Chạy ghế lúc “hoàng hôn”, hệ lụy tai hại
Là những người có nhiều năm công tác trong ngành kiểm tra và tổ chức cán bộ, cả ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương (T.Ư) và ông Lê Quang Thưởng, nguyên Phó Ban Tổ chức T.Ư đều cho rằng, vấn nạn “hoàng hôn nhiệm kỳ” , “tư duy nhiệm kỳ”, nhất là trong công tác bổ nhiệm cán bộ là rất nguy hại.
Bởi những chiếc “ghế” được bổ nhiệm trong thời điểm “hoàng hôn nhiệm kỳ” bằng “chạy chọt” không loại trừ sẽ lại tìm cách thu hồi vốn trong “hoàng hôn nhiệm kỳ” kế tiếp.
Theo ông Hùng, “tư duy nhiệm kỳ” được biểu hiện qua các hình thức như giữ yên ổn cho bản thân trong suốt nhiệm kỳ, tức là không dám làm, không dám chịu trách nhiệm, không xông xáo; còn dạng thứ hai là tìm cách “kiếm chác” trong nhiệm kỳ làm lãnh đạo.
Cũng vì tư tưởng “kiếm chác nhiệm kỳ” nên mới xảy ra các vụ việc như bổ nhiệm ồ ạt cán bộ không đúng tiêu chuẩn, điều kiện; bổ nhiệm cán bộ trước khi về hưu; hay quyết định các dự án vội vã, chưa được nghiên cứu thấu đáo.
“Rất nhiều dự án thời gian qua được triển khai thực hiện nhưng không hiệu quả, gây thất thoát, lãng phí lớn.
Cái đó ngoài những nguyên nhân như tư duy, tầm nhìn, cách làm thì cũng không loại trừ nguyên nhân “tư duy nhiệm kỳ”, tức là làm dự án để “đánh bóng” tên tuổi của bản thân mà không hề nghĩ đến tính hiệu quả”, ông Lê Quang Thưởng phân tích.
Phân tích mức độ nguy hại hai dạng của tư duy nhiệm kỳ, cả ông Hùng và ông Thưởng đều cho rằng, việc bổ nhiệm cán bộ sai là gây nguy hại xấu nhất. “Cán bộ là cái gốc, là then chốt của mọi then chốt.
Vậy mà cái chốt đó lại hỏng, lại xấu, chỉ chăm vun vén lợi ích cá nhân, kiếm chác thì làm sao đất nước phát triển được”, ông Thưởng nói. Trong khi đó, ông Vũ Quốc Hùng nhấn mạnh, dù quy trình, quy định bổ nhiệm cán bộ tương đối đầy đủ, nhưng ở nhiều nơi, nhiều chỗ, người đứng đầu vì lợi ích cá nhân, thậm chí là tiêu cực nên quy trình chỉ là cái cớ để hợp pháp hóa, hợp thức hóa cho cái sai, cái thiếu.
“Người quen, người thân, hoặc là đã có rỉ tai trước rồi, hoặc có ám chỉ trước rồi. Rồi người đứng đầu có trách nhiệm về công tác cán bộ lại đi “ướm hỏi”, dò hỏi, nói xa nói gần, vận động cho người được xem xét bổ nhiệm nên mấy ai còn dám ý kiến”, ông Hùng nói.
“Ai giới thiệu ai, cá nhân và tổ chức thì đều phải ghi vào biên bản hết. Xác định hết trách nhiệm, khi những người kia thoái hóa, biến chất thì kiểm điểm, xem trách nhiệm những người giới thiệu ở mức độ nào. Nếu làm thực sự được điều đó thì những người làm công tác cán bộ phải là những người phải biết lo lắng, giữ gìn và làm hết trách nhiệm”. Ông Vũ Quốc Hùng
Từng có nhiều năm làm công tác kiểm tra, ông Hùng cho rằng, các tổ chức Đảng phải chịu trách nhiệm đảm bảo, từ quy trình đề xuất, giới thiệu, bầu cử và ra quyết định. “Ai giới thiệu ai, cá nhân và tổ chức thì đều phải ghi vào biên bản hết. Xác định hết trách nhiệm, khi những người kia thoái hóa, biến chất thì kiểm điểm, xem trách nhiệm những người giới thiệu ở mức độ nào. Nếu làm thực sự được điều đó thì những người làm công tác cán bộ phải là những người phải biết lo lắng, giữ gìn và làm hết trách nhiệm”, ông Vũ Quốc Hùng nói.
Dừng bổ sung cấp ủy trước 6 tháng đại hội
Theo ông Hùng, hiện nay T.Ư đang dự thảo một văn bản quy định về chống “chạy chức, chạy quyền”. Đây là điều hết sức quan trọng để chống “tư duy nhiệm kỳ”, chống ký bừa, bổ nhiệm ẩu lúc chuẩn bị về hưu.
“Tôi nghe nhiều chuyện “chạy chức, chạy quyền”, chạy công việc; chạy ghế, chạy tuổi, chạy huân chương… Nghe kể thì rất khủng khiếp”, ông Hùng nói và cho rằng, nếu là người thiếu trung thực, giả dối thì không nên đưa vào vị trí lãnh đạo, quản lý.
Ông Vũ Quốc Hùng cũng cho biết đã được Ban Tổ chức T.Ư hỏi ý kiến tham gia dự thảo xây dựng quy định chống “chạy chức, chạy quyền”. Trong quy định này cũng nói rõ, trách nhiệm trong việc đề cử, tuyển chọn giới thiệu cán bộ mà hư hỏng thì phải chịu trách nhiệm.
“Nếu làm nghiêm túc sẽ chọn được những cán bộ chủ chốt, trẻ, tức là những người có đủ quy định về tuổi tác và họ lại có những phẩm chất, kinh nghiệm tốt”, ông Hùng nói.
Trong khi đó, theo ông Lê Quang Thưởng, cần phải thực hiện nghiêm Chỉ thị 35 của Bộ Chính trị về chuẩn bị cho đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Theo đó, Bộ Chính trị yêu cầu siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đề cao trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, trước hết là người đứng đầu, kiên quyết chống lãng phí, tiêu cực.
Công tác chuẩn bị nhân sự và bầu cử phải thực hiện đúng Điều lệ, quy chế, quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước; bảo đảm tính tổng thể, đồng bộ, liên quan, dân chủ, công tâm, khách quan, minh bạch; gắn kết chặt chẽ với công tác quy hoạch cán bộ và sắp xếp, bố trí nhân sự lãnh đạo cơ quan nhà nước các cấp nhiệm kỳ 2021- 2026.
Chỉ thị cũng yêu cầu các cấp ủy kiên quyết sàng lọc, không để lọt vào cấp ủy khóa mới những người cục bộ, bè phái, cơ hội, có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “chạy chức, chạy quyền”, tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm.
Đặc biệt để ngăn chặn những biểu hiện vi phạm trong công tác cán bộ, Bộ Chính trị yêu cầu dừng việc bổ sung cấp ủy viên và ủy viên Ban Thường vụ cấp ủy nhiệm kỳ 2015 - 2020 trước 6 tháng tính đến thời điểm đại hội ở mỗi cấp.
Ngoài ra, ông Thưởng cũng lưu ý, trong năm cuối của nhiệm kỳ, các cơ quan của Đảng, Nhà nước, đặc biệt là Ban Tổ chức T.Ư và Ủy ban Kiểm tra T.Ư cần phải tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ.
Tất cả những trường hợp có biểu hiện của “hoàng hôn nhiệm kỳ” cần phải được kiểm tra, kết luận ngay từ đầu, không đợi đến nhiệm kỳ sau. “Có làm nghiêm, xử nghiêm ngay từ đầu thì mới có tác dụng răn đe”, ông Thưởng nói.
Ðại hội là một dịp để sàng lọc cán bộ
"Dứt khoát không để lọt người có biểu hiện tham ô, tham nhũng, suy thoái đạo đức, chính trị, lối sống vào Ðại hội sắp tới.
Nơi nào để xảy ra cái này thì kỷ luật đi! Có dấu hiệu vi phạm là phải kiểm tra. Kiểm tra có vấn đề thì không đưa vào cấp ủy. Ðang có tâm lý chờ đợi xem sắp tới ông ấy có làm quyết liệt không, hay là tình hình sẽ thay đổi thế này thế khác? Không có đâu! Ai làm thì cũng phải thế thôi.
Họp Trung ương tôi đã nói rồi, hôm nào họp tôi còn nói nữa. Ðại hội là một dịp để ta sàng lọc cán bộ.
Ai xứng đáng thì làm, không thì thôi, không sợ thiếu cán bộ", Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Hội nghị sơ kết Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng chống tham nhũng, ngày 26/7/2019.