Nghe chuyện ông ngoại quý cháu hơn vàng mười, con gái về ở cữ không phải động tay việc gì, bạn sẽ thấy hạnh phúc khi mình còn bố

BEE |

Những lời nói cưng nựng yêu thương, những cử chỉ lo toan mang tên "ông ngoại" trong câu chuyện của người mẹ trẻ dưới đây đang khiến hội bỉm sữa không khỏi xúc động, nhớ đến bố của mình.

Trong cuộc đời này, ngoài cha mẹ thì ông bà chính là những người thương yêu chúng ta nhất, dù tình yêu ấy được thể hiện theo một cách nghiêm khắc hay bao dung, ân cần dìu dắt hay chỉ im lặng dõi theo.

Chẳng cần nói khi lớn lên mà ngay từ tấm bé, ông bà đã là những người luôn luôn yêu chiều cháu hết mực.

Người ta thường nhắc đến nhiều hơn về tình yêu thương, sự chăm sóc ân cần của bà dành cho cháu, bởi trẻ nhỏ cần nhất sự cẩn thận, tỉ mỉ và nhẹ nhàng.

Thế nhưng tình yêu thương của ông dành cho cháu cũng vô bờ không kém mặc dù đàn ông vốn vẫn được coi là vụng về, thô ráp.

Như mới đây, trên một group kín dành cho các mẹ, một người mẹ trẻ đã đăng đàn khoe tâm sự về ông ngoại chăm cháu cực khéo khiến ai "đi ngang" qua cũng phải ấn nút "thả tim".

Trong bài viết của mình, ông ngoại hiện lên dù vẫn "thô ráp" như bình thường, thế nhưng, lại vô cùng dịu dàng, ấm áp. Không chỉ dỗ cháu ngủ, ông ngoại còn cho cháu ăn, chơi với cháu, thậm chí là tắm rửa cho cháu nữa.

Thậm chí, nếu có ai hỏi ông đồ nội hay ngoại đấy, ông đều cười tươi: "Hàng xịn đấy ông ạ", mặt vẫn cười rạng rỡ như Tết về.

Rồi có ông, chỉ cần nhờ ông bế cháu, dù đang đọc dở quyển sách, hút dở điếu thuốc, ông cũng vội vàng để đấy để bế lấy đứa cháu bé bỏng.

Thế nên, khi bình luận về những bức ảnh này, nhiều mẹ đã không ngần ngại để lại những lời bình luận ấm lòng: "Có ông ngoại là có mùa xuân".

Không chỉ đăng ảnh khoe ông ngoại chăm cháu khéo, mẹ Trần Trinh còn xúc động kể lại: "Người đàn ông với cái tên Ông ngoại.

Ai hỏi ông đồ nội hay ngoại đấy, ông đều cười tươi: "Hàng xịn đấy ông ạ". Rồi mọi người lại trêu, bé thì nó ở đây thôi, lớn nó về nhà nội máu mủ nó hết.

Ông ngoại cứ cười tươi tay vẫn bế cháu. Đi làm về, ông đều gọi hỏi xem cháu ông đang ngủ hay thức, rồi vội vàng thay quần áo rửa chân tay. "Đâu cháu ông đâu, ra ông bế nào".

Dù mới đi làm về mệt mỏi, dù đang đeo kính đọc báo hay còn dở tay xem sổ sách, mà mẹ cháu ẵm cháu ra đưa ông, thì chỉ trong 1 nốt nhạc ông đã cất hết đồ nghề và 2 tay sẵn sàng: "Đâu cháu ông đâu, ra ông nào".

Nghe chuyện ông ngoại quý cháu hơn vàng mười, con gái về ở cữ không phải động tay việc gì, bạn sẽ thấy hạnh phúc khi mình còn bố - Ảnh 1.

Lời tâm sự của người mẹ trẻ đã khiến nhiều người rưng rưng xúc động. (Ảnh chụp màn hình)

Ông ngoại, người đàn ông yêu thương mẹ cháu hết mực, giờ đến cháu. Đêm hay ngày, chỉ cần nghe thấy cháu khóc, là ông từ đâu quát: "Làm sao đấy". Rồi một mạch chạy đến ẵm cháu, rong rong rồi đưa bà ngoại "để cho mẹ nó ngủ".

