Khi còn đi học, ai cũng nghĩ về tương lai đi làm với mức lương ổn định, có tiền tiết kiệm hàng tháng để làm những gì mình muốn. Vậy sau 1 năm, 3 năm hoặc 5 năm đi làm, các bạn đã tiết kiệm được bao nhiêu tiền rồi?
Nếu là người biết quản lý chi tiêu tốt, hẳn sẽ có một số dư đáng mơ ước trong tài khoản. Thế nhưng cũng có không ít người lại lựa chọn cách sống đến đâu,hay đến đó. Bởi thực tế, sinh sống ở các thành phố lớn, chi phí cứ tăng đều mỗi ngày chỉ có mức lương là mãi đứng yên một chỗ. Nên không phải ai cũng lên được một kế hoạch chi tiêu hoàn hảo để vừa sống thoải mái lại có khoản dư.
Nhưng đã bao giờ các bạn nghĩ, một ngày nào đó mình sẽ bỏ thành phố, di chuyển đến một nơi không quá đắt đỏ để sinh sống chưa? Khi ấy, bạn dự định sẽ “dắt túi” số tiền bao nhiêu để có thể chuẩn bị ổn thoả cho cuộc sống mới?
Nếu vẫn chưa có câu trả lời, thử xem những “người thật, việc thật” họ mang theo kinh phí bao nhiêu để bắt đầu hành trình ở một nơi xa thành phố. Có thể về quê, có thể ra đảo nhưng điểm chung của họ đều là mạnh dạn nghỉ việc, từ bỏ mức thu nhập ổn định và cứ thế rời xa đô thị tấp nập.
Cầm 20 - 100 triệu về quê trồng rau vẫn đầy bỡ ngỡ
Có 3 năm kinh nghiệm bỏ phố về quê, Tô Văn Lộc hiện đang sống ở Thái Bình cho hay thời gian đầu cũng rất đắn đo, phải chuẩn bị từ tinh thần đến kinh tế. Bởi anh chàng lớn lên tại TP.HCM, cuộc sống sinh hoạt không liên quan gì đến nông thôn nên việc bỏ phố về quê, xây dựng một khu vườn riêng là điều khó tưởng.
Trước khi về quê, Văn Lộc là ông chủ nhỏ của một gian hàng kinh doanh thời trang và đồ thủ công tại một TTTM ở quận 1 (TP.HCM). Số tiền mà anh chàng mang về quê là hơn 20 triệu đồng. Tuy nhiên anh chàng cho biết trong 6 tháng đầu tiên, bản thân chỉ sống như một du khách nên cảm thấy mọi thứ vẫn thích thú, vui vẻ. Còn sau 1 năm, Văn Lộc thừa nhận mọi thứ khó khăn, chật vật hơn và bắt đầu phải nghĩ “làm gì để sống ở quê”.
Còn đối với Vân Lam (SN 1993), cô gái quê Đồng Tháp, sinh sống tại TP.HCM 10 năm lại quyết định lên Đà Lạt tìm đất trồng rau. Theo đó, năm 2019, Vân Lam gom hết tiền tiết kiệm, vay thêm bạn bè và người thân được khoảng 100 triệu rời thành thị. Ban đầu chưa làm vườn, Lam vẫn ở trong thành phố. Nhưng khoảng nửa năm, khi dịch bệnh ập đến, số tiền 100 triệu chỉ còn lại 1/3 nhưng vẫn chưa làm được gì.
Vân Lam
Sống ở Đà Lạt, Vân Lam cho hay các chi phí sinh hoạt hàng ngày như thuê nhà, ăn uống ở đây khá cao nên sẽ “bị khớp” thời gian đầu vì làm không đủ tiêu, không có dư cũng như không có tích cóp. Khó duy trì cuộc sống tại thành phố, với số tiền 1/3 còn lại, Vân Lam tiếp tục vay mượn, cô có được khoảng hơn 100 triệu để đi thuê đất, trồng rau làm vườn.
Không tiền tiết kiệm, chỉ có vài triệu trong tay vẫn tự tin “bỏ phố”
Đó là trường hợp của Lê Huyền (SN 1999, quê Phú Thọ) hiện đang sống tại đảo Phú Quý (Bình Thuận). Cô bạn chia sẻ, trước khi bỏ phố ra đảo từng có một công việc ổn định với mức thu nhập đáng mơ ước từ 15 - 20 triệu/tháng. Tuy nhiên, Lê Huyền cũng cho hay bản thân là người không giỏi tiết kiệm cũng như cân đối chi tiêu. Chính vì vậy thời điểm ra đảo, cô bạn chỉ có đúng 12 triệu trong tài khoản, không có thêm chi phí dự phòng nào.
Lê Huyền ra đảo sống với 12 triệu, không có thêm khoản dư nào
Ở ngoài đảo 2 tháng, Lê Huyền tiêu gần như hết sạch số tiền đem theo. Dẫu vậy, cô bạn vẫn giữ một tinh thần vô tư, lạc quan vì quan niệm chỉ cần có sức khỏe là có thể tự kiếm được công việc ra tiền ngay tại đảo. Ở đảo Phú Quý, Lê Huyền thỉnh thoảng nhận làm hướng dẫn viên du lịch. Ngoài ra, cô cũng nhận làm thêm các công việc tự do để có thêm thu nhập duy trì cuộc sống tại đảo.
Bằng tuổi Lê Huyền, Trần Thị Kim Út cũng có một quyết định khiến nhiều người bất ngờ. Sau khi tốt nghiệp khoa Báo chí trường Đại học KHXH&NV - ĐHQG TP.HCM, cô bạn may mắn tìm được công việc đúng chuyên ngành với mức lương khoảng 10 triệu/tháng. Tuy nhiên sau 2 năm làm việc, Kim Út muốn đặt ra thử thách cho bản thân, lựa chọn nghỉ việc, về quê hương Quảng Nam sinh sống.
Kim Út
Nghỉ việc lương ổn định, Kim Út quyết định về quê với vài triệu trong tay
Khi đưa ra quyết định, cô bạn không suy nghĩ quá nhiều. Kinh tế cũng không dư dả nên Kim Út chỉ “dắt túi” vài triệu để về quê. Mặc dù vậy nhưng Kim Út cũng có chung quan điểm với Lê Huyền. Cô bạn cho rằng mức sống ở quê không đắt đỏ như thành phố, nhà có gì ăn đó, rau củ, gà vịt ngoài vườn có đủ nên không cần vốn liếng. Bên cạnh đó, Kim Út cũng làm thêm các công việc như sáng tạo nội dung trên MXH về cuộc sống ở quê hay nhận làm vài việc tự do để duy trì thu nhập.
Nguồn: Tổng hợp