FAW-Volkswagen, một liên doanh giữa FAW Group và Volkswagen Group để sản xuất xe du lịch hiệu Audi và Volkswagen để bán tại Trung Quốc, thông báo rằng họ sẽ tạm thời không tuyển sinh viên tốt nghiệp ngành kỹ thuật ô tô, cơ khí và các chuyên ngành ô tô khác trong đợt tuyển dụng năm 2020 của trường.
Còn theo "Báo cáo việc làm của sinh viên đại học năm 2020" do Viện Nghiên cứu Việc làm Trung Quốc và Công ty Tuyển dụng Zhaolian công bố, ngành ô tô xe máy đứng thứ 9 trong các ngành có tình hình việc làm kém cho sinh viên tốt nghiệp đại học.
Ngành công nghiệp ô tô ở Trung Quốc từng phát triển rực rỡ. Một chuyên gia săn đầu người cho biết thời điểm rực rỡ nhất của thị trường nhân sự này là vào khoảng năm 2010. Những sinh viên mới tốt nghiệp có thể vào các tập đoàn như SAIC Group và có thể kiếm ít nhất 20 tháng lương mỗi năm. Còn hiện nay, sinh viên cơ khí ô tô không còn là nhân tài cần thiết nhất cho các công ty ô tô. Mức thu nhập thấp và không còn được săn đón khiến nó cũng không còn là lựa chọn hàng đầu của các sinh viên.
Yang Luoen, hiện đang học thạc sĩ về kỹ thuật cơ khí ở Trung Quốc, và từng là sinh viên ngành kỹ thuật xe chia sẻ: "Tôi có 40 bạn học đại học. Tỷ lệ việc làm tương ứng cho các công việc cơ khí chẳng đáng bao nhiêu?".
Theo ông, xu hướng chung của ngành công nghiệp ô tô đang đòi hỏi những tài năng về Internet và phần mềm, cũng như những tài năng liên ngành khác. Và các kỹ sư cơ khí, dù có mong muốn chuyển đổi hướng đi, cũng không phải việc dễ dàng.
Bởi những điều này cần phải tự học. Vì các khóa học tại các trường cao đẳng và đại học ở Trung Quốc hiện nay về cơ bản cũng không liên quan đến các định hướng năng lượng mới và lái xe thông minh. Trong khi đó, sinh viên cần phải học tập và thực hành để có được những kiến thức và kỹ năng này.
"Có một sự chậm trễ giữa thế giới học thuật và ngành công nghiệp", Yang chia sẻ, cũng là lý do tại sao anh muốn bù đắp việc này bằng cách tiếp tục theo học ở trình độ cao hơn.
Ngành công nghiệp ô tô truyền thống Trung Quốc có thể nói là đang phải đối mặt với tình thế tiến thoái lưỡng nan khi bị xói mòn từ mọi phía. Khi làn sóng sản xuất phương tiện năng lượng mới đầu tiên xuất hiện ở Trung Quốc cách đây 5 năm, việc hình thành một đội "cơ khí" cơ bản để chế tạo phương tiện cũng rất quan trọng. Các nhân sự hàng đầu của họ về lĩnh vực này bị kéo đi. Giờ đây, trong cuộc tranh giành mới về cả nhân sự và thị trường, họ cũng ở thế yếu.
Trong khi đó, một số công ty xe điện thậm chí đã quyết định tự mình đào tạo các tài năng cho mình thông qua việc xây dựng và thành lập các trung tâm R&D. Không ít công ty như Xiaopeng Motor thậm chí "đào góc tường" được cả chuyên gia kỹ thuật của các ông lớn như Tesla.
Hồi tháng 2, Ideal Automobile thông báo sẽ thành lập một trung tâm nghiên cứu và phát triển tại Thượng Hải, tập trung nghiên cứu và phát triển công nghệ lái xe tự động và công nghệ buồng lái thông minh thế hệ tiếp theo. Hiện tại, việc tuyển dụng của trung tâm này đã bắt đầu, dự kiến sẽ có hơn 2.000 nhân viên. Thương hiệu Weilai cũng có những hành động tương tự.
Gần đây, một nhân sự giấu tên tại một công ty ô tô năng lượng mới đã tiết lộ với giới truyền thông Trung Quốc rằng: "Một số công ty ô tô năng lượng mới đã bước vào một vòng cạnh tranh mới. Nhu cầu về nhân tài tập trung ở các kỹ sư kiến trúc điện tử, kỹ sư lái xe tự hành và kỹ sư buồng lái thông minh..."
Có thể nói, những mâu thuẫn kỳ lạ đã xuất hiện trong thị trường việc làm ngành ô tô Trung Quốc. Một mặt, sự lựa chọn tàn nhẫn của thị trường khiến sinh viên và các trường đại học loay hoay tìm hướng đi mới phù hợp. Mặt khác, chính các công ty xe điện cũng rất thụ động. Mức lương cao ngất ngưởng để thu hút nhân tài sẽ làm tăng chi phí, cùng các cuộc tranh giành công khai và bí mật cũng đặt ra câu hỏi liệu giá trị của các nhân tài có liên quan có bị thổi phồng lên hay không.
Tham khảo ifeng