Các bị cáo trong phiên sơ thẩm. Ảnh: Vnexpress.net
Quyết định này vừa được đưa ra khi xử phúc thẩm vụ Phạm Quang Tiến (56 tuổi, cựu cán bộ Công an TP HCM) bị TAND TP HCM tuyên phạt 8 năm tù về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Hồ sơ vụ án được giao cấp sơ thẩm điều tra, xét xử lại.
Liên quan đến vụ án, bị cáo Trần Thị Diệu Trang (51 tuổi); Nguyễn Vũ Thanh Thủy (47 tuổi); Nguyễn Long (40 tuổi, em trai Thủy) bị cáo buộc tội Môi giới hối lộ và Đưa hối lộ.
Theo hồ sơ, năm 2018, Nguyễn Duy (32 tuổi) bị Công an quận Tân Phú truy bắt khi điều tra vụ trộm, nên gọi điện thoại cho mẹ nuôi là Trang nhờ tìm người "lo thoát tội".
Bà Trang sau đó gọi cho Tiến (bạn của em gái) nhờ giúp đỡ. Tiến đồng ý và cho biết chi phí khoảng 300 triệu đồng. Từ 16 - 19/11/2018, Thủy và Long (chị và anh của Duy) đã hai lần đến khách sạn của bà Trang tại quận Bình Tân đưa 320 triệu đồng. Hai lần giao tiền đều được em dâu Thủy ghi hình làm bằng chứng.
Sau khi nhận đủ tiền, bà Trang gói vào tờ báo đưa Long cầm, cùng đến quán cà phê tại quận 10 gặp Tiến. Tại đây, Long nhờ Tiến giúp Duy và đưa gói tiền. Tuy nhiên, sau hơn một tuần đưa tiền, em trai vẫn bị khởi tố bắt giam nên Thủy và Long tố cáo Trang. Cuối 2019, Duy bị TAND quận Tân Phú tuyên phạt 5 năm tù.
Quá trình điều tra, Tiến khai khi nghe Trang nhờ đã nói "chuyện này phức tạp lắm, đừng dính vào", nhưng bà Trang năn nỉ quá đã gọi điện thoại trao đổi với một kiểm sát viên (KSV) VKSND TP, nhờ giúp. Tiến sau đó cầm gói tiền Long đưa đến giao cho vị KSV ở vườn hoa bên hông trụ sở VKS. Để làm bằng chứng, Tiến gọi điện thoại cho ông này nói về việc nhận và giao tiền đồng thời ghi âm toàn bộ cuộc gọi. Đoạn ghi âm này đã được Tiến nộp CQĐT.
CQĐT cho rằng không có căn cứ xem xét xử lý, bởi trong đoạn ghi âm này Tiến không nói rõ về nguồn gốc số tiền, mục đích và thực tế số tiền đã đưa là bao nhiêu. Trong khi ngoài Tiến không ai biết hoặc từng liên hệ với người này.
Kết luận giám định của Phân viện Khoa học hình sự Bộ Công an về "mẫu tiếng nói của vị KSV do Tiến cung cấp chất lượng kém, không đủ điều kiện để tiến hành giám định". Hơn nữa Tiến cũng không cung cấp được chứng cứ, tài liệu nào khác để chứng minh.
Làm việc với cơ quan điều tra, vị KSV khai quan hệ bạn bè với Tiến trong thời gian làm KSV tại VKSND quận 10, khi đó Tiến làm việc tại Công an quận 10. Đến năm 2013 ông chuyển về VKSND TP làm việc và "suốt thời gian quen biết chưa bao giờ nhận tiền của Tiến" để giúp đỡ cho ai.
Cuối năm 2020, TAND TP xử sơ thẩm, tuyên Tiến 8 năm tù về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Trang 4 năm 6 tháng tù về tội Môi giới hối lộ; Thủy và Long 3 năm 6 tháng về tội Đưa hối lộ.
Trang, Thủy và Long kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và hưởng án treo. Tiến cho rằng hồ sơ còn nhiều uẩn khúc, đề nghị tòa phúc thẩm xem xét lại tội danh vì "không lừa đảo cũng như nhận tiền của ai". Quá trình xử phúc thẩm các bị cáo giữ nguyên quan điểm.
TAND Cấp cao cho rằng, quá trình điều tra Tiến có nhiều lời khai khẳng định, sau khi nhận tiền của người thanh niên (tức Long) tại quán cà phê (không kiểm đếm) đã chạy xe đến VKSND TP HCM đưa cho vị KSV ở vườn hoa bên hông trụ sở rồi ra về nên không biết bao nhiêu tiền. Lời khai này mâu thuẫn với lời khai của người bị tố cáo (không nhận tiền), song CQĐT chưa cho hai bên đối chất.
CQĐT thu giữ tin nhắn Tiến gửi đến số điện thoại vị KSV vào ngày 16/11/2018, nội dung nêu tên 4 người, trong đó có Nguyễn Duy. Người bị tố cáo phủ nhận việc này trong khi dữ liệu online thể hiện điện thoại nhận 6 tin nhắn từ số của Tiến. CQĐT chưa yêu cầu nhà mạng cung cấp các nội dung để làm rõ sự thật khách quan.
Ngoài ra, theo kết luận giám định ngày 12/3/2020, việc không đủ điều kiện để giám định là do "mẫu tiếng nói so sánh của người bị tố cáo chất lượng kém, tiếng nói nhỏ, nội dung lời nói không đúng trọng tâm với mẫu cần giám định" chứ không phải do chất lượng ghi âm của mẫu cần giám định.
Tuy nhiên CQĐT không thu lại mẫu tiếng nói của người bị tố cáo để trưng cầu giám định lại; trong khi đó cáo trạng (ngày 2/10/2020 của VKSND TP) lại xác định kết luận giám định về "mẫu tiếng nói do Tiến cung cấp chất lượng kém, không đủ điều kiện để giám định" là không đúng.
HĐXX phúc thẩm cho rằng tòa sơ thẩm có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm. Việc chưa làm rõ hành vi của vị KSV (người bị cho là nhận tiền "chạy án") sẽ làm ảnh hưởng đến xác định tội danh và hình phạt đối với Tiến và các bị cáo khác. Do đó, các cơ quan tố tụng cần điều tra, xét xử lại vụ án một cách toàn diện.