Nghệ sĩ, hầu như ai cũng làm từ thiện. Có những người làm thầm lặng. Có những người làm phải cho cả thế giới biết. Một phần vì họ muốn lòng mình thanh thản. Một phần vì họ được Tổ cho quá nhiều nên muốn chia sẻ với những người nghèo, bởi cho đi là còn mãi.
Không phải ai cũng tham cầu việc từ thiện của mình phải đăng báo hay livestream cho cả xã hội biết nhưng có những chuyện tế nhị, chỉ người trong cuộc mới hiểu. Đằng sau hai chữ "từ thiện" khó khăn vô cùng.
"Nó giàu mà, cứ làm nhà bự đi, không lẽ nó về, nó lại không cho tiền"
Ca sĩ diễn viên Hồ Minh Quang - học trò ruột của danh hài Minh Nhí tâm sự, có lần anh tự bỏ tiền túi ra để xây nhà tặng một người đàn ông mù lớn tuổi, sống một mình tại Cà Mau.
Anh chạy xe xuống tận Cà Mau thăm người đàn ông này, và quyết định tặng 30 triệu đồng để người này xây nhà mới trên cái nền nhà cũ dột nát, với diện tích 3m x 6m.
Ít lâu sau, theo hẹn, anh xuống thăm lần thứ hai để chắc chắn rằng nhà được xây như đã bàn thì thấy diện tích nhà được cơi nới rộng ra thành 3m x 11.5m. Chi phí vì thế đội lên thành 41 triệu. Mặc dù không hài lòng nhưng anh vẫn bấm bụng hứa sẽ cho đủ con số đó.
Không ngờ, lần thứ 3 xuống để kiểm tra và trao tiền, anh bất ngờ khi diện tích nhà tự động được làm rộng ra thành 3m x 15.2m. Chi phí đội lên 50 triệu đồng.
Ca sĩ diễn viên Hồ Minh Quang tự bỏ tiền ra xây nhà tặng người nghèo, nhưng lại bị họ nói phũ: "Nó giàu mà, cứ làm nhà bự đi, không lẽ về, nó lại không cho tiền". Hay "đã làm phước thì làm cho trót"... Nghe vậy, anh rất buồn lòng.
Ca sĩ diễn viên Hồ Minh Quang giãi bày: "Tôi buồn lắm. Mình chửi thì khẩu nghiệp nhưng thật sự là thấy ấm ức trong lòng. Người nghèo không phải ai cũng hiền lành, cam phận. Có những người rất tham. Họ bảo "Nó giàu mà, cứ làm nhà bự đi, không lẽ nó về, nó lại không cho tiền".
Ông ấy bị chòm xóm xúi giục rồi làm lớn, làm lớn. Không cho thì mình áy náy mà cho thì thật tâm là mình không vui. Thế nhưng, tôi vẫn bóp bụng cho đủ 50 triệu.
Lúc đưa 50 triệu, tôi nói thẳng: "50 triệu này là hết nghe chú. Chú còn nghe lời ai cất thêm cái này, làm thêm cái kia thì chú tự bỏ tiền túi ra, chứ con không cho hơn được nữa. Đây là lần thứ 3 rồi".
Thật sự, mình không muốn nói vậy nhưng nếu không nói thì mai mốt hoàn thiện nhà, lại đội lên 70, 80 triệu thì mình phải làm sao. Hàng xóm của chú đó, nghe tôi nói vậy thì trách móc. Họ bảo "Giàu mà tiếc mấy đồng bạc. Đã làm phước thì làm cho trót".
Làm từ thiện phức tạp lắm, phải đúng người đúng việc không là bị mang tiếng. Tôi nghĩ, xem như kiếp trước mình nợ người ta. Mình cứ sống cho tốt đi, ông trời tự khắc có an bài".
Dù rất buồn vì gặp chuyện như vậy nhưng ca sĩ, diễn viên Hồ Minh Quang vẫn không từ bỏ tâm ý làm thiện nguyện. Anh bảo, sắp tới, anh sẽ tìm những xã nghèo, vùng sâu vùng xa để làm thẻ bảo hiểm tặng cho những hộ nghèo.
Đã từ nhiều năm nay, Hoàng Mập thích tự bỏ tiền ra làm từ thiện theo khả năng của mình, một cách thầm lặng chứ không tham gia câu lạc bộ hay nhóm từ thiện nào.
Từ thiện ngày càng bị bóp méo
Hoàng Mập là một trong những nghệ sĩ rất chịu khó làm từ thiện. Dù vậy, hiếm khi thấy Hoàng Mập hô hào, kêu gọi mọi người quyên góp. Cũng như một số nghệ sĩ khác, anh thích làm thầm lặng và bằng chính túi tiền của mình để... khỏi gặp những phiền phức không đáng có.
Hỏi anh, tại sao lại như vậy, Hoàng Mập bộc bạch: "Chừng 10 năm trước, tôi đi làm từ thiện nhiều lắm. Tôi đi tới tận doanh nghiệp, ngồi chầu chực để xin quà cho người nghèo. Nhưng bây giờ tôi không còn hứng nữa.
Ngày xưa, tôi từng xin được mấy xe tải sữa nước ngoài cho người nghèo ở vùng biên giới. Sữa đó mắc tiền lắm, hơn 1 triệu 1 hộp.
Theo quy định của Mỹ, sữa còn hạn sử dụng 6 tháng mà chưa bán được là phải đem về tiêu hủy. Nếu vậy thì chi phí vận chuyển, tiêu hủy rất tốn kém. Họ thấy vậy nên cho tôi làm từ thiện. Họ quy số sữa đó ra thành tiền rồi yêu cầu tôi ký vào.
Vụ đó, mọi người bảo tôi bị lừa. Họ lấy cái hóa đơn có chữ ký đó của tôi để làm báo cáo thuế gian lận cuối năm. Tôi cứ nghĩ hoài, vậy mình đúng hay sai? Cuối cùng, tôi phải tự an ủi mình rằng, ít ra, người nghèo cũng có sữa uống.
Có lần, người ta mời tôi đi diễn từ thiện. Tôi nhận lời. Tới nơi mới biết là chương trình do một bà Việt kiều bỏ tiền ra làm để con bà ấy được hát trên sân khấu. Vì bà ấy là Việt kiều, xin giấy phép khó khăn nên núp bóng một tổ chức từ thiện làm chương trình.
Chúng tôi chuẩn bị lên diễn thì bà đó ra chửi xối xả bảo "Tôi bỏ tiền ra làm chương trình này để con tôi được hát. Mấy người có chi đồng nào đâu mà được hát". Biết mình bị lợi dụng, tôi bực quá bỏ về.
Sau nhiều chuyện, tôi biết, hiếm có ai làm từ thiện trong sáng. Chỉ những người tự bỏ tiền mình ra làm là trong sáng, còn đội, nhóm, câu lạc bộ... đều có vấn đề hết. Quanh năm, họ chỉ ăn rồi đi từ thiện thì ai từ thiện để nuôi họ?
Nghe ở đâu có hoàn cảnh khó khăn, anh rủ vài người bạn thân thiết đi cùng.
Ngay cả những người tự mình đi làm từ thiện, xây nhà, xây cầu đường... thì tiền đó cũng phải có nhiều người quyên góp vô, chứ không phải một mình họ chi hết. Họ phải livestream để báo cho những người góp tiền rằng, họ có làm chứ không ăn chỗ đó. Phải đăng báo để "trả" hình ảnh cho nhà tài trợ.
Bởi từ thiện càng ngày càng bị bóp méo nên tôi thích tự làm. Có nhiều cho nhiều, có ít cho ít, tùy theo sức của mình chứ không đi xin ai hết. Không có tiền thì tôi đãi mấy người già bán vé số, mời mấy đứa nhỏ ăn xin ăn dĩa cơm sườn, tô phở cũng đủ để lòng mình thanh thản rồi.
Tôi ưa ăn sáng ở chợ Thiết. Mỗi lần ra đó ăn sáng, tôi hay mời mấy người già, nhìn khổ sở bán vé số, đi ăn xin ăn sáng rồi mua cho họ mấy tờ vé số, biếu ít tiền. Riết, họ quen tới mức, người này chỉ người kia, dắt người nọ tới càng lúc càng đông. Nhiều hôm, trong túi không có tiền, tôi không dám ra đó ăn, phải đi ăn sáng chỗ khác".