Vượt lên số phận
Dáng người nhỏ, đôi chân co quắp nhưng đôi tay rắn chắc, với thao tác nhanh nhẹn, ông Nguyễn Bá Tân (SN 1958, trú ở xóm 5, xã Bồi Sơn, huyện Đô Lương, Nghệ An) đã làm xong chiếc chổi đót để kịp giao cho khách.
Nở nụ cười hiền, ông kể, năm lên 1 tuổi, ông bị một cơn sốt kéo dài. Bố mẹ đã đưa đi khắp các bệnh viện, kể cả ra Hà Nội. Nhưng rồi ông bà cũng phải gạt nước mắt bế con về quê, với di chứng liệt hai chân. Từ đó, người đàn ông ấy không thể đứng lên bằng đôi chân, việc di chuyển phải nhờ đôi bàn tay và đầu gối.
Ông Nguyễn Bá Tân (SN 1958, trú ở xóm 5, xã Bồi Sơn, huyện Đô Lương, Nghệ An) đi bằng hai tay. Ảnh: Thu Hiền
Không chấp nhận số phận, năm 8 tuổi, cậu bé Tân xin cha mẹ đi học. Trường chỉ cách nhà hơn 1km nên cậu tự bò đi học, trừ những ngày trời mưa là cha mẹ cõng. Hết lớp 7, vì trường quá xa, không thể theo học lên cấp 3, cậu đành chấp nhận nghỉ học. “Để đỡ đần cho cha mẹ, từ nhỏ, tôi đã biết đan lát các vật dụng như thúng, mủng, sàng… cho nhà dùng, mẹ tôi còn đem đi bán kiếm được ít tiền mua bó rau, con cá”, ông Tân kể.
Nghề đan lát không thể nuôi sống bản thân, thanh niên Nguyễn Bá Tân quyết tâm đi học nghề may. Nhà quá nghèo, không có tiền nên anh phải bò đến các nhà may để học mót. Khâm phục nghị lực của anh, mọi người tận tình bày dạy.
Ông Tân làm chổi đót kiếm thêm thu nhập
Thương con, cha mẹ Tân xoay xở đủ đường để mua cho anh một chiếc máy may. Nhưng đôi chân tật nguyền kia không thể dẫm bàn đạp máy may. Theo thời gian, đôi tay của anh nhanh chóng chai sạn vì phải xoay bánh xe máy may. Tiếng lành đồn xa, “hiệu” may của anh Tân nhanh chóng đông khách, và anh đã có thể tự nuôi sống bản thân.
Hạnh phúc của ông Tân
Năm 33 tuổi, chàng thanh niên Nguyễn Bá Tân kết duyên cùng cô thôn nữ Lương Thị Từ, người bạn đồng niên, ở cùng xóm. Cảm thương hoàn cảnh của ông Tân, bà Từ nhận lời làm vợ, cho dù bị gia đình, người thân và bạn bè phản đối. “Thời đó, mọi người phản đối kịch liệt lắm, nhưng tôi gạt ngoài tai. Tôi cảm phục ông ấy vì nghị lực sống, luôn cố gắng vượt lên nghịch cảnh, không bao giờ nề hà gian khó”, bà Từ tâm sự.
Chiếc máy xay bột đã theo ông Tân suốt nhiều năm
Tình yêu kết trái sau một năm kết hôn, cô con gái đầu lòng ra đời. Hạnh phúc ngập tràn. Rồi cô thứ hai, thứ ba lần lượt đến với ông bà. Niềm vui này không gì sánh được. Để có tiền nuôi con ăn học, ông Tân không từ việc gì, miễn là ông có thể làm được. Từ đan lát, may vá, xay bột và cả làm hương trầm nữa.
“Con gái lớn giờ đã lấy chồng, sinh con. Hai cô con gái sau cũng đã tốt nghiệp đại học, đang làm việc ở Hà Nội. Nhìn các con khôn lớn lành lặn là tôi mừng rồi. Vì các con, khổ sở đến mấy, vất vả đến mấy tôi cũng vượt qua. Vì đó là hạnh phúc”, ông Tân nói.
Hai vợ chồng ông Tân vượt qua khó khăn, xây dựng gia đình hạnh phúc
Xã hội càng phát triển, các mặt hàng công nghiệp tràn ngập thị trường, nghề đan lát và may mặc gần như không còn “đất” để duy trì và phát triển, ông Tân buộc phải tìm hướng làm ăn mới. Ông vay vốn mua máy xay bột phục vụ nhu cầu của người dân trong vùng. Thời gian đầu có thu nhập khá nhưng hiện nay nhu cầu đã giảm nhiều.
Khi máy xay bột ít hoạt động, vợ chồng ông Tân quyết định chuyển sang đầu tư phát triển chăn nuôi gà. Ngày ngày, ông giúp vợ thái rau làm thức ăn cho gà. Di chuyển khó khăn nhưng ông vẫn gắng sức làm việc chăm sóc đàn gà, đảm bảo nguồn thu nhập cho gia đình.
Dù có khó khăn, vất vả, ông Tân luôn mỉm cười với cuộc sống.
Tự lập bằng đôi bàn tay trắng với những người bình thường đã khó, đối với người khuyết tật như ông Tân càng khó hơn bội phần. Không buông xuôi, phó mặc cho số phận, ông vẫn kiên cường vượt qua khó khăn.
“Vợ chồng giờ đã già yếu, lại chưa trả hết nợ vay hồi các con học đại học. Dù vậy, tôi chưa một lần hết niềm tin vào cuộc sống. Tôi luôn tâm niệm, còn sức là còn lao động kiếm thêm đồng thu nhập lo cho cuộc sống”, ông Tân chia sẻ.