Ngán Nga, EU lạnh lùng chặn mối hòa hiếu đổi đất lấy hòa bình giữa Serbia và Kosovo

Đại sứ Trần Đức Mậu |

EU hiện chưa muốn và chưa sẵn sàng thúc đẩy việc kết nạp Serbia và Kosovo vào liên minh mà chỉ mời chào và mồi chài để trấn an Kosovo và phân rẽ Serbia với Nga.

Sự kiện lớn đã không xảy ra nhưng không phải vì thế mà không có ý nghĩa gì đối với mối quan hệ giữa Serbia và Kosovo. Nó vẫn báo hiệu là những chuyển biến cơ bản mới sẽ dần trở nên không thể tránh khỏi trong mối quan hệ này cũng như trong việc Serbia và Kosovo nỗ lực để được thu nạp vào hàng ngũ thành viên của Liên minh châu Âu EU.

EU đã lại một lần nữa không thành công với việc trung gian hoà giải để lãnh đạo Serbia và Kosovo ngồi vào cùng bàn đối thoại. Ngay trước khi cuộc gặp này diễn ra như đã được thu xếp ở Brussel (Bỉ), Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic đã rời Brussel về nước. Ông Vucic từ chối gặp lãnh đạo Kosovo Hasim Thaci.

Phía Serbia lập luận rằng hiện tại chưa thích hợp về mọi phương diện để tiến hành cuộc gặp gỡ lịch sử này và đổ hết trách nhiệm sang cho phía Kosovo. Trong thực chất, ông Vucic thể hiện thái độ phản đối EU không ủng hộ sáng kiến của Serbia và Kosovo hoán đổi lãnh thổ để bình thường hoá quan hệ giữa hai bên.

EU muốn và ép Serbia công nhận Kosovo là quốc gia độc lập và đưa ra điều kiện tiên quyết là Serbia phải công nhận nhà nước Kosovo độc lập thì mới được kết nạp vào EU.

Ngán Nga, EU lạnh lùng chặn mối hòa hiếu đổi đất lấy hòa bình giữa Serbia và Kosovo - Ảnh 1.

Ông Hasim Thaci (trái) và ông Aleksandar Vucic (phải). Ảnh: website Hội đồng châu Âu

"Đổi lãnh thổ lấy quan hệ láng giềng yên bình"

Hơn 10 năm sau khi đơn phương tuyên bố độc lập - với sự chống lưng về chính trị và bảo hộ an ninh của Mỹ và EU - Kosovo đến nay đã được 111 trong tổng số 193 thành viên của LHQ công nhận, Serbia không công nhận.

Trung Quốc và Nga vẫn phủ quyết việc Kosovo trở thành thành viên mới của LHQ. Dù vậy, phía Serbia ý thức được rằng phải có quan hệ bình thường và hoà bình với Kosovo thì mới có thể được kết nạp vào EU.

Kosovo cũng thừa hiểu rằng phải hoà giải với Serbia thì mới có thể yên ổn cả về lâu dài. Chính vì thế, Serbia và Kosovo mới cùng nhau đưa ra và thực hiện ý tưởng vô cùng độc đáo là hoán đổi lãnh thổ.

Đó là cách thức "đổi lãnh thổ lấy quan hệ láng giềng yên bình". Cụ thể là Serbia sẽ nhận về vùng lãnh thổ hiện tại của Kosovo với dân chúng chủ yếu là người Serbia và đổi cho Kosovo vùng lãnh thổ tương ứng của Serbia với đa phần dân chúng là người Anbani.

Hiện tại mới chỉ như vậy chứ còn những khía cạnh liên quan khác như di sản chung về lịch sử, văn hoá, tôn giáo và cả nguồn tài nguyên thiên nhiên, nhất là về nguồn nước ngọt, sẽ được hai bên dần giải quyết.

Thoả thuận hoán đổi lãnh thổ này đặt mối quan hệ giữa Serbia và Kosovo trên nền tảng hoàn toàn mới và mờ ra thời kỳ quan hệ thật sự mới giữa hai bên. Hai bên cùng mưu sự nhưng không ngờ - và có lẽ đã không tính đến - thành sự không ở chỗ họ mà ở tại EU.

EU không mặn mà, nếu như không muốn nói là chống ý tưởng này. Trong thực chất, thoả thuận giữa Serbia và Kosovo là tách bạch sắc tộc - giữa người Serbia và người Anbani ở Serbia và Kosovo - và phân định lại biên giới quốc gia.

Ngán Nga, EU lạnh lùng chặn mối hòa hiếu đổi đất lấy hòa bình giữa Serbia và Kosovo - Ảnh 2.

Cả hai việc này đều thuộc diện cấm kỵ đối với EU và trái ngược hoàn toàn với quan điểm lâu nay của EU.

Thoả thuận Dayton năm 1995 cho Bosnia, Thoả thuận Ohrid năm 2001 cho Macedonia và Tuyên bố độc lập đơn phương của Kosovo năm 2008 đều không đả động gì đến việc vẽ lại đường biên giới quốc gia giữa các bên liên quan.

Quy định về Cộng hoà Srpska trong Liên bang Bosnia - Hercegovina của Thoả thuận Dayton chỉ là trường hợp ngoại lệ.

Serbia và Kosovo chủ động tự thoả hiệp với nhau để cải thiện quan hệ song phương trong kỳ vọng như thế cùng đáp ứng được điều kiện của EU để được tham gia liên minh này và để các đối tác khác không còn bị khó xử trong quan hệ của họ với Serbia và Kosovo.

Nhưng làm như thế, họ lại khiến EU khó xử. Họ tiến nhưng EU lại chặn bước của họ vì EU bị giam cầm trong những điều cấm kỵ tự đặt ra. Họ tự nhảy thoát ra khỏi cái bóng của chính mình trong khi EU vẫn bị tự giam cầm trong đó.

Về lý thì như thế đối với EU, nhưng về tình thì còn có 2 suy tính thực chất khác nữa khiến EU không ủng hộ ý tưởng độc đáo và bước tiến mới của Serbia và Kosovo.

Thứ nhất là lo ngại tiền lệ về "tách bạch lãnh thổ theo sắc tộc" sẽ trở thành thông lệ - ở Cộng hoà Sprska, ở những vùng lãnh thổ trên châu lục đang chủ trương ly khai. Từ đó sẽ dần dẫn đến việc phân định lại ranh giới lãnh thổ giữa các quốc gia.

Thứ hai là EU hiện chưa muốn và chưa sẵn sàng thúc đẩy việc kết nạp Serbia và Kosovo vào liên minh mà chỉ mời chào và mồi chài để trấn an Kosovo và phân rẽ Serbia với Nga. EU hiện cần có được hình ảnh về cuộc gặp giữa ông Vucic và ông Thaci nhiều hơn và cấp thiết hơn là việc Serbia và Kosovo hoán đổi lãnh thổ lấy quan hệ láng giềng yên bình.

Bước chuyển mang tính lịch sử và tác động khai thông đột phá không thành nên chuyện quan hệ giữa Serbia và Kosovo cũng như giữa Serbia và EU sẽ trở nên phức tạp, khó khăn và nhạy cảm hơn trước nhiều.

Tiêu đề do tòa soạn đặt lại.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại