May mặc Việt Nam đau xót nhìn Myanmar, Lào, Bangladesh… cướp trắng đơn hàng từ các đối tác, các doanh nghiệp làm may vì thế cũng điêu đứng. Trong 6 tháng đầu năm, may Thành Công, một doanh nghiệp may trong top đầu, cũng chứng kiến các thị trường hàng đầu tại Hàn Quốc và Mỹ đều suy giảm.
Trước hết, có nhiều điểm đặc biệt khi nói về May Thành Công. Đây là một trong số ít những doanh nghiệp may hàng đầu Việt Nam có niêm yết trên sàn chứng khoán (mã TCM trên sàn HSX). Vì thế, có thể nói đây là một trong số doanh nghiệp may lớn có thông tin minh bạch nhất.
Đồng thời, may Thành Công cũng là doanh nghiệp may niêm yết duy nhất sở hữu chuỗi sản xuất đồng bộ Sợi - Vải – May.
Hàng năm, doanh thu từ Vải thường chiếm 10% doanh thu thuần, tiếp theo là mảng Sợi với 30 – 40% còn mảng May thì chiếm phân nửa nguồn thu của doanh nghiệp này.
Về mặt tiêu thụ, may Thành Công cũng có nguồn bao tiêu rất đảm bảo khi cổ đông lớn – công ty mẹ là Eland Asia Holding Pte Ltd. (Eland) của công ty thường xuyên hỗ trợ tới 60% đầu ra cho doanh nghiệp này.
Được hỗ trợ và có nền tảng kinh doanh tốt là thế nhưng may Thành Công dường như cũng không thoát khỏi cơn khó khăn xuất khẩu của toàn ngành may.
6 tháng đầu năm 2016 vừa qua, tuy doanh thu của doanh nghiệp này vẫn tăng so với cùng kỳ nhưng lợi nhuận sau thuế đã giảm mạnh 42% (từ 86 tỷ đồng xuống 50 tỷ đồng).
Hiệu quả kinh doanh của may Thành Công cũng đi xuống khi biên lợi nhuận gộp cũng giảm. Đây là lần đầu tiên sau nhiều năm các chỉ số này trượt khỏi đà tăng.
Kết quả giảm này không chỉ nói riêng về may Thành Công mà còn nói lên câu chuyện khó khăn chung của ngành may Việt Nam.
Đó là khi lợi thế chi phí lao động rẻ mất đi do bị cạnh tranh bởi các nước khác, Việt Nam thậm chí không còn cơ hội trở thành “công xưởng may mặc” của khu vực và toàn thế giới nữa.
Thực tế, kết quả kinh doanh mang tính “báo hiệu” này của may Thành Công đến từ nguyên nhân chủ yếu là do xuất khẩu suy giảm. Nửa đầu năm nay, doanh thu xuất khẩu thu về của doanh nghiệp này đã giảm 12% so với năm trước.
Ở mảng Sợi, may Thành Công lỗ với mức biên lợi nhuận gộp -5%. Lý do lỗ là vì giá xuất đầu ra của sợi đã không tăng trong một thời gian, trong khi giá mua đầu vào nguyên liệu cotton đã bắt đầu tăng mạnh trở lại từ cuối quý I.
Ở mảng kinh doanh chính là May, nhà máy trọng điểm Vĩnh Long của may Thành Công vẫn đang tiếp tục chịu lỗ từ 250 – 300 nghìn USD/tháng do doanh thu từ thị trường Mỹ - thị trường chính của nhà máy này – quá ít và không đủ bù chi phí tại đây.
Vì thế, năng suất hoạt động của nhà máy Vĩnh Long cũng đang rất thấp, khi kém hơn các nhà máy khác cùng công ty đặt tại Thành phố Hồ Chí Minh và kém hơn cả điểm hòa vốn của chính nhà máy này.
Đối tác Eland, công ty bao tiêu hầu hết sản phẩm xuất khẩu của may Thành Công tại Hàn Quốc cũng đang dần nhận bớt đơn hàng xuất từ may Thành Công. Theo công ty mẹ nắm 43% vốn điều lệ này, thị trường xuất khẩu chính là Hàn Quốc đang có dấu hiệu sụt giảm do nhu cầu tiêu dùng hàng dệt may nước này đã bắt đầu bão hòa.
Ở các thị trường mà may Thành Công xuất sang ít hơn, tình hình cũng không khả quan hơn khi các đơn hàng đã chốt về số lượng đến hết 2016 nhưng giá các đơn mới chốt được khoảng 70 – 80%, kém hơn năm 2015. Về đơn giá, nhìn chung năm 2016 này thấp hơn các năm trước.
Đây là tình hình chung của toàn ngành Dệt may khi các đơn hàng trên thế giới không còn ở Việt Nam mà đang có sự chuyển dịch sang các nước khác như Myanmar, Bangladesh, Lào…những nước đang chiếm dần những lợi thế truyền thống của nước ta trong ngành may mặc.
Cụ thể, việc Việt Nam thay đổi các chính sách về bảo hiểm xã hội, lương tối thiểu đã làm tăng cao chi phí lao động so với các nước này, góp phần làm Việt Nam mất đi lợi thế cạnh tranh.
Một điểm quan trọng nữa là các nước như Myanmar, Bangladesh, Lào…đang được hưởng ưu đãi thuế nhập khẩu hàng dệt may vào Mỹ theo chương trình ưu đãi thuế cho các nước đang phát triển, điều mà Việt Nam đến tận năm 2018 mới có, sau khi TPP được ký kết.
Quay lại với may Thành Công, bên cạnh sự sụt giảm của mảng May và mảng Sợi, doanh nghiệp này có thể vẫn nhìn thấy đâu đó điểm sáng ở mảng Vải.
Hiện tại, số đơn hàng và giá bán vẫn vải tiếp tục được duy trì do nhu cầu ổn định từ thị trường Nhật Bản. 6 tháng vừa qua, mảng Vải mang về cho may Thành Công biên lợi nhuận gộp 18%.
Từ kết quả tích cực này, may Thành Công dự định sẽ đầu tư thêm 10 máy may nữa để đáp ứng đủ nhu cầu của các thị trường.