Ngày 29/4 đánh dấu một cột mốc buồn của Ấn Độ, với thêm một kỷ lục ca nhiễm mới trong ngày nữa bị phá vỡ. Những công nhân đào huyệt phải làm việc ngày đêm để chôn cất nạn nhân ngày một đầy thêm, trong khi các nhà hỏa táng cũng phải làm việc hết công suất với hàng trăm thi thể mỗi ngày.
379.257 ca nhiễm mới, 3645 người tử vong - số liệu do Bộ Y tế Ấn Độ công bố trong ngày 29/4, cũng là những con số kỷ lục ở cả hai lĩnh vực kể từ khi đại dịch bắt đầu. Đất nước có số dân đông thứ 2 thế giới ngập chìm trong khủng hoảng, với việc các bệnh viện và nhà xác quá tải nghiêm trọng.
Hỏa táng tập thể tại Ấn Độ
Làm việc ngày đêm cũng không đủ
Sayyed Munir Kamruddin - một công nhân đào huyệt 52 tuổi tại Mumbai cho biết ông cùng các đồng nghiệp phải làm việc không nghỉ để chôn các nạn nhân.
"Tôi không sợ Covid. Tôi làm việc bằng sự can đảm, không phải nỗi sợ," - ông nói. "Đây là công việc duy nhất của chúng tôi. Nhận thi thể, đưa họ rời khỏi xe cứu thương, và đào huyệt chôn."
Mỗi ngày, hàng ngàn người Ấn Độ tràn ra đường để tìm giường bệnh và oxy cho thân nhân ốm bệnh nằm nhà. Họ sử dụng mọi thứ, từ các mối quan hệ cho đến mạng xã hội. Các giường bệnh trống - đặc biệt là tại khu chăm sóc tích cực (ICU) - đều kín chỉ trong vài phút.
"Sự hung tợn của làn sóng dịch thứ 2 khiến tất cả phải choáng ngợp," - K. VijayRaghavan, cố vấn khoa học cho chính phủ nhận định.
"Chúng ta biết các nước khác có làn sóng dịch thứ 2. Chúng ta có vaccine. Không có bất kỳ mô hình nào chỉ ra quy mô dịch bệnh có thể kinh khủng đến như vậy."
Quân đội Ấn Độ bắt đầu tiến hành vận chuyển các trang bị cần thiết - đặc biệt là oxy - đi khắp cả nước. Khách sạn, tàu hỏa được chuyển thành cơ sở chăm sóc tích cực để bù đắp cho các bệnh viện.
Theo các chuyên gia, hy vọng lớn nhất mà Ấn Độ có thể níu giữ là chương trình vaccine diện rộng cho cộng đồng. Và trong ngày 28/4, họ đã nới lỏng quy định và sẽ tiến hành tiêm chủng cho người trên 18 tuổi vào ngày 1/5 sắp tới.
Nhưng dẫu được xem là "công xưởng vaccine" của thế giới, chịu trách nhiệm sản xuất nhiều vaccine nhất, lượng vaccine dự trữ của họ là không đủ để đáp ứng chương trình này - ước tính áp dụng cho khoảng 800 triệu người. Rất nhiều người cho biết họ đã thử đăng ký nhưng thất bại, hoặc không thể có chỗ, hoặc thậm chí không vào được website vì liên tục bị gián đoạn.
Hiện tại mới chỉ có hơn 8 triệu người đăng ký, nhưng cũng chẳng rõ bao nhiêu người trong số này thực sự có suất tiêm.
Bề nổi của tảng băng chìm - số ca tử vong thực tế lớn hơn rất nhiều
Mới chỉ có khoảng 9% trên tổng số 1,4 tỷ dân Ấn Độ được tiêm chủng kể từ khi chiến dịch bắt đầu hồi tháng 1/2021. Dẫu vậy, dù dịch bệnh đang khiến hệ thống y tế sụp đổ, tỷ lệ tử vong được ghi nhận chính thức tại Ấn Độ vẫn chưa vượt qua Brazil và Mỹ - 147,2 trên 1 triệu dân so với lần lượt là 1800 và 1700 tại 2 quốc gia nói trên.
Nhưng đó chỉ là con số được ghi nhận. Theo các chuyên gia y tế, con số tử vong thực tế có thể cao hơn từ 5 - 10 lần, thậm chí là 30 lần.
Tại bệnh viện Holy Family (Delhi), bệnh nhân ngày càng dồn cục từ các xe cứu thương hoặc phương tiện cá nhân. Một số cố gắng hớp lấy từng ngụm oxy cuối cùng trong chiếc bình đã cạn. Còn các khoa ICU, bệnh nhân phải nằm trên xe đẩy, đặt giữa các giường bệnh đã kín người.
"Có người đáng lý phải nằm trong ICU, thì giờ buộc phải điều trị trên cáng," - Bác sĩ Sumit Ray, giám đốc khoa ICU cho biết. "Chúng tôi hoàn toàn quá tải. Bác sĩ và y tá kiệt quệ, họ biết họ có thể làm tốt hơn, chỉ là không có thời gian. Tất cả làm việc không nghỉ."
Một số quốc gia đã ban hành chỉ thị hạn chế di chuyển đến Ấn Độ. Như Mỹ, họ khuyến cáo công dân không nên tới đây, kể cả với những người đã tiêm đủ 2 mũi vaccine.
Hy vọng đang đến
Ấn Độ dự kiến sẽ có khoảng 550 cơ sở sản xuất vaccine từ khắp nơi trên thế giới sẽ viện trợ cho quốc gia này. 2 máy bay từ Nga - mang theo 20 máy tạo oxy, 75 máy trợ thở, 150 thiết bị theo dõi giường bệnh và 22 tấn thuốc đã tới Delhi. Mỹ cũng gửi số hàng viện trợ trị giá 100 triệu USD, bao gồm 1000 bình oxy, 15 triệu khẩu trang, 1 triệu bộ xét nghiệm nhanh. Ngoài ra, Mỹ cũng hướng đơn đặt hàng vaccine AstraZeneca để ưu tiên cung cấp cho Ấn Độ - ít nhất là 20 triệu liều.
Ngày 1/5, Ấn Độ sẽ nhận lô hàng vaccine Spunik V đầu tiên viện trợ từ Nga. Ngoài ra, công ty phụ trách thị trường của loại vaccine này đã ký hợp đồng cung cấp 850 triệu liều vaccine/năm cho 5 nhà sản xuất Ấn Độ.
Bangladesh cũng sẽ gửi 10.000 lọ thuốc kháng virus, 30.000 bộ trang thiết bị bảo hộ, và vô số thuốc bổ trợ khác. Đức sẽ gửi 120 máy thở vào ngày 1/5, cùng một cơ sở sản xuất oxy trong tuần tới.
Nguồn: Reuters, Yahoo News