Cuối năm muốn book chuyến xe cũng khó
Thùy Linh (Hải Dương) hiện đang làm việc tại Hà Nội. Vào ngày 27 Tết, cô sửa soạn đồ để về quê. Tuy nhiên phải đợi tới 30 phút, Thùy Linh vẫn gọi được tài xế. Phải đợi 10 phút hệ thống mới hiện thông báo tìm được tài xế. Tuy nhiên, cô bị từ chối nhiều lần vì nhiều lý do khác nhau.
Chung cảnh đợi chờ, Hà Lê (Hà Nội) cho biết vào giờ cao điểm buổi trưa không thể đặt được đồ ăn vì không ai nhận đơn. Cô cho biết: "Thông thường chỉ cần đợi 15 phút kể từ lúc đặt đồ ăn là đã có thể nhận được đồ. Nhưng những ngày cuối năm, chúng tôi thường phải đổi lựa chọn sang những quán gần văn phòng để ăn vì không thể gọi ship".
Có thể thấy, những ngày giáp Tết, tình trạng thiếu tài xế công nghệ thường xảy ra ở các thành phố lớn. Theo một số ứng dụng, nguyên nhân chủ yếu do nguồn cung tài xế có xu hướng giảm dần trong khi nhu cầu di chuyển, giao hàng hay đặt đồ ăn lại tăng cao.
Bên cạnh đó, một số tài xế quyết định giảm tần suất hoạt động vào khung giờ cao điểm do mật độ giao thông những ngày cuối năm dày đặc.
Mùa làm ăn cho các tài xế công nghệ
Đình Sang (Bắc Giang) là sinh viên năm 2. Ngoài thời gian trên lớp, anh còn tranh thủ thời gian chạy xe ôm công nghệ để kiếm thêm một phần thu nhập. Theo chia sẻ của nam sinh, thời gian Tết cận kề là lúc thu nhập tăng đáng kể.
Chỉ trong vòng 3 ngày, Sang đã "bỏ túi" 3 triệu đồng do lượng khách tăng vọt. Tuy nhiên, mức thu nhập này chưa phải cao nhất. Anh tiết lộ, có những tài xế chạy cả ngày thu nhập mùa Tết có thể lên đến 10 triệu đồng.
Theo một nghiên cứu giữa Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Trung tâm Tư vấn sức khỏe và phát triển cộng đồng, trung bình thời gian làm việc của tài xế môtô là 9,2 giờ/ngày, thu nhập tương ứng 318.000 đồng/ngày (khoảng 7 triệu đồng/tháng).
Như vậy có thể thấy số tiền thu được dịp Tết của các bác tài dịp cuối năm là con số khá lớn.
Làm tài xế công nghệ đã được 3 năm, Phạm Quân (Vĩnh Phúc) cho biết thời điểm cuối năm thường xuyên bị quá tải. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để có thêm một khoản chi tiêu cho gia đình.
Anh thường bắt đầu giờ làm từ 7 giờ sáng. Đây là giờ cao điểm vì nhu cầu đi làm, đi học rất lớn. Đặc biệt trong những ngày mưa hoặc thời tiết xấu, anh Quân còn phải từ chối nhiều khác vì quá tải. Đổi lại là thu nhập cao. "Đôi khi gặp những vị khách hào phóng, tôi còn được thưởng thêm một vài chục nghìn, thậm chí hàng trăm nghìn đồng", Phạm Quân tiết lộ.
Vào buổi trưa, nhiều bác tài còn tranh thủ đi giao đồ ăn để kiếm thêm thu nhập. Có khi, anh Quân và nhiều đồng nghiệp của mình không nghỉ trưa hoặc ăn vội rồi lại "lên đường" vì có khách đặt.
Thu nhập cao - vất vả cũng nhiều
Có thể nói mức thu nhập lên đến cả triệu đồng một ngày là con số không hề nhỏ. Vào những lúc cao điểm, số tiền kiếm được một tuần có thể bằng cả một tháng làm việc. Tuy nhiên, mọi thứ đều có "cái giá" của nó.
Đình Sang chia sẻ bản thân đã được nghỉ Tết cách đây nửa tháng. Tuy nhiên, anh không về quê mà ở lại để "tranh thủ" kiếm thêm thu nhập. Do đó thay vì được về nhà từ sớm, Sang vẫn ở Hà Nội đến ngày 28 Tết.
Bên cạnh đó, công việc chạy xe công nghệ có cường độ khá cao. Phạm Quân bày tỏ có những ngày anh ngồi trên xe hơn 12 tiếng, buổi trưa cũng không nghỉ. Đều đặn mỗi ngày từ 7 giờ sáng, anh ra khỏi nhà để làm việc. Nếu có ngày bận, phải đến 8 giờ tối anh mới về.
Do phải di chuyển nhiều, đến cuối ngày về anh gần như chỉ có thời gian ăn nhanh rồi và thực hiện một vài công việc cá nhân để nghỉ ngơi cho ngày mai.
Bên cạnh đó, các tài xế cũng không tránh khỏi rủi ro bị "bom hàng" hoặc lừa đảo. Anh Quân tiết lộ đã có lần anh nhận được cuốc xe đón khách ở nơi cách xa gần 2km. Tuy nhiên khi đến anh không thấy người đợi, gọi lại thì bị tắt máy. Hoặc chuyện bị khách "bom" đồ ăn anh cũng gặp phải một vài lần.
"Những lần như vậy mình chỉ đành quay lại. Nếu may mắn sẽ có quán nhận lại suất ăn bị bom. Còn nếu xui thì mình đành giữ lại", anh Phạm Quân cho hay.