Nghệ sĩ cải lương đầu tiên có học vị tiến sĩ: 12 tuổi đi hát lót, 14 tuổi tự nhận là "giang hồ"

Tùng Ninh |

"Năm 14 tuổi, tôi bắt đầu đua xe với bọn con trai. Dù còn rất nhỏ nhưng tôi đã lái xe máy để đua nhau ngoài đường" – NSND Bạch Tuyết chia sẻ.

Tài năng bộc lộ từ sớm, 16 tuổi đã làm đào chính

NSND Bạch Tuyết tên thật là Nguyễn Thị Bạch Tuyết, sinh năm 1945 tại An Giang, trong một gia đình có truyền thống học hành.

Theo đó, bên nội nhà Bạch Tuyết thuộc dòng học hành, khoa bảng. Mọi người sợ Bạch Tuyết hư hỏng nên cho bà vào học nội trú, trường dòng. Tại đó, cứ đến giờ, các thầy và sơ lại kêu Bạch Tuyết đứng lên bục ngâm thơ cho cả lớp nghe. Tài năng ca hát và năng khiếu sân khấu của Bạch Tuyết được phát triển từ đó và dần có tiếng trong trường.

Nghệ sĩ cải lương đầu tiên có học vị tiến sĩ: 12 tuổi đi hát lót, 14 tuổi tự nhận là giang hồ - Ảnh 1.

NSND Bạch Tuyết

Mỗi dịp giáng sinh, Bạch Tuyết đều được đóng thiên thần rồi nhảy múa hát ca. Ngày đó, cô bé Bạch Tuyết thấy môi trường xung quanh đẹp quá nên xin đi tu nhưng lại bị nhà bắt về.

Cơ duyên dẫn Bạch Tuyết đến với cải lương diễn tình cờ và tự nhiên. Tại trường học, Bạch Tuyết quen một cô bạn có ba làm ở ban đờn ca tài tử, chuyên diễn cho các công chức nghe.

Thứ 7 hàng tuần, các học sinh thường về nhà, riêng Bạch Tuyết chẳng có ai đón. Cô bạn đó thấy thế mới bảo: "Mày về nhà tao chơi đi, ở trường làm gì cho buồn".

Về nhà, ba của cô bạn hỏi Bạch Tuyết: "Con có biết hát không, hát thử bác nghe". Bạch Tuyết nghe vậy liền hát theo tiếng đàn một bài. Vừa hát xong, ba của cô bạn tỏ ra bất ngờ, thốt lên: "Con này có triển vọng đấy".

Ngay lập tức, mọi người trong ban đờn ca tài tử bảo nhau cho Bạch Tuyết lên hát ở đài phát thanh. Nhờ đó, nữ nghệ sĩ có được bước ngoăt sự nghiệp đầu tiên.

Vì từng hát ca, ngâm thơ tại trường nên Bạch Tuyết khá dạn sân khấu. Tới đài phát thanh, bà tự tin cất giọng và hát được vài ba chương trình thì báo bắt đầu đăng về bà, viết rằng: "Có một con chim lạ bay vào làng nghệ thuật".

Tới năm Bạch Tuyết 16 tuổi, có một đoàn hát của các doanh nghiệp được lập lên. Cô đào chính trong đoàn biết Bạch Tuyết nên tới nhà xin ba bà cho đi hát cùng. Thậm chí, để tạo lòng tin, cô đào đó còn nhận Bạch Tuyết làm con nuôi. Từ đó, Bạch Tuyết bước chân và nghiệp diễn và là trường hợp hiếm hoi vừa đi hát đã được làm đào chính.

Mẹ mất sớm nên cô đơn và nổi loạn

Như vậy, qua các thông tin đại chúng, ai cũng nghĩ Bạch Tuyết vào nghề năm 16 tuổi và có một con đường trải đầy hoa hồng. Nhưng ít ai biết, Bạch Tuyết từng phải đi hát lót từ năm 12 tuổi tại các phòng trà. Nhà Bạch Tuyết khi ấy có một người chú làm ban nhạc rất giỏi.

Nghệ sĩ cải lương đầu tiên có học vị tiến sĩ: 12 tuổi đi hát lót, 14 tuổi tự nhận là giang hồ - Ảnh 3.

NSND Bạch Tuyết thời trẻ (phải)

Nhận ra tài năng ca hát của cô cháu gái, người chú đó cho Bạch Tuyết đi hát trước giờ ca sĩ chính tới. Nhờ những năm tháng đi hát phòng trà đó, Bạch Tuyết đã tôi luyện được nhiều kinh nghiệm để đứng trên sân khấu sau này.

Bạch Tuyết kể lại, từ thời điểm đó bà đã kiếm được tiền, hát mỗi bài xong, tiền nhận về đủ may một chiếc áo dài. Bởi vậy nên bà vừa hát vừa mong ca sĩ chính khoan tới để được hát nhiều bài.

Nhưng vì gia đình gia giáo, không cho đi hát nên Bạch Tuyết thường phải lén đi. Bà cắp một bộ đồ, giả vờ sang nhà bạn chơi rồi lẻn đi hát. Nhiều hôm hát xong thấy mặt có son đẹp quá nên tiếc không dám chùi, thành ra về nhà bị phát hiện, ăn đòn.

Mẹ Bạch Tuyết mất sớm nên bà có tuổi thơ rất cô đơn. Bà từng tiết lộ trên kênh Youtube chính thức: "Năm 14 tuổi, tôi bắt đầu đua xe với bọn con trai. Dù còn rất nhỏ, nhưng tôi đã lái xe máy để đua nhau ngoài đường. Nói chung, tôi giang hồ lắm, 14 tuổi đã đua xe.

Tôi giang hồ như vậy vì mẹ mất sớm, buồn vô cùng. Người mẹ kế chỉ lo cho con bà ấy, không bao giờ lo cho tôi. Tôi cô đơn nên thành ra như thế. Bởi vậy nên bây giờ thấy các bạn trẻ đua xe ngoài đường, tôi cảm thông lắm".

Dù nổi loạn như thế, nhưng chỉ cần ngồi nói chuyện một lúc là Bạch Tuyết lại khóc vì nhiều tâm tư, tình cảm. Bà chia sẻ, bên trong chẳng có gì, cô đơn nên mới muốn nổi loạn.

Ngoài ca hát, Bạch Tuyết còn theo đuổi sự nghiệp học hành. Năm 1995, bà bảo vệ luận án Tiến sĩ với đề tài "Sự thích nghi của nghệ thuật sân khấu dân tộc cổ truyền của các quốc gia Đông Nam Á" và trở thành tiến sĩ nghệ thuật Cải lương đầu tiên của Việt Nam.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại