Một số nguồn tin nắm rõ tình hình cho biết, Nhà Trắng quyết định thông qua thỏa thuận cung cấp chiến đấu cơ cho Qatar để đảm bảo rằng quốc gia này sẽ ký kết hợp đồng mua máy bay thương mại trị giá khoảng 18,6 tỷ USD với Boeing.
Theo tờ Defense One, quyết định của Nhà Trắng vào cuối tháng 9 vừa qua về việc cung cấp cho Qatar và Kuwait các máy bay chiến đấu F-15 đã "mở đường" cho hãng hàng không Qatar Airways đặt mua máy bay thương mại của hãng Boeing.
Trước đó, thỏa thuận F-15 đã bị trì hoãn hơn 2 năm do Israel - đồng minh thân cận của Mỹ lo ngại rằng những vũ khí đó sẽ được sử dụng để chống lại họ. Các quan chức Mỹ, Israel và một số nước khác từng lên tiếng cáo buộc Qatar hậu thuẫn cho các nhóm khủng phố và các nhóm đối lập với Israel.
Máy bay chiến đấu F-15 Eagle
Theo thông báo, thỏa thuận cung cấp máy bay chiến đấu đã được chính phủ Mỹ thông qua hôm 28/9 và thỏa thuận giữa hãng Qatar Airways và Boeing được công bố hôm 7/10, tức chỉ hơn 1 tuần sau đó.
Trong cuộc họp báo tại Washington DC, khi được hỏi về mối liên hệ giữa 2 thương vụ này, Giám đốc điều hành Akbar Al Baker của hãng Qatar Airways đã trả lời rằng: "Qatar Airways có chính sách độc lập trong việc đặt mua máy bay. Vì vậy, không có mối liên quan nào ở đây".
Tuy nhiên, câu trả lời của ông Baker vẫn chưa thể xóa bỏ những nghi ngờ hiện nay.
Tờ Flight Global cho biết, Qatar đã đề nghị mua 36 chiếc F-15 trị giá gần 4 tỷ USD, kèm khả năng mua thêm 36 chiếc nữa. Còn Kuwait đặt mua 28 chiếc F/A-18 E/F Super Hornet trị giá 3 tỷ USD, kèm khả năng nâng số lượng lên tới 40 chiếc.
Theo Boeing, thỏa thuận máy bay thương mại với Qatar Airways, gồm 30 chiếc 787-9 Dreamliner và 10 chiếc 777-ER trị giá khoảng 11,7 tỷ USD. Ngoài ra, hãng này còn gửi tới Boeing một bức thư khác, trong đó đề nghị cung cấp thêm 60 chiếc 737 MAX 8 (6,9 tỷ USD), nâng tổng giá trị hợp đồng lên 18,6 tỷ USD.
Đáng chú ý là, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Tony Blinken, cựu phó cố vấn an ninh quốc gia cho Tổng thống Mỹ Barack Obama, cũng có mặt tại cuộc họp báo ở DC.
Defense One cho hay, thỏa thuận của Qatar đã bị trì hoãn trong thời gian Mỹ đàm phán gói viện trợ an ninh kéo dài 10 năm (2018-2028), có tổng giá trị lên tới 38 tỷ USD với Israel.
Tháng Hai năm nay, theo phản ánh của Defense News, Israel đã phản đối thương vụ với Qatar và ra điều kiện rằng thỏa thuận viện trợ mới dành cho nước này phải được tăng thêm vài tỷ USD để họ nâng cấp phi đội F-15 của mình.
Thỏa thuận viện trợ mới dành cho Israel - 38 tỷ USD trong vòng 10 năm - là mức viện trợ kỷ lục mà Washington từng thông qua. Tuy nhiên, theo Defense News, quốc gia Do Thái hy vọng sẽ nâng mức này lên tới gần 50 tỷ USD.
Thỏa thuận với Qatar đã xuất hiện kịp thời để "cứu" dây chuyền sản xuất F-15 đã 40 năm tuổi của Boeing. Từ năm 2014, đã có thông tin dây chuyền này thiếu số lượng đơn đặt hàng cần thiết để duy trì hoạt động.
Trong cuộc họp báo hôm 7/10, Ray Conner - Giám đốc điều hành chương trình máy bay thương mại của Boeing cho biết, thỏa thuận với Qatar sẽ tác động tới hơn 100.000 việc làm trên khắp nước Mỹ.