Về ngoại từ ngày con tròn 1 tháng giờ con 3 tháng 11 ngày, con sắp về nội, ngày nào ông cũng bế cháu nhiều hơn, nói chuyện với cháu nhiều hơn. Yêu ông ngoại lắm.

Nhớ ngày trước, ông một mực không đồng ý cho bố mẹ quen nhau yêu nhau, vì sợ con gái lấy chồng xa, người ta bắt nạt, có 1 thân 1 mình, lúc ốm lúc đau ai trông ai nom.

Lúc vợ chồng cãi nhau lấy ai tâm sự. Rồi ông dọa lúc đẻ đái là kệ đấy không ai lên đâu. Thế mà, ngày mẹ cháu gọi điện đã vỡ ối, ông bà tức tốc mang balo quần áo lên viện để chăm.

Mẹ cháu đẻ mổ, ngày thứ 3 nằm viện, ông mang cả thế giới lên cho 2 mẹ con, ông thức cả trưa cả tối đeo kính để tiện hạt dâu cho cháu, hẳn 1 dây dài tha hồ cho cháu của ông đeo đến lúc lớn.

Khi mẹ cháu bị tắc tia sữa, 7h tối ông đi xin lá rồi sao lá đinh lăng, 9h mang lên nhà nội cho mẹ cháu, 10 rưỡi ông vội vã về không muộn. Nhà nội cách nhà ngoại 20km.

Câu chuyện về ông ngoại, bà ngoại có kể thì chắc viết được thành tiểu thuyết. Nuôi con chăm cháu, suốt cuộc đời của ông bà lúc nào cũng chăm lo cho con cho cháu.

Có con rồi mới thấy nỗi cực nhọc của bố mẹ, mới thấy thương bố mẹ nhiều hơn!".

Chỉ vài giờ sau khi đăng tải, những tâm sự xúc động từ đáy lòng của người mẹ trẻ như đang nói hộ nỗi lòng của rất nhiều chị em, đặc biệt là những người làm mẹ, ai cũng xúc động và nhiều người không kìm nổi nỗi nhớ nhà da diết.

Mẹ G.B viết: "Đọc tâm sự của mẹ nó mà mình đã khóc, mình sinh xong thì về nhà ngoại, mẹ mình mất sớm cứ nghĩ sẽ không ai chăm được mẹ con mình vì nhà chồng cũng neo người.

Vậy mà ông ngoại làm từ A - Z từ nấu nướng, giặt giũ cho 2 mẹ con đến bế cháu, trông con cho mình.

Mình nói mình làm ông nhất quyết không cho, ông sợ không kiêng được sau này con gái ông yếu người, bệnh tật.

Nhiều lúc thấy ông bế cháu ngủ rồi ông ngồi ngủ gật, cháu ngủ ở lòng ông rón rén và cơm ăn mà thương nhiều lắm. Nước mắt cứ rơi tự bao giờ".

Nghe chuyện ông ngoại quý cháu hơn vàng mười, con gái về ở cữ không phải động tay việc gì, bạn sẽ thấy hạnh phúc khi mình còn bố - Ảnh 2.

Không chỉ chăm cháu. yêu thương cháu ngoại, ông ngoại còn luôn luôn vỗ về, xót xa cháu mỗi khi nghe thấy tiếng cháu khóc. (Ảnh: NVCC)

Mẹ Y.H cũng thoảng chút bùi ngùi khi nhắc tới ông ngoại: "Nhà mình một tay bé Cún là ông ngoại chăm, bé cũng quấn ông lắm, khóc cứ có ông dỗ mới nín, ông ru mới ngủ, chỉ nói chuyện và cười với ông.

Vậy mà cuối tuần này phải xa ông rồi. Muốn khóc quá".

Bên cạnh những chia sẻ ấm lòng về ông ngoại, hội chị em cũng có người ngậm ngùi, bật khóc bởi với họ, "ông ngoại" là một từ gì đó quá xa xôi. Những người ông này đã không có cơ hội để chơi, để yêu cháu vì đã đi xa mãi mãi.

Mẹ A.T cũng vì thế mà pha chút ghen tị: "Các mom hạnh phúc thế. Con vẫn có ông ngoại bồng bế chăm sóc. Ông ngoại bé nhà mình thì không còn để được ngắm nhìn cháu nào nữa rồi".

Liên hệ với mẹ Trần Trinh (25 tuổi, Hà Nam), người mẹ trẻ tâm sự: "Mình lấy chồng được gần 1 năm rồi, vì nhà ngoại cách nhà nội không quá xa nên mình về đây thường xuyên.

Thời gian nghỉ trước sinh 2 tháng hầu như mình ở ngoại. Cún sinh được 1 tháng thì mình về ngoại chăm đến giờ Cún được hơn 3 tháng rưỡi rồi.

Ông là ông ngoại của con gái mình nên tình cảm của ông dành cho cháu như thế nào thì có lẽ người cảm nhận rõ nhất là con gái. Hầu như thời gian bé thức đều là ông ngoại, bà ngoại ẵm và chơi với bé.

Chưa bao giờ mình nhờ ông việc gì mà ông từ chối cả. Thậm chí, khi ông đang làm việc dở tay, hay đang ăn bát cơm uống chén nước, dở điếu thuốc, ông đều bỏ đấy vội vàng ẵm cháu".

Nghe chuyện ông ngoại quý cháu hơn vàng mười, con gái về ở cữ không phải động tay việc gì, bạn sẽ thấy hạnh phúc khi mình còn bố - Ảnh 3.

Ông ngoại - người đàn ông yêu thương con vô bờ bến và bây giờ đến con của con gái. (Ảnh: NVCC)

Chia sẻ về những kỉ niệm từng khiến bản thân xúc động, người mẹ trẻ ngậm ngùi: "Mình còn nhớ thời gian con mình được hơn 1 tháng, mình bị tắc tia sữa phải để con ở nhà ông bà bế còn mình lên Hà Nội chữa.

Con còn quá nhỏ, ông bà chỉ sợ cháu khóc nên ẵm cháu nhẹ nhàng, đến nỗi ông ẵm cháu nằm trên võng mà cái gối rơi không nhặt được.

Cưng lắm luôn. Buổi tối, ông bà ẵm cháu sang giường ông bà ôm ngủ suốt mấy đêm cho mẹ cháu ngủ ngon giấc. Vì mình chỉ đi ban ngày còn tối lại về để vắt sữa và cho con ti.

Thực sự để mà kể thì đối với mình có lẽ phải ngồi viết cả tiểu thuyết, về ông và cả về bà. Cuối tuần mình về nhà nội mà ông bà ngoại đã buồn và hụt hẫng đến cả tuần nay rồi, lúc nào ẵm cháu cũng nựng cũng thương.

"Về nội rồi đừng khóc con nhé, nằm ngoan cho mẹ con nấu cơm, ăn cơm"; "Cái tay hư này đừng có cho vào mồm ăn tay nhé lại trớ, thương lắm đấy" rồi quay sang dặn mình: "Còn mày, đi lại cho cẩn thận, chóng mặt thì ngồi xuống nghỉ chứ đừng cố để bị ngã, ăn uống cho đầy đủ vào"...

"Lớn lên, rồi lập gia đình và có con mà chưa 1 lần mình dám nói lời cảm ơn hay gửi đến bố mẹ những lời yêu thương nào.

Bao lần hờn dỗi hay làm trái lời bố mẹ là ngần ấy lần bố mẹ tha thứ và vẫn quan tâm yêu thương mình, thực sự đến bây giờ mình mới thấu hiểu được nỗi vất vả và cảm nhận được một phần tình yêu của bố mẹ dành cho con.

Có đôi lúc, mình nghĩ bố mẹ đã dành cả cuộc đời để lo cho mình rồi, giờ ông bà lại chăm cả cháu nữa, đến bao giờ mới đền đáp được công ơn của bố mẹ đây.

Chỉ mong ông bà có sức khỏe, mình thì cố gắng không để bố mẹ bận tâm hay lo lắng phiền lòng gì hết", Trinh tâm sự.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại