Trung Đông là cửa ngõ của ba châu lục Á, Âu, Phi, với hai điểm kết nối hàng không hàng đầu thế giới hiện nay là Dubai và Qatar. Thời gian qua, nơi đây đã chứng kiến một sự gia tăng đáng kể nhu cầu đi lại sau đại dịch, nhưng các hãng hàng không lại đang lo sợ không thể phục hồi như mong muốn khi hành khách thì nhiều, nhưng phi công thì chẳng thấy đâu.
Báo The National (Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất) cho biết, ngành hàng không toàn cầu đang phải vật lộn trong cơn khát phi công, trong đó Trung Đông là khu vực chứng kiến tình trạng này rõ nhất và sớm nhất. Năm nay và năm tới, các hãng hàng không tại Trung Đông sẽ thiếu khoảng 3.000 phi công, chưa tính tới tiếp viên và các nhân viên hàng không khác.
Như tại Dubai, nơi có sân bay tấp nập nhất thế giới hiện nay, hãng hàng không Emirates hiện đã tung ra một chiến dịch tuyển dụng phi công rầm rộ. Vị trí cơ trưởng Airbus A380 hay B777 nay được hứa hẹn mức thu nhập lên tới gần 60 nghìn Dirham, tức gần 400 triệu VNĐ mỗi tháng.
Sau Trung Đông thì Mỹ đang đứng thứ hai trong cơn khát phi công hiện nay. Hồi tháng trước, Envoy Air thuộc American Airlines đã phải hứa tăng gấp 3 lần mức thù lao cho phi công để đảm bảo đủ tần suất các chuyến bay trong mùa cao điểm du lịch hè. Các hãng hàng không Trung Đông xem đây như một lời cảnh báo. Chiến lược mà được các hãng đưa ra giờ đây là sẽ tăng cường thu hút phi công từ các khu vực khác như từ châu Á, Thái Bình Dương hay Mỹ Latin, những nơi đang không chứng kiến tình trạng khát phi công gay gắt bằng Trung Đông.
Đáng chú ý hơn, tình trạng thiếu phi công hiện nay được dự báo sẽ không phải là tạm thời. Theo báo Kinh doanh Vùng Vịnh, dự báo ngành hàng không toàn cầu đến năm 2032 có thể sẽ thiếu tới 80 nghìn phi công, trong đó khu vực Trung Đông thiếu khoảng 18 nghìn phi công.
Cơn khát phi công đang bị gây ra bởi nhiều yếu tố, không chỉ vì các đợt cắt giảm nhân sự hàng loạt của các hãng trong đại dịch, nó còn đến từ số lượng phi công được đào tạo mới thời gian qua có xu hướng giảm, hay nhiều phi công hiện nay đã đến tuổi về hưu.