Xà phòng - loại hợp chất thần kỳ dùng trong tẩy rửa được chế ra khoảng năm 2.800 trước Công nguyên tại Babylon cổ đại. Gần 5.000 năm qua, dù sử dụng hợp chất này thường xuyên nhưng ít ai biết được rằng tại sao xà phòng lại tạo thành bong bóng?
Để trả lời câu hỏi này, chúng ta cần phải vận dụng một chút kiến thức hóa học. Các phân tử xà phòng có 2 đầu - một đầu hút nước và một đầu kỵ nước. Các bong bóng xà phòng mà chúng ta vẫn thấy khi rửa tay hay giặt quần áo được hình thành bởi các phân tử này.
Các phân tử xà phòng bao vây quanh các phân tử nước với đầu hút nước hướng về phía phân tử nước và đầu kỵ nước hướng về phía ngược lại. Khi đó, một lớp nước mỏng kẹp giữa 2 lớp phân tử xà phòng sẽ hình thành nên bề mặt bong bóng.
Cấu thành nên bong bóng là các phân tử xà phòng và một lớp nước mỏng
Thế thì tại sao bong bong xà phòng lại có hình cầu? Câu trả lời chính là sức căng mặt ngoài. Ở bề mặt bong bóng có các phân tử dính lại với nhau bởi lực hút, tạo nên sức căng bề mặt và hình thành rào cản chống lại các phân tử không khí ở trong và ở ngoài muốn đi xuyên qua lớp bong bóng.
Và cách hiệu quả nhất để giúp lớp màng mỏng manh này có thể cản phá không cho các phân tử không khí khác đi xuyên qua là tự định hình thành hình cầu để giảm diện tích bề mặt của cấu trúc.
Có một điều thú vị là hiện tại, các nhà khoa học đã tìm ra phương pháp để tạo ra được bong bóng xà phòng có hình lập phương hay hình chóp bằng cách nhúng khung dây đúc thành hình dạng tương ứng vào dung dịch xà phòng.
Bong bóng hình lập phương