Ngân hàng lớn đầu tiên công khai lãi suất cho vay: Ở mức nào so với lãi suất tiền gửi?

Pha Lê |

Trong hơn 70 ngày qua, ngân hàng này đã giải ngân cho vay hơn 470.000 tỷ đồng cho nền kinh tế.

Ngân hàng lớn đầu tiên công khai lãi suất cho vay

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã quyết liệt chỉ đạo tổ chức tín dụng (TCTD) thực hiện công bố lãi suất cho vay để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp tăng khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng.

Triển khai chủ trương của Chính phủ và chỉ đạo của NHNN, đến nay nhiều ngân hàng đã tích cực triển khai, công bố thông tin về lãi suất cho vay bình quân, chênh lệch lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân cũng như thông tin về lãi suất cho vay các gói, chương trình tín dụng, sản phẩm, lãi suất cho vay cơ sở, lãi suất cho vay tham chiếu trên website của ngân hàng.

Các ngân hàng công bố thông tin lãi suất bao gồm Á Châu, Tiên Phong, Bưu Điện Liên Việt, Bắc Á, Việt Nam Thương tín, Hong Leong, Agricultral Bank of China, Maybank Hà Nội và Hồ Chí Minh, First Commercial Bank chi nhánh Hà Nội và Hồ Chí Minh, Maybank, Công ty tài chính Lotte Finance...

Mới đây, một ngân hàng có thị phần cho vay hàng đầu là BIDV vừa công bố lãi suất cho vay bình quân tháng 3/2024. Đây là một trong những ngân hàng đầu tiên công khai lãi suất cho vay theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và NHNN. Theo đó, lãi suất cho vay bình quân tại BIDV là 6,49%/năm. Chênh lệch giữa lãi suất cho vay bình quân với lãi suất huy động vốn bình quân là 3,12%/năm.

Ngân hàng lớn đầu tiên công khai lãi suất cho vay: Ở mức nào so với lãi suất tiền gửi?- Ảnh 1.

Gói vay ngắn hạn phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh phụ vụ cho khách hàng cá nhân tại BIDV

Ngân hàng lớn đầu tiên công khai lãi suất cho vay: Ở mức nào so với lãi suất tiền gửi?- Ảnh 2.

Gói vay vốn phục vụ các nhu cầu như nhà ở, mua ô tô, tiêu dùng, sản xuất kinh doanh có tài sản đảm bảo bằng bất động sản kỳ hạn trung đến dài hạn cho khách hàng cá nhân

Ngân hàng lớn đầu tiên công khai lãi suất cho vay: Ở mức nào so với lãi suất tiền gửi?- Ảnh 3.

Mức lãi suất cho vay bình quân và chênh lệch lãi suất bình quân kỳ tháng 3/2024.

BIDV có kiến nghị gì trong cuộc gặp mặt với Thủ tướng?

BIDV là ngân hàng có lịch sử lâu đời nhất trong hệ thống các tổ chức tín dụng Việt Nam. Đây cũng là 1 trong 4 ngân hàng có vốn Nhà nước lớn nhất Việt Nam.

Theo báo cáo sơ bộ, tính đến hết năm 2023, BIDV có quy mô tổng tài sản đạt 2,26 triệu tỷ đồng, tiếp tục giữ vững vị thế là ngân hàng thương mại cổ phần có quy mô tổng tài sản lớn nhất tại Việt Nam.

Huy động vốn năm 2023 của BIDV đạt 1,89 triệu tỷ đồng, tăng trưởng 16,5%. Tổng số khách hàng doanh nghiệp đạt khoảng 500.000. Dư nợ tín dụng đạt 1,75 triệu tỷ đồng, tăng trưởng 16,66%, tỉ lệ nợ xấu theo thông tư 11 kiểm soát ở mức 1,1%. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất của BIDV năm 2023 đạt trên 27.400 tỷ đồng, tăng 19% so với năm 2022, đạt mức kỷ lục trong lịch sử hoạt động.

Ngân hàng lớn đầu tiên công khai lãi suất cho vay: Ở mức nào so với lãi suất tiền gửi?- Ảnh 4.

Liên quan đến tình hình tín dụng ngân hàng, tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ điều hành chính sách tiền tệ năm 2024 tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô diễn ra vừa qua, ông Phan Đức Tú, Chủ tịch BIDV cho biết, trong hơn 70 ngày qua, BIDV đã giải ngân cho vay hơn 470.000 tỷ đồng cho nền kinh tế.

Tuy nhiên, mức cho vay này vẫn thấp hơn số tiền trả nợ của người dân và các doanh nghiệp cho ngân hàng (gần 485.000 tỷ đồng) nên dư nợ của BIDV có sụt giảm so với cuối năm 2023 (khoảng 1%), nhưng vẫn tăng trưởng 13,5% so với cùng kỳ năm 2023.

Vốn tín dụng của BIDV tập trung cho 3 động lực tăng trưởng và 5 lĩnh vực ưu tiên, tiếp tục cơ cấu lại nợ, hỗ trợ khách hàng, thực hiện chương trình 120.000 tỷ đồng, chương trình tín dụng nông lâm thủy sản 15.000 tỷ đồng.

Theo đánh giá của ông Tú, mặc dù tín dụng 2 tháng đầu năm của Việt Nam có sự sụt giảm so với năm 2023 nhưng hoàn toàn có thể khắc phục để thực hiện mục tiêu tăng trưởng tín dụng 15%.

Cùng với đó, lãnh đạo BIDV cũng đưa ra những kiến nghị trong cuộc gặp mặt với Thủ tướng Phạm Minh Chính. Đầu tiên, BIDV đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các Bộ, ngành nỗ lực hoàn thiện thể chế (hướng dẫn thực hiện các Luật kinh doanh bất động sản, đất đai, nhà ở, tổ chức tín dụng...) vừa được Quốc hội thông qua; hoàn thiện các chính sách cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy phát triển các thị trường (như hàng hóa, tiêu thụ, xuất nhập khẩu; lao động, bất động sản,…). Đây chính là tiền đề và là động lực phát triển thị trường tài chính (cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp; tín dụng ngân hàng,…).

  • Nếu không có hỗ trợ, Việt Nam có thể mất một ngành đang trả lương mỗi năm 1 tỷ USD

  • Lượng tiền gửi còn 14 triệu tỷ đồng, vì sao tín dụng 2 tháng đầu năm tăng trưởng âm?

Tiếp theo, đại diện BIDV cũng đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh giải ngân đầu tư công; thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp (khôi phục thị trường truyền thống, tìm kiếm thị trường mới; hỗ trợ doanh nghiệp khó khăn, giảm và giảm hoàn thuế và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp cải thiện tình hình tài chính và tăng cường đào tạo quản trị doanh nghiệp, liên kết thông qua các hội, hiệp hội ngành nghề.

Đồng thời đề nghị NHNN và các Bộ, ngành liên quan tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho quá trình chuyển đổi số và cung cấp các dịch vụ sản phẩm thông qua phương tiện điện tử trong hoạt động ngân hàng; tăng cường chỉ đạo và tạo điều kiện các tổ chức tín dụng phi ngân hàng (Công ty tài chính, Công ty cho thuê tài chính,…) nâng cao năng lực cấp tín dụng cho nền kinh tế. Đây cũng là một nguồn cung tín dụng đáng kể cho nền kinh tế, đặc biệt là khi năng lực tài chính của các doanh nghiệp, người dân trong nền kinh tế còn hạn chế.

Cuối cùng, BIDV cũng đề nghị các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa cần nỗ lực tìm kiếm thị trường, hợp đồng, đơn hàng; hoàn thiện thủ tục pháp lý, có phương án kinh doanh hiệu quả khả thi; minh bạch hệ thống sổ sách kế toán tài chính, quản lý dòng tiền; đặc biệt cam kết thực hiện trách nhiệm, củng cố niềm tin giữa người đi vay và người cho vay.

Ở thời điểm hiện tại, BIDV không công bố chi tiết mức lãi suất cho vay đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Ngân hàng này cho biết, lãi suất cho vay doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể thay đổi tùy thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại