Theo CNN, đầu tiên, một đại sứ của Mỹ cho biết uy tín của bà đã sụp đổ như thế nào sau khi bị đuổi việc bởi các cộng sự của Tổng thống Donald Trump, sau sự nghiệp 30 năm không tì vết cống hiến cho lợi ích của nước Mỹ.
"Những người Ukraina thích chơi bằng luật lệ cũ đã muốn đuổi việc tôi", cựu đại sứ Mỹ tại Ukraina Marie Yovanovitch phát biểu trong buổi điều trần luận tội tại Hạ Viện. "Thứ mà giờ này vẫn khiến tôi kinh ngạc là việc họ thấy rằng người Mỹ vẫn sẵn sàng hợp tác với họ".
Phiên điều trần của bà đã bị cắt ngang bởi một dòng tweet công kích của ông Trump, mà theo các nhà phân tích, dòng tweet chỉ làm rõ thêm chiến thuật dọa dẫm của đương kim Tổng thống, khiến cho lời điều trần của bà càng trở nên đáng tin cậy hơn và cung cấp thêm các bằng chứng thiết thực cho cuộc điều tra luận tội.
Trong lúc bà Yovanovitch vẫn đang tường trình, cách đó chỉ một dặm ở thủ đô Washington, nhà tư vấn chính trị Roger Stone đã trở thành cộng sự mới nhất phải trả giá.
Chiến lược gia và nhà vận động hành lang này đã bị kết tội nói dối trước Quốc hội và tác động nhân chứng, nhiều khả năng với động cơ bảo vệ ông Trump khỏi vụ bê bối liên quan đến Nga.
Tất cả những diễn biến này xảy ra trong cùng một tuần mà Tổng thống Trump đang thực hiện những nỗ lực cuối cùng để kháng án lên Tòa án tối cao, nhằm che giấu hồ sơ thuế của mình trước công chúng.
Đến tối hôm 15/11, mọi thứ còn trở nên tồi tệ hơn với ông chủ Nhà Trắng.
Nhân viên ngoại giao Mỹ tại Ukraina David Holmes giải trình rằng anh đã nghe thấy ông Trump gọi điện cho Đại sứ Mỹ tại Liên minh Châu Âu Gordon Sondland và hỏi liệu chính phủ Ukraina có đồng ý mở cuộc điều tra mà ông đã yêu cầu đối với cựu Phó Tổng thống Joe Biden hay không. Ông Trump cũng đã hỏi về một thuyết âm mưu liên quan đến cuộc bầu cử Tổng thống năm 2016.
Ông Sondland nói với ông Trump trong cuộc gọi hồi tháng 7 rằng Tổng thống Ukraina Vlodymyr Zelensky sẵn sàng làm "bất cứ việc gì chúng ta yêu cầu ông ấy làm", anh Holmes cho biết trong bản tường trình.
Những diễn biến này đã đổ dồn mọi sự chú ý vào phiên giải trình của ông Sondland, sẽ được phát trực tiếp trên sóng truyền hình vào tuần sau. Nó cũng gợi ý rằng ông Trump đã có những liên quan mật thiết đến mưu đồ của luật sư riêng của ông, Rudy Giuliani, trong việc gây áp lực đối với chính phủ Ukraina.
Dù người Mỹ cuối cùng có tin vào những sai phạm mà Tổng thống Trump đang bị cáo buộc hay không, ngày 15/11 cũng là một ngày mà rất nhiều sự thật đã được làm sáng tỏ. Đây là ngày đã chứng kiến thêm một loạt những lời giải trình, thêm vào một núi các bằng chứng đang hiện hữu cho thấy lịch sử đang chứng kiến một nhiệm kỳ Tổng thống không chỉ khác biệt nhất, mà còn nhiều sạn nhất.
Trong vụ bê bối lớn trước đó, tuy công tố viên đặc biệt Robert Mueller đã không tìm thấy bằng chứng cho sự hợp tác giữa Nga và chiến dịch tranh cử của ông Trump, song ông cho biết đội ngũ của Tổng thống đã trông đợi vào việc hưởng lợi từ những sự can thiệp vào cuộc bầu cử. Và ông Mueller cũng khẳng định rằng ông không minh oan cho Tổng thống Trump với tội cản trở công lý.
Mới đây, Tổng thống đã cố gắng thuyết phục chính phủ trả tiền cho ông để lấy địa điểm tổ chức thượng đỉnh G7, trước khi thoái lui trước làn sóng chỉ trích ồ ạt.
Và như thể để nhấn mạnh thêm những xung đột lợi ích mà những khoản thu chi tài chính rối rắm của ông có khả năng đem lại, ông lại cũng vừa đệ đơn kháng cáo lên Tòa án Tối cao hôm 15/11 nhằm ngăn chặn các công tố viên rút hồ sơ thuế của ông, chuẩn bị cho một cuộc đấu pháp lý chưa từng có về vấn đề tách biệt quyền lực.
Đúng là vẫn còn những câu hỏi pháp lý về việc liệu một người ở cương vị Tổng thống có nên được giữ nguyên quyền riêng tư về tài chính hay không, song động thái của ông Trump vẫn làm dấy lên những câu hỏi về việc ông có gì để giấu người dân nước Mỹ, những người mà ông cần họ phải đặt niềm tin vào ông.