Sự xuất hiện của ChatGPT đã thúc đẩy tạo ra một thị trường việc làm mới, nơi các công ty đang ráo riết tìm kiếm "kỹ sư nhắc lời" (một số nơi gọi là "kỹ sư ra lệnh"). Đáng nói, công việc này không nhất thiết yêu cầu ứng viên phải có bằng kỹ sư máy tính.
Theo Bloomberg, nhiệm vụ của các kỹ sư nhắc lời là "đào tạo" AI để chúng tạo ra kết quả tốt hơn, bằng cách biên soạn câu hỏi hoặc các đoạn văn bản cho chatbot AI để kiểm tra và tùy chỉnh câu trả lời của chúng.
Hơn một chục hệ thống ngôn ngữ trí tuệ nhân tạo, gọi là mô hình ngôn ngữ lớn (LLM), đã được các công ty như Alphabet Inc. (công ty mẹ của Google), OpenAI và Meta Platforms Inc.. tạo ra.
Công nghệ mới đã nhanh chóng được chuyển từ thử nghiệm sang ứng dụng thực tế. Ví dụ, Microsoft đã tích hợp ChatGPT vào công cụ tìm kiếm Bing và công cụ phát triển phần mềm GitHub.
Nguồn ảnh: Daily Mail
Trong bối cảnh công nghệ này đang nở rộ nhanh chóng, nhiều công ty nhận thấy họ cần tới một đội ngũ nhân viên có thể tăng cường tính chặt chẽ cho những kết quả mà AI tạo ra.
"Thường thì bạn sẽ thấy các kỹ sư nhắc lời đến từ những chuyên ngành như lịch sử, triết học, hoặc tiếng Anh bởi công việc này giống như chơi chữ. Bạn phải tìm cách chắt lọc để diễn đạt ý nghĩa hoặc đặc tính cơ bản của một điều gì đó bằng một số lượng từ hạn chế" - Albert Phelps, kỹ sư nhắc lời tại Mudano – công ty con của công ty tư vấn Accenture ở Leytonstone (Anh) cho hay.
Phelps, 29 tuổi, từng theo học chuyên ngành lịch sử tại Đại học Warwick gần Birmingham (Anh) trước khi trở thành cố vấn cho các ngân hàng như Clydesdale Bank và Barclays Plc. Tuy nhiên, sau một cuộc trò chuyện tại Viện Alan Turing – viện trí tuệ nhân tạo do chính phủ Anh tài trợ, Phelps đã được truyền cảm hứng để nghiên cứu về AI. Giờ đây, anh trở thành kỹ sư nhắc lời tại Accenture.
Hiện Phelps dành phần lớn thời gian trong ngày viết câu hỏi hoặc lời nhắc cho những công cụ như ChatGPT. Anh cho biết, một ngày làm việc thông thường của kỹ sư nhắc lời là thực hiện khoảng 50 tương tác với ChatGPT hoặc các sản phẩm khác do công ty đặt hàng.
Nguồn ảnh: Brain Inside
Theo Bloomberg, hiện vẫn còn quá sớm để xác định xem nghề "kỹ sư nhắc lời" sẽ trở nên phổ biến như thế nào. Mô hình này từng xuất hiện vào năm 2017, khi các nhà nghiên cứu tạo ra những LLM "được huấn luyện từ trước", có thể thích ứng với nhiều loại nhiệm vụ, chỉ cần bổ sung đầu vào là các văn bản từ con người.
Trong năm ngoái, các LLM như ChatGPT đã thu hút hàng triệu người dùng. Các công ty như Anthropic – một công ty khởi nghiệp do Google hậu thuẫn, đã quảng cáo mức lương lên tới 335.000 USD (gần 8 tỷ đồng)/năm cho vị trí "kỹ sư nhắc lời" ở San Francisco.
Công ty đánh giá tài liệu tự động Klarity ở California đưa ra mức thấp hơn nhưng cũng đạt 230.000 USD (gần 5,4 tỷ đồng) cho vị trí kỹ sư máy học, với yêu cầu là "nhắc và hiểu cách tạo ra kết quả tốt nhất" từ các công cụ AI.
Đáng nói, vượt ra bên ngoài thế giới công nghệ, bệnh viện nhi đồng Boston và công ty luật Mishcon de Reya ở London gần đây cũng đăng tuyển vị trí kỹ sư đào tạo AI mới.
Thậm chí giờ đây, người ta có thể mua bán các lời nhắc văn bản thông qua thị trường PromptBase. Điều này cho phép các công ty thuê kỹ như nhắc lời để tạo lời nhắc riêng có tính phí.
Mark Standen, người điều hành bộ phận nhân sự về trí tuệ nhân tạo, máy học và tự động hóa tại nhà cung cấp dịch vụ tuyển dụng và nhân sự đa quốc gia Hays cho hay: "Đây có lẽ là thị trường công nghệ thông tin phát triển nhanh nhất mà tôi từng chứng kiến trong 25 năm làm việc".
Dù vậy, một số chuyên gia nhận định rằng những công việc như "kỹ sư nhắc lời" có thể rơi vào cảnh "sớm nở tối tàn", không phải là nghề nghiệp hấp dẫn về lâu dài.