Thao tác cẩu thả để tồn dư hóa chất
Theo cáo trạng, các bị cáo Hoàng Công Lương (32 tuổi, bác sĩ khoa hồi sức tích cực Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hoà Bình) và Trần Văn Sơn (28 tuổi, cán bộ phòng vật tư) bị truy tố về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
Bùi Mạnh Quốc (32 tuổi - nguyên Giám đốc Cty TNHH xử lý nước Trâm Anh) bị truy tố về tội “Vô ý làm chết người”.
Cáo trạng xác định, Quốc trực tiếp sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống lọc nước RO số 2 của đơn nguyên thận nhân tạo tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình.
Quốc đã sử dụng hỗn hợp Axit Flohydric (HF) và Axitclohydric (HCL) để sục rửa các vỏ màng lọc làm tồn dư lượng hóa chất lớn trong hệ thống nước.
Hai loại hoá chất trên không có trong danh mục được dùng trong y tế.
Cơ quan điều tra xác định, quá trình thao tác do cẩu thả đã để tồn dư 1 lượng hóa chất lớn trong hệ thống nước, đồng thời khi chưa tiến hành lấy mẫu nước để kiểm định theo tiêu chuẩn nhưng ngày 29/5/2017 Quốc đã đưa hệ thống lọc nước RO vào sử dụng dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Bị can Sơn, người được giao kiểm tra, giám sát việc bảo dưỡng hệ thống lọc nước RO số 2. Nhưng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, Sơn không trực tiếp có mặt để giám sát.
Khi giao nhận qua điện thoại vào chiều 28/5/2017, Sơn biết Quốc chưa làm xét nghiệm nước nhưng lại giao cho điều dưỡng viên của đơn nguyên thận nhân tạo.
Sơn cũng không báo cáo lãnh đạo phòng và sáng 29/5 để mặc cho đơn nguyên thận đưa hệ thống RO số 2 vào sử dụng gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Cáo trạng cũng xác định bác sĩ Hoàng Công Lương được giao trách nhiệm phụ trách chuyên môn và các hoạt động tại đơn nguyên thận nhân tạo.
Ngày 20/4/2017, Lương thừa lệnh Trưởng khoa ký đề xuất và biết rõ việc sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống lọc nước RO số 2 diễn ra vào ngày 28/5/2017.
Theo cáo buộc, với trình độ, nhận thức vai trò và trách nhiệm được giao, bị can Lương buộc phải biết rõ nước sử dụng trong lọc máu phải đảm bảo chất lượng theo quy định.
Nhưng sáng 29/5/2017, khi nghe điều dưỡng viên nói về việc Sơn gọi điện thông báo hệ thống nước RO đã sửa xong, ông Lương đã không kiểm tra lại và cũng không báo cáo với Trưởng khoa theo trách nhiệm được giao.
Bác sĩ Hoàng Công Lương sau đó ra lệnh điều trị cho các bệnh nhân và để cho hoạt động lọc máu diễn ra bình thường.
Bác sĩ Lương mong được xử đúng người đúng tội
Trước việc bị đưa ra xét xử, ngày 20/4, bác sĩ Hoàng Công Lương đã có tâm thư gửi lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Chính phủ cho rằng đã thực hiện công việc của mình "theo đúng quy trình chạy thận nhân tạo chu kỳ được Bộ Y tế ban hành năm 2014" và khi đã được bàn giao từ Phòng Vật tư để sử dụng thì có nghĩa "nguồn nước đã đảm bảo an toàn". Anh mong muốn vụ án được xét xử công khai, đúng người, đúng tội.
"Bác sĩ phải chịu trách nhiệm về công tác khám chữa bệnh nếu bệnh nhân tử vong, nhưng không thể buộc chúng cháu phải gánh trách nhiệm không thuộc về chuyên môn, nghiệp vụ của mình", bác sĩ Lương viết trong tâm thư.
Bị can Hoàng Công Lương.
Vì thế, khi bị truy tố về "Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng", bác sĩ Lương cảm thấy bàng hoàng, đau xót "vì trách nhiệm đó không thuộc về mình, hậu quả nghiêm trọng đó do những người có trách nhiệm gây ra".
Trong quá trình điều tra, công an cũng xác định không đủ căn cứ để xử lý về trách nhiệm hình sự đối với Trương Quý Dương, Hoàng Đình Khiếu và Trần Văn Thắng lần lượt giữ các chức vụ Giám đốc, Phó giám đốc và Trưởng phòng Vật tư Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình.
Tuy nhiên, cơ quan điều tra đã có văn bản kiến nghị cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xem xét xử lý về trách nhiệm hành chính đối với các cá nhân này.