Tổng thu ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến thời điểm 15/11/2018 theo báo cáo của Tổng cục Thống kê ước tính đạt 1.160,1 nghìn tỷ đồng, bằng 87,9% dự toán năm, trong đó thu nội địa 926,9 nghìn tỷ đồng, bằng 84,3%; thu từ dầu thô 54,3 nghìn tỷ đồng, bằng 151,3%; thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất, nhập khẩu 174,9 nghìn tỷ đồng, bằng 97,7%.
Trong thu nội địa, thu từ khu vực doanh nghiệp Nhà nước đạt 128,6 nghìn tỷ đồng, bằng 77,2% dự toán năm; thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) 156,6 nghìn tỷ đồng, bằng 70,3%; thu thuế công, thương nghiệp và dịch vụ ngoài Nhà nước 178,7 nghìn tỷ đồng, bằng 82%.
Thu thuế thu nhập cá nhân 82,5 nghìn tỷ đồng, bằng 85,2%; thu thuế bảo vệ môi trường 38,3 nghìn tỷ đồng, bằng 78,5%; thu tiền sử dụng đất 102,1 nghìn tỷ đồng, bằng 118,8%.
Tổng chi ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến thời điểm 15/11/2018 ước tính đạt 1.166,2 nghìn tỷ đồng, bằng 76,6% dự toán năm, trong đó chi thường xuyên đạt 806,8 nghìn tỷ đồng, bằng 85,8%; chi đầu tư phát triển 239,8 nghìn tỷ đồng, bằng 60%; chi trả nợ lãi 93,5 nghìn tỷ đồng, bằng 83,1%.
Trong báo cáo thẩm tra về sơ kết 3 năm thực hiện Kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016 - 2020 của Ủy ban Tài chính, Ngân sách mới đây cho biết, thu ngân sách nhà nước 3 năm 2016-2018 ước đạt 54,68% kế hoạch 5 năm. Thu ngân sách nhà nước từng năm 2016, 2017 và 2018 đều đạt và vượt dự toán.
Tuy nhiên, qua xem xét số liệu cho thấy, phần tăng thu chủ yếu là ngân sách địa phương, ngân sách trung ương còn hụt thu trong 2 năm 2016, 2017.
Mặt khác, nếu loại trừ số thu từ đất và thu từ cổ tức, lợi nhuận còn lại của doanh nghiệp nhà nước và tiền bán cổ phần sở hữu nhà nước tại doanh nghiệp thì số ước thực hiện dự toán thu nội địa các năm 2017, 2018 và dự toán năm 2019 có tốc độ tăng thấp so với năm 2016.
Về chi ngân sách, Ủy ban Tài chính, Ngân sách đề nghị Chính phủ quan tâm một số vấn đề như, trong bối cảnh nguồn lực ngân sách nhà nước còn hạn hẹp, phải đi vay để cân đối nhưng việc xây dựng, phân bổ và giao dự toán một số năm gần đây nói chung, năm 2017 nói riêng chưa sát với yêu cầu thực tiễn, dẫn đến cuối năm dư kinh phí (chưa giao đầu năm) hoặc chưa phân bổ; đồng thời, việc trình phương án sử dụng số tiết kiệm chi chậm so với thời gian quy định; vướng mắc trong thực hiện một số khoản chi thường xuyên có tính chất đầu tư xây dựng cơ bản.
Bên cạnh đó, việc triển khai thực hiện Kế hoạch Đầu tư công trung hạn còn lúng túng, dẫn đến phân bổ, giao dự toán chậm, giao nhiều đợt, tiến độ giải ngân năm 2017, 2018 rất chậm…