Vương quốc Anh đã tuyên bố một lệnh cấm đối với kim cương của Nga khi nước này thắt chặt các biện pháp trừng phạt liên quan đến xung đột Ukraine.
Các quốc gia trong khối G7 cũng muốn có thể lần ra nguồn gốc các loại đá quý để chặn xuất khẩu của Nga khi họ cố gắng hạn chế dòng tiền chảy vào nền kinh tế nước này. Nhưng những kế hoạch này sẽ hiệu quả đến mức nào và có thể có những hậu quả không lường trước được không, BBC đã có một số phân tích như dưới đây:
Xuất khẩu kim cương của Nga quan trọng như thế nào?
Thương mại kim cương của Nga, trị giá khoảng 4 tỷ USD mỗi năm, chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ trong tổng kim ngạch xuất khẩu của nước này.
Trước khi xung đột bùng nổ, tổng kim ngạch xuất khẩu của Nga đạt 489,8 tỷ USD vào năm 2021 với dầu khí chiếm 240,7 tỷ USD.
Tuy nhiên, Nga là nước xuất khẩu kim cương lớn nhất thế giới tính theo số lượng, tiếp sau đó là các nước châu Phi.
Một công ty nhà nước tên là Alrosa dẫn đầu hoạt động khai thác kim cương của Nga - và công ty này đã khai thác gần một phần ba số kim cương trên thế giới vào năm 2021.
Theo Hans Merket, một nhà nghiên cứu của Dịch vụ Thông tin Hòa bình Quốc tế, mặc dù lợi nhuận từ Alrosa khá lớn - nhưng nó vẫn chưa là gì so với dầu mỏ và khí đốt. Tại sao G7 lại muốn theo dõi kim cương Nga như vậy?
Các nước phương Tây muốn cắt nguồn doanh thu này như một phần trong nỗ lực ngăn chặn tiềm năng của Nga. Nhưng cần phải hiểu rằng, việc buôn bán kim cương trên thế giới hiện đang rất phức tạp và thiếu minh bạch.
Ông Merket cho biết kim cương có thể đổi chủ từ 20 đến 30 lần từ khi bắt đầu rời khu mỏ và tới thị trường.
Thông thường, đá quý đi qua các trung tâm toàn cầu chính của Antwerp, Dubai, Mumbai và Ramat Gan, gần Tel Aviv.
Các nhà giao dịch phân loại đá theo carat (trọng lượng), màu sắc, độ trong và đường cắt - và các nhà giao dịch khác nhau tìm kiếm các viên đá đặc biệt có thuộc tính khác nhau.
Sau đó, họ lấy những viên đá quý còn lại, trộn lẫn và bán theo mức giá thông thường - và quá trình này được lặp lại. Theo Tobias Kormind, giám đốc điều hành của công ty kim hoàn trực tuyến 77 Diamonds, các thương nhân và công ty luôn bảo vệ cẩn thận nơi họ lấy kim cương - đó là "bí quyết thương mại" của họ.
Tuy nhiên, các công ty lớn trong ngành có thể hạn chế việc buôn bán kim cương của Nga nếu họ tập hợp lại với nhau, ông nói.
Làm thế nào để hạn chế dòng chảy kim cương Nga?
Mỹ đã đưa ra các biện pháp trừng phạt để cố gắng cấm xuất khẩu kim cương của Nga.
Tuy nhiên, có một "lỗ hổng lớn" ở đây, ông Kormind nói. Các hạn chế áp dụng cho kim cương thô - nhưng một khi chúng đã được cắt và đánh bóng, quốc gia xuất xứ không còn quan trọng nữa.
Ông Merket cho biết người dân ở các nước G7 mua khoảng 70% số kim cương trên thế giới - vì vậy lệnh cấm của G7 có thể có hiệu lực nếu các viên kim cương có thể được truy xuất nguồn gốc.
Truy tìm những viên kim cương sẽ làm cho việc hạn chế hoạt động buôn bán kim cương trở nên dễ dàng hơn.
Làm thế nào để truy tìm kim cương?
Hiện đã có một kế hoạch cố gắng hạn chế "kim cương máu" được sử dụng để thúc đẩy xung đột, được gọi là Quy trình Kimberley, trong đó các quốc gia chứng nhận rằng kim cương "không có xung đột".
Tuy nhiên, điều này không cho phép truy xuất nguồn gốc của những viên kim cương.
Ông Merket cho biết cách đơn giản nhất để truy tìm kim cương là mở rộng quy trình này để có thêm tài liệu về nguồn gốc của những viên đá.
Ngoài ra còn có các công nghệ đánh dấu đá và một công nghệ đang được phát triển có thể quét chúng để kiểm tra nguồn gốc địa lý của kim cương.
Lệnh cấm sẽ có tác dụng gì?
Phần lớn kim cương của Nga dừng chân ở Ấn Độ, nơi có một trung tâm cắt và đánh bóng lớn ở Surat. Các doanh nghiệp kim cương nhỏ hơn trong thành phố đã bị ảnh hưởng, một phần do lệnh cấm của Mỹ.
Ở châu Phi, các hoạt động khai thác địa phương được hưởng lợi sau khi lệnh trừng phạt của Mỹ ảnh hưởng đến xuất khẩu của Nga. Tuy nhiên, nhiều nhà sản xuất khai thác ở châu Phi chưa sẵn sàng tham gia vào kế hoạch truy xuất nguồn gốc, ông Merket nói, và có thể được loại trừ nếu một kế hoạch mới được áp dụng.
Tại Angola, công ty Alrosa của Nga có cổ phần đáng kể trong khai thác mỏ và việc thắt chặt các biện pháp trừng phạt có thể ảnh hưởng đến các công ty địa phương.
Tom Neys, người đứng đầu bộ phận quan hệ truyền thông tại Trung tâm Kim cương Thế giới Antwerp (Bỉ) cho biết, đối với châu Âu, việc truy xuất nguồn gốc cần phải "chặt chẽ, khoa học, và có tính quốc tế".
Ông nói thêm rằng các biện pháp trừng phạt của Vương quốc Anh "sẽ không ảnh hưởng đến việc bán kim cương của Nga" vì Vương quốc Anh chiếm chưa đến 1% thương mại kim cương toàn cầu.
Người phát ngôn của chính phủ Anh cho biết họ sẽ làm việc với các đối tác quan trọng để giúp hạn chế hoạt động buôn bán kim cương của Nga, "bao gồm cả thông qua các công nghệ truy tìm".