Mỏi mắt ngóng phụ cấp
Tại huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An chỉ có xã Quỳnh Thọ được công nhận là xã bãi ngang ven biển đặc biệt khó khăn từ năm 2011. Trường THCS xã Quỳnh Thọ có 28 cán bộ giáo viên (1 giáo viên hợp đồng).
Theo thầy Phan Văn Hòa, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, giáo viên ở đây đang bị thiếu 3 tháng phụ cấp thu hút của năm 2015 gồm tháng 10, 11 và 12.
Khoản phụ cấp ưu đãi tăng thêm theo Nghị định 19, còn thiếu 40% từ năm 2013 đến nay chưa được nhận. “Giáo viên thắc mắc nhiều lắm.
Tôi lên hỏi huyện thì được trả lời khoản thiếu 3 tháng phụ cấp theo Nghị định 116 thì sẽ được cấp bù còn khoản phụ cấp ưu đãi 40% theo Nghị định 19 thì phải chờ”.
Các giáo viên tại trường mầm non và tiểu học thuộc xã này cũng đang “thấp thỏm” chờ nguồn cấp về để được nhận các khoản phụ cấp còn thiếu.
Cô Hồ Thị Lân, giáo viên Trường Tiểu học Quỳnh Thọ có hoàn cảnh gia đình hết sức khó khăn. Chồng là liệt sĩ, mình cô Lân nuôi hai con ăn học, bố mẹ chồng già yếu, nằm một chỗ.
“Khi có thông tin giáo viên công tác tại vùng ven biển đặc biệt khó khăn được nhận các khoản phụ cấp thu hút, ưu đãi, tôi rất mừng.
Đó là nguồn động viên tinh thần và cũng là một khoản tiền để tôi trang trải cuộc sống.
Nhưng tiền phụ cấp đợi từ năm này qua năm khác, chờ đợi đến năm nay đã gần hết “chu kỳ” công nhận xã khó khăn, mà vẫn chưa chi trả đủ khiến giáo viên chúng tôi rất buồn”, cô Lân nói.
Cô Phạm Thị Hồng, Hiệu trưởng Trường tiểu học Quỳnh Thọ cho biết: Giáo viên của trường vẫn đang còn bị thiếu 30% trong tổng số phụ cấp 70% theo Nghị định 116. Còn khoản phụ cấp ưu đãi thêm 35% thì chưa nhận được.
Kế toán nhà trường hỏi cấp trên thì được trả lời là chưa có nguồn cấp về nên tôi chỉ biết động viên các thầy cô chờ đợi.
Bên cạnh đó, các khoản trợ cấp thu hút ban đầu cho giáo viên được thuyên chuyển, điều động từ vùng thuận lợi đến vùng khó khăn theo quy định bằng 10 tháng lương cơ bản cũng chỉ được chi trả nhỏ giọt.
Theo ông Võ Minh Kỳ, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Quỳnh Lưu cho biết: Phòng đã lập danh sách đầy đủ và duyệt cụ thể cho từng giáo viên cũng như nhu cầu của từng trường và gửi Phòng Tài chính kế hoạch.
Phòng GD&ĐT chỉ là đơn vị phối hợp, còn đơn vị chủ trì chi trả các nguồn cho giáo viên là Phòng Tài chính kế hoạch huyện.
Trao đổi sự việc với ông Hồ Anh Thắng, Trưởng phòng Tài chính – Kế hoạch huyện Quỳnh Lưu, chúng tôi được biết: Các khoản phụ cấp thu hút theo Nghị định 116 đã được chi trả cho cán bộ, giáo viên các trường đầy đủ, chỉ thiếu không đáng kể.
Riêng phụ cấp thu hút theo Nghị định 19 thì do trên chưa có nguồn, chưa cấp về cho huyện nên huyện chưa giải quyết cho cán bộ, giáo viên.
Khi nào có nguồn, chúng tôi sẽ theo danh sách của Phòng GD&ĐT cung cấp, chi trả đầy đủ cho từng đối tượng.
Được biết, số tiền nợ giáo viên theo Nghị định 116 và Nghị định 19 ở 3 trường mầm non, tiểu học, THCS xã Quỳnh Thọ chỉ tính riêng trong năm 2014 gần 887 triệu đồng, năm 2015 hơn 3,79 tỷ đồng.
Mỗi nơi chi trả một kiểu
Còn ở thị xã Cửa Lò chỉ duy nhất phường Nghi Tân thuộc diện đặc biệt khó khăn. Đến thời điểm này, hơn 150 giáo viên cả 3 cấp học (mầm non, tiểu học và THCS) phụ cấp 3 tháng cuối của năm 2014 và 2015 vẫn chưa nhận được.
Vì vậy, giáo viên đã viết đơn kiến nghị lên cấp trên và được trả lời là chưa có nguồn khiến nhiều giáo viên vô cùng bức xúc.
Huyện Nghi Lộc có 4 xã thuộc diện ven biển đặc biệt khó khăn. Ông Nguyễn Văn Thông, Trưởng phòng GD&ĐT Nghi Lộc cho biết: “Cán bộ giáo viên công tác tại các địa bàn này đã được chi trả các chế độ phụ cấp thu hút và ưu đãi về trong lương.
Số nợ của năm 2013, 2014 các trường cũng đã được truy lĩnh đầy đủ. Năm 2015 có một số tháng còn thiếu nhưng chúng tôi cũng được thông báo là sẽ có truy lĩnh trong thời gian sắp tới”.
Cô Nguyễn Thị Năm, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nghi Quang (huyện Nghi Lộc) cho biết: “Trường có 29 cán bộ giáo viên đã được nhận phụ cấp.
Hiện chỉ đang thiếu hơn 4 tháng phụ cấp thu hút của năm 2015. Còn từ năm 2015 đến nay, các chế độ giáo viên đã được nhận trong lương”.
Tại Diễn Châu, ông Ngô Quang Long, Trưởng phòng GD&ĐT huyện cho biết: Huyện có 6 xã bãi ngang ven biển khó khăn.
Hiện cán bộ, giáo viên công tác tại 6 xã trên đã được nhận phụ cấp thu hút, chỉ thiếu 10% của 70% thu hút năm 2015. Phụ cấp ưu đãi tăng thêm theo Nghị định 19 đã được nhận truy lĩnh của 2 năm 2013 và 2014, năm 2015 hiện chưa có.
Tổng số tiền còn nợ giáo viên của huyện Diễn Châu là gần 13,5 tỷ đồng gồm: 11 tỷ phụ cấp ưu đãi theo Nghị định 19 và 2 tỷ phụ cấp thu hút cùng 455 triệu trợ cấp lần đầu theo Nghị định 116.
Liên quan đến vấn đề chi trả phụ cấp cho giáo viên vùng bãi ngang đặc biệt khó khăn, chúng tôi đã cuộc trao đổi với ông Đậu Xuân Quyền, Trưởng phòng Ngân sách huyện, xã, Sở Tài chính Nghệ An. Ông Quyền cho biết: “Năm 2014 tỉnh đã xử lý cấp đủ ngân sách cho các huyện.
Năm 2015, nguồn cấp cho các huyện chỉ thiếu khoảng 10% nhưng không thể nói tỷ lệ thiếu ít này mà chậm chi trả phụ cấp cho giáo viên vùng bãi ngang là không đúng. Trách nhiệm này thuộc về UBND các huyện?!”.
Nghị định 116/2010/NĐ-CP ngày 24/12/2010 của Chính phủ quy định những cán bộ, giáo viên ở các trường thuộc các xã bãi ngang ven biển được hưởng phụ cấp thu hút bằng 70% tiền lương tháng hiện hưởng.
Nghị định 19 ngày 23/2/2013 (sửa đổi, bổ sung Nghị định 61 ngày 20/6/2006), có hiệu lực từ ngày 15/4/2013 quy định nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục công tác ở trường chuyên biệt, ở vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn được hưởng mức phụ cấp ưu đãi bằng 70% mức lương hiện hưởng.
Theo đó, nếu cán bộ, giáo viên ở bậc THCS đã có phụ cấp 30% đứng lớp, hai bậc mầm non và tiểu học đã có 35% đứng lớp thì sẽ được nhận thêm tương ứng là 40% và 35% cho đủ tỷ lệ 70%.
Thế nhưng, hiện hàng trăm cán bộ, giáo viên thuộc diện trên lại mỏi mắt ngóng chế độ vì lâu nay họ chưa được nhận, hoặc đang nhận theo kiểu… nhỏ giọt.