Ngân hàng ACB vẫn phải trích lập dự phòng nợ liên quan đến "bầu" Kiên

Ngân Gang |

Chi phí dự phòng rủi ro tín dụng giảm có thể khiến ACB phải gia tăng chi phí dự phòng trong nửa cuối năm 2016 để bắt kịp kế hoạch tái cơ cấu và xóa nợ xấu, nhằm tạo thêm dư địa cho tăng trưởng tín dụng.

Ngân hàng Thương Mại Cổ phần Á Châu (ACB) vừa công bố báo cáo tài chính chưa kiểm toán 6 tháng đầu năm 2016 với lợi nhuận trước và sau thuế tăng lần lượt là 13,3% và 16,2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo đó, lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 828 tỷ đồng, hoàn thành 55% kế hoạch cả năm 2016, lợi nhuận sau thuế ước tính đạt 663 tỷ đồng.

Lợi nhuận trước dự phòng của ACB giảm 1,9% so với cùng kỳ năm ngoái do gia tăng chi phí quản lý chung và hoạt động mảng đầu tư không tích cực như nửa đầu năm 2015.

Ảnh hưởng tiêu cực từ chi phí quản lý chung và hoạt động chứng khoán đầu tư đã được bù đắp phần lớn bởi gia tăng thu nhập từ lãi thuần và thu nhập phí thuần.

Thu nhập từ lãi thuần và thu nhập phí thuần tăng lần lượt 19,3% và 25,9%, cho thấy kết quả kinh doanh cốt lõi có tiến triển tốt trong nửa đầu năm.

Thu nhập lãi thuần được hỗ trợ từ tăng trưởng tín dụng cao 16,6% so với mức tăng 10,3% cùng kỳ năm ngoái, và tỷ lệ lãi cận biên (NIM) cao hơn khi đạt 3,3% so với mức 3,0% cùng kỳ năm ngoái.

Chi phí vốn giảm nhẹ 12 điểm cơ bản so với năm 2015 nhờ tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn trung bình tăng đạt 14,5% so với 13,8% trong năm 2015 và sử dụng nhiều hơn vốn liên ngân hàng hơn trong 2016.

Lãi suất liên ngân hàng có xu hướng giảm trong 6 tháng đầu năm 2016 đã hỗ trợ giảm chi phí vốn và làm tăng NIM cho ACB.

Tuy nhiên, cả ACB cùng với Công ty Chứng khoán ACBS vừa phát hành trái phiếu với lãi suất cao hơn 8%, do đó, chi phí vốn sẽ tăng trong nửa cuối năm nay.

ACB vẫn đang ghi nhận dự phòng cho tài sản có vấn đề liên quan đến nhóm 6 công ty của ông Nguyễn Đức Kiên (Bầu Kiên) theo nội dung tại ĐHCĐ thường niên, việc này giải thích cho chi phí dự phòng cho mảng chứng khoán đầu tư cao.

Ngoài những điểm tích cực ở trên, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng giảm có thể khiến ACB phải gia tăng chi phí dự phòng trong nửa cuối năm 2016 để bắt kịp kế hoạch tái cơ cấu và xóa nợ xấu, nhằm tạo thêm dư địa cho tăng trưởng tín dụng, trong trường hợp ACB không được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận nới tăng trưởng tín dụng lên trên 18% như đã đề cập tại ĐHCĐ.

Việc gia tăng chi phí dự phòng có thể có tác động tiêu cực đến kết quả kinh doanh nửa cuối năm 2016 của ACB.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại