700 tỷ USD cho năm tài khóa 2018 là khoản tiền lớn nhất mà Lầu Năm góc nhận được và nó vượt xa chi tiêu quốc phòng của cả Nga và Trung Quốc cộng lại. Với khoản ngân sách này, chính phủ Mỹ có thể tăng thêm hàng nghìn binh sỹ, mua thêm nhiều khí tài quân sự mới trong đó có cả máy bay chiến đấu và tàu chiến.
Chi khủng để hiện đại hóa quân đội
Ngân sách quốc phòng mới của Mỹ tăng 94 tỷ USD, tương đương 15,5% so với ngân sách 2017. Hãng tin AP dẫn lời Bộ trưởng James Mattis khẳng định số tiền này là cần thiết để tăng cường khả năng sẵn sàng chiến đầu của binh sỹ Mỹ trong bối cảnh số điểm nóng trên toàn cầu đang gia tăng, trong đó có cả Afghanistan, cũng như giải quyết mối đe dọa chiến tranh với Triều Tiên.
Đây là mức tăng chi tiêu mạnh nhất kể từ năm 2002, sau khi Mỹ chứng kiến vụ khủng bố 11/9/2001). Khi đó, Tổng thống George W. Bush đưa ra sáng kiến về Cuộc chiến chống khủng bố và ngân sách quốc phòng của Mỹ đã tăng lên 437 tỷ so với từ 345 tỷ của năm trước đó.
Tuy nhiên, khoản ngân sách quốc phòng mới cho tài khóa 2018 không phải là vì Mỹ đang có nguy cơ cao xảy ra các vụ tấn công khủng bố.
Khoản ngân sách này là để giải quyết cái mà Lầu Năm Góc gọi là những “thách thức hậu cần”, trong đó có tăng chi phí đào tạo, tăng cường phòng thủ tên lửa công nghệ cao, và quan trọng hơn là khởi động kế kế hoạch “xây dựng lại kho hạt nhân của Mỹ” với hàng nghìn tỷ USD.
Kể từ khi Quốc hội Mỹ thông qua Hành động kiểm soát ngân sách 2011, theo đó hạn chế chi tiêu quốc phòng và nội địa, thì các thời bộ trưởng quốc phòng Mỹ đều cảnh báo rằng, số lượng binh sỹ sẵn sàng chiến đấu ngày càng trở nên ít ỏi để có thể bảo vệ đất nước trước các cuộc tấn công.
Các quan chức quân sự hàng đầu trong Quốc hội cũng thường xuyên phàn nàn rằng thiết bị quân sự của Mỹ ngày càng cũ kỹ, binh sỹ không được huấn luyện và làm quen với các công nghệ chiến tranh mới. Ngân sách ngày càng hạn hẹp sẽ đặt tương lai của Mỹ vào rủi ro.
Nhà Trắng - Quốc hội thảo luận ngân sách tài khóa 2018-2019 VOV.VN - Quan chức Nhà Trắng và người đứng đầu hai viện Quốc hội Mỹ ngày 3/1 đã chia sẻ những ưu tiên trong thỏa thuận chi tiêu ngân sách quốc gia.
Chi phí cho các cuộc chiến ở nước ngoài
Chính sách ngoại giao của Tổng thống Mỹ Donald Trump có vẻ như ngày càng hiếu chiến, khi Washington gửi thêm các phái bộ chiến đấu tới Somali và Yemen bên cạnh việc bổ sung vài nghìn quân tới Afghanistan, cũng như cuộc khẩu chiến đang khiến nhiều người lo ngại sẽ leo thang thành cuộc chiến thực địa với Triều Tiên.
Trong đề xuất ban đầu, ngân sách quốc phòng cho tài khóa 668 tỷ USD, nhưng ngân sách thực tế còn cao hơn con số đề xuất để chi trả cho chi phí chiến tranh đắt đỏ ở Afghanistan và các nơi khác của thế giới.
Không chỉ Afghanistan, Iraq hay những điểm nóng bất ổn khác ở Trung Đông, Washington triển khai phái bộ bên ngoài biên giới Mỹ ngày càng nhiều và vẫn chưa có dấu hiệu muốn dừng lại. Việc tăng quân và duy trì hoạt động ở nước ngoài đương nhiên sẽ đi kèm với nhu cầu tăng ngân sách.
Chuyên gia nghiên cứu ngân sách quốc phòng tại Trung tâm Nghiên cứu an ninh và quốc tế Todd Harrison cho rằng “Nước Mỹ đang cố làm quá nhiều với quy mô lực lượng mà chúng ta có trên toàn thế giới. Tiền sẽ không nhất thiết giải quyết điều đó”.
Ai hưởng lợi nhiều nhất?
Trong ngân sách quốc phòng 2018, khoản tiền trả lương cho các binh sỹ chỉ được tăng 2,4% - một con số khiêm tốn so với những hạng mục chi tiêu khác. Trong khi đó, nhiều người chỉ trích rằng, việc dành phần lớn số tiền trong ngân sách quốc phòng vào mục mua sắm vũ khí và chi phí chiến tranh là điều vô lý và không bền vững.
Một báo cáo mới đây của Liên Hợp Quốc nhấn mạnh rằng, ngân sách quốc phòng bất thường của Mỹ còn nhiều hơn ngân sách của cả Trung Quốc, Saudi Arabia, Nga, Anh, Ấn Dộ, Pháp và Nhật Bản kết hợp lại. Dù chi khủng cho quốc phòng, nhưng Mỹ đã phớt lờ những vấn đề xã hội sâu sắc ở chính nước này.
“Khi chúng ta không thể giúp những người nghiện được điều trị, không thể đảm bảo giáo dục và y tế cho tất cả công dân của chúng ta, thì làm sao chúng ta có thể chi hàng tỷ USD vào vũ khí?”, ông Stephen Miles, người đứng đầu nhóm Win Without War (tạm dịch là Giành chiến thắng mà không cần chiến tranh) có trụ sở ở Washington DC, nói với tờ The Guardian.
Người được hưởng lợi thực sự trong việc gia tăng ngân sách quốc phòng là các công ty vũ khí lớn, trong đó có Lockheed Martin, Boeing và General Dynamics, những công ty đã từng chi hàng triệu USD mỗi năm làm “quà” dưới nhiều hình thức cho các quan chức cấp cao của chính phủ Mỹ.