Ngành thời trang lao đao vì dịch bệnh, một hãng dép sục sản xuất phần lớn ở Việt Nam lại có doanh số cao kỷ lục nhờ Covid-19

Băng Tâm |

CEO Andrew Rees của Crocs cho biết hàng gặp khá nhiều khó khăn khi chuỗi sản xuất bị đình trệ vì dịch bệnh, nhất là tại Việt Nam, nơi sản xuất khá nhiều phần của sản phẩm này.

Trong thời kỳ dịch Covid-19 bùng phát mạnh ở Phương Tây vào giữa năm 2020, doanh thu của những đôi dép sục Crocs đã tăng hơn 30% và trở thành một trong những món đồ được săn lùng nhiều nhất bên cạnh khẩu trang cùng các thiết bị y tế khác.

Theo các chuyên gia, đại dịch Covid-19 đã làm thay đổi thói quen tiêu dùng khi những mặt hàng thời trang ế ẩm còn các sản phẩm mang tích thực dụng, tiện ích lại lên ngôi. Với chiến lược bất chấp mọi tiêu chuẩn về cái đẹp, thoải mái là trên hết, Crocs đã chiếm trọn được cảm tình của các chuyên viên y tế lẫn người dân trong mùa dịch.

 Ngành thời trang lao đao vì dịch bệnh, một hãng dép sục sản xuất phần lớn ở Việt Nam lại có doanh số cao kỷ lục nhờ Covid-19  - Ảnh 1.

Mẫu dép Crocs hợp tác cùng KFC tạo cơn sốt trên mạng xã hội

Ra đời từ năm 2002 và được bán tại 90 quốc gia với khoảng 900 triệu đôi được bán ra hàng năm, Crocs đã trở thành biểu tượng của sự thoải mái, tiện dụng, không thấm nước, những tiêu chí hàng đầu phù hợp cho bác sĩ lẫn người dân trong bối cảnh dịch bệnh lan tràn.

Thời trang dép sục

Dù nổi tiếng với phong cách thoải mái, tiện dụng nhưng Crocs cũng đang dần trở thành một biểu tượng thời trang của giới trẻ. Năm 2017, Crocs gây bất ngờ khi xuất hiện trên sàn diễn thời trang của nhà thiết kế Christopher Kane chuyên về đồ cao cấp. Năm 2018, Balenciaga cũng cho ra đời bản thiết kế dép sục Crocs với giá cao gần gấp 20 lần so với thông thưởng, qua đó đưa sản phẩm này tiếp cận thị trường xa xỉ.

Gần đây, việc Crocs hợp tác với KFC để tặng những đôi dép sục hình một đĩa chân gà và có cả hình đùi gà dán lên trên đó đã tạo nên cơn sốt trên mạng xã hội. Với giá lên đến 190 USD/đôi, sản phẩm này đã bán hết chỉ một thời gian ngắn khi xuất hiện và nhanh chóng bị nhà đầu cơ chào bán lại trên mạng với giá 250 USD/đôi.

Năm 2020 là khoảng thời gian hoàng kim của Crocs khi hàng loạt những nhãn hàng thời trang khác phải lao đao vì dịch bệnh thì Crocs lại kinh doanh tốt. Bất chấp hàng loạt cửa hàng phải đóng cửa cách ly nhưng doanh số của hãng lại lên mức cao chưa từng có.

Không chỉ hưởng lợi về doanh thu, Crocs còn ngày càng nổi tiếng khi hợp tác với hàng loạt ngôi sao nổi tiếng trong mùa dịch để cho ra mắt những sản phẩm độc lạ mang phong cách riêng.

 Ngành thời trang lao đao vì dịch bệnh, một hãng dép sục sản xuất phần lớn ở Việt Nam lại có doanh số cao kỷ lục nhờ Covid-19  - Ảnh 2.

Hệ quả tất yếu là cổ phiếu của Crocs đã tăng hơn 5 lần kể từ tháng 3/2020. Doanh thu quý III của hãng này đạt kỷ lục 362 triệu USD còn doanh số ước tính tăng ít nhất 20% vào cuối năm nay.

Hưởng lợi nhờ dịch bệnh

CEO Andrew Rees của Crocs cho biết hàng gặp khá nhiều khó khăn khi chuỗi sản xuất bị đình trệ vì dịch bệnh, nhất là tại Việt Nam, nơi sản xuất khá nhiều phần của sản phẩm này. May mắn thay, với lợi thế đơn giản, thiết thực nên các sản phẩm của Crocs vẫn có thể hoàn thiện với những bộ phận được thay thế cho phần bị đình trệ.

Dẫu vậy, thành công của Crocs không phải bị động chờ dịch bệnh đưa tới mà còn liên quan đến các chính sách chủ động của hãng. Vào tháng 4/2020, Crocs đã mở cửa trở lại tất cả các cửa hàng cũng như 350 chi nhánh đối tác trên toàn Trung Quốc, đồng thời liên kết với Alibaba hay nhiều trang thương mại điện tử khác để thúc đẩy bán hàng trực tuyến.

Nhờ những nỗ lực này mà lượng khách hàng tìm đến sản phẩm Crocs đã tăng 50% trong tháng 6/2020 so với cùng kỳ tháng trước tại Trung Quốc.

Không dừng lại ở đó, Crocs còn tăng cường tiếp thị sản phẩm cho đối tượng bác sỹ, chuyên viên y tế hay những người ở tuyến đầu chống dịch bởi loại dép này dễ dàng làm sạch và không quá đắt đỏ để thay thế.

 Ngành thời trang lao đao vì dịch bệnh, một hãng dép sục sản xuất phần lớn ở Việt Nam lại có doanh số cao kỷ lục nhờ Covid-19  - Ảnh 3.

Tại Mỹ, Crocs đã tặng 860.000 đôi dép cục cho chuyên viên y tế, tương đương 40 triệu USD doanh số bán lẻ và 10 triệu USD chi phí với công ty.

Những kẻ bị ghẻ lạnh

Sự trỗi dậy của Crocs khiến cho nhiều người phải bất ngờ vì chẳng ai nghĩ thứ sản phẩm đơn giản này lại hút hàng đến thế.

Năm 2002, 3 người bạn Scott Seamans, Lyndon Hanson và George Boedecker Jr đã thành lập nên Crocs. Họ mang 200 đôi giày đến bày bán tại triển lãm Fort Lauderdale Boat Show và chúng hết sạch chỉ trong 1 ngày.

Công việc kinh doanh phát đạt khiến họ niêm yết trên sàn chứng khoán vào năm 2006. Đến 2007, độ phủ sóng của những đôi dép sục đã lan ra toàn thế giới. Thế nhưng doanh nghiệp này nhanh chóng phải đối mặt với các thách thức về lưu kho cũng như sự bão hòa khi trào lưu dép sục đi xuống.

Bên cạnh đó, vấn nạn hàng giả hàng nhái cũng khiến công ty phải đau đầu bởi hàm lượng kỹ thuật trong sản phẩm này cực kỳ ít.

 Ngành thời trang lao đao vì dịch bệnh, một hãng dép sục sản xuất phần lớn ở Việt Nam lại có doanh số cao kỷ lục nhờ Covid-19  - Ảnh 4.

Để giải quyết tình hình, Crocs bắt đầu đa dạng hóa sản phẩm hơn và cố gắng thiết kế nhiều mẫu mã hợp thời trang để đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng. Hơn nữa, việc giá thành sản phẩm rẻ hơn các mặt hàng thời trang thông thường khiến người tiêu dùng dễ dàng mua mới sản phẩm mà không phải đắn đo giữ gìn những đôi dép sục.

Hiện nay, bên cạnh việc tận dụng lợi thế ngắn hạn từ dịch Covid-19, Crocs đang cố gắng có những cải cách nhằm thay đổi hình tượng, biến những đôi dép sục từ sản phẩm bình dân tiện dụng thành một xu hướng thời trang cao cấp mới sau đại dịch.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